Dòng sự kiện:

Cảnh báo những nguy hại sức khỏe từ thú chơi bóng cười

15:55 27/10/2016
Sử dụng khí cười với tần suất lớn sẽ ảnh hưởng rất lớn tới cơ thể, nhất là hệ thần kinh.

Chết người vì chơi bóng cười

Bóng cười du nhập vào Việt Nam từ năm 2010 và trở thành cơn sốt trong giới trẻ vài năm gần đây. Ở nhiều quán cafe, bar, pub, dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bạn trẻ say sưa bên trái bóng chứa đầy khí cười hay còn gọi là N2O.

Tuy nhiên, để đánh đổi những tiếng cười này, đằng sau đó lại là hậu quả khôn lường. Ở Việt Nam, chưa ghi nhận trường hợp tử vong vì bóng cười nhưng trên thế giới thì không phải hiếm.

Theo Dailymail, thú chơi bóng cười đã gây ra 16 trường hợp tử vong ở Anh trong khoảng năm 2006-2009 và 52 trường hợp tính từ năm 1971.


Một trường hợp tử vong vì bóng cười mới đây nhất là tại Singapore. Nam sinh 13 tuổi sau khi tụ tập hít bóng cười với hai người bạn, sau đó ba chàng trai nhảy nhót và cười không ngớt. Người bạn đi cùng kể trước khi xảy ra tai nạn đáng tiếc, nam sinh ngồi vắt vẻo trên mép ban công, hai chân đung đưa trong không trung. Nam sinh đã mất thăng bằng, sảy chân rơi từ tầng 10 xuống tầng 2 tòa nhà và tử vong.

Bóng cười là gì?

Bóng cười hay còn gọi là funky ball, thực chất là quả bóng bay được bơm khí Nitrous oxide (N2O) thông qua một dụng cụ bơm. Chất khí nitrous oxide khiến người hút vào có cảm giác phấn khích, ảo giác gây cười.

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn - giảng viên khoa Hóa, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, khí cười hay còn gọi là N2O vốn là một loại khí được sử dụng trong chiến tranh thế giới thứ nhất. Đó là một hợp chất vô cơ không màu, vị ngọt nhẹ.

Sở dĩ gọi N2O là khí cười bởi có giả thuyết cho rằng, nó tác động lên một điểm của hệ thống thần kinh gây cười.

Loại khí gây cười N2O được nhà hóa học người Anh– Humphry Davy (1778-1892) phát hiện ra khi người cộng sự của ông vô tình làm thoát khí N2O, khi hít phải, nhà hóa học này đã bất ngờ cười sặc sụa. Từ đó, N2O được xem là linh hồn của những buổi tiệc vào đầu thế kỷ 19. Tuy có gây kích thích đến hệ thần kinh, nhưng N2O không được xem là chất gây nghiện. Chính vì vậy bóng cười cũng trở thành một thú chơi không bị pháp luật cấm cản.

Tại nước ta, bóng cười được rao bán công khai tại nhiều trang mạng và đang là trào lưu của giới trẻ.


Những rủi ro khi chơi bóng cười

PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết khí cười thường được sử dụng trong nha khoa như một chất gây tê, giảm đau yếu. Tuy nhiên nếu sử dụng khí cười với tần suất lớn sẽ ảnh hưởng rất lớn tới cơ thể, nhất là hệ thần kinh. 

Nếu hít nhiều sẽ gây ra nôn ói, rối loạn chuyển hóa cơ thể, thậm chí tạo cảm giác hưng phấn ảo, rất giống với cảm giác phê ma túy, sử dụng nhiều có thể sẽ gây nghiện. Ngay cả khi sử dụng ở nồng độ thấp, khí gây cười cũng sẽ ảnh hưởng đến nhận thức, làm giảm tầm nhìn và thính giác. 

Việc hít khí cười trong thời gian ngắn với liều lượng lớn có thể khiến người sử dụng bị co giật, run rẩy… Nếu những người mắc bệnh về tim mạch hay hen suyễn và một số bệnh liên quan tới đường hô hấp mà hít phải N2O lâu sẽ rất nguy hiểm vì nó có thể dẫn tới ngừng thở.


Tùy theo cơ địa của từng người sẽ gây ra hiện tượng như lờ đờ, ngơ ngơ dở thức dở ngủ làm cho thần kinh ngoại biên cũng như thần kinh thực vật của mình giảm hoạt động, bị trơ hoặc mệt mỏi, rất có thể nguy hại đến tính mạng.

Ngoài ra, bóng cười - công cụ chính của thú chơi này thường được làm từ cao su, và chất liệu này có thể gây nguy hiểm cho những người mắc chứng "dị ứng cao su" (latex allergy). Các loại protein có trong cao su có thể kích hoạt một kháng thể mang tên immunoglobulin E (lgE) để sản sinh ra hóa chất histamine - hoá chất có tác dụng duy trì hoạt động sinh lý của cơ thể. Nhưng một lượng lớn chất này xuất hiện có thể khiến cơ thể xuất hiện những triệu chứng dị ứng như nổi phát ban, chảy nước mũi...

Linh An (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam