Dòng sự kiện:

Cảnh báo: Phải cưa chân vì đắp thuốc trị gãy xương

Theo Infonet
07:05 06/03/2018
Điều trị bệnh cơ xương khớp sai đang khá phổ biến ở nước ta từ thành phố tới nông thôn có những bệnh nhân đã phải cưa chân vì điều trị sai cách.

Anh Nguyễn Văn H. 29 tuổi, trú tại Thanh Trì, Hà Nội bị gãy xương bả vai do tai nạn xe máy. Khi gãy xương, anh về quê điều trị thuốc nam bằng cách đắp thuốc lá như lá tre, lá cỏ xước và đủ các lá khác. Sau 1 tháng, anh thấy đỡ đau hơn và tự tin là xương liền.

Được hơn 1 tháng, bả vai liên tục đau, anh không giơ tay lên được và đau nhức vai. Anh H, đi chụp Xquang bác sĩ cho biết xương bả vai của anh bị gãy và chưa phục hồi đây là dạng gãy xương hở phải điều trị bài bản kèm theo phục hồi chức năng chứ không thể nào cứ đắp lá là được.

Ảnh minh hoạ.

Trường hợp của ông Vũ Văn Thư – 61 tuổi, trú tại Kiến Xương, Thái Bình bị thoái hóa xương. Ông Thư được bác sĩ tư vấn và điều trị lâu dài. Tuy nhiên, ông Thư không điều trị theo phương pháp của bác sĩ mà về nhà mua thuốc đông dược dạng hoàn uống.
Thời gian đầu uống thấy đỡ đau hơn nên ông càng ngày càng dùng thuốc này. Dùng cả năm, tay chân ông bắt đầu teo lại còn mặt thì tròn to ra kèm theo tích nước nhìn rất sợ.

Ông Thư lên Bệnh viện Bạch Mai kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán ông bị tác dụng phụ do sử dụng corticoid lâu ngày. Không chỉ bị hội chứng cushing mà khi đo mật độ xương, ông Thư còn bị dấu hiệu của loãng xương đây là một trong những bệnh lý nguy hiểm về xương khớp.

PGS Trần Trung Dũng – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội cho biết, bệnh lý xương khớp là bệnh lý phổ biến trong cộng đồng nhất là trong cuộc sống hiện đại, lười vận động thì bệnh xương khớp càng “gia tăng”.

Tuy nhiên, bác sĩ Dũng cho biết đa số người bệnh còn điều trị sai cách dẫn đến nhiều trường hợp đau lòng xảy ra khi biến chứng nặng bác sĩ không thể can thiệp được.

PGS Dũng cho biết trong thực tế lâm sàng, chúng tôi gặp rất nhiều trường hợp gặp biến chứng do điều trị bệnh lý cơ xương khớp không đúng. Có một trường hợp bệnh nhân nam khoảng 55 tuổi, bị chấn thương gãy xương hở cẳng chân, tuy nhiên bệnh nhân lại không tìm đến các cơ sở khám chữa bệnh để được điều trị mà tự đắp thuốc đông y không rõ nguồn gốc. Kết quả chân của bệnh nhân bị nhiễm trùng, hoại tử nặng. Sau đó bệnh nhân nhập viện và phải trải qua 3 lần phẫu thuật. Cuối cùng phải cắt cụt cẳng chân. Trường hợp này nếu từ đầu bệnh nhân được đến bệnh viện khám và điều trị đúng cách thì chắc chắn kết quả sẽ tốt hơn rất nhiều.

Bác sĩ Dũng nhấn mạnh cơ xương khớp là cơ quan vận động của cơ thể, do đó khi gặp các vấn đề về cơ xương khớp, bệnh nhân sẽ bị hạn chế trong các hoạt động sống hàng ngày.

Do đó tâm lý bệnh nhân thường rất nôn nóng muốn điều trị thật nhanh để quay lại hoạt động bình thường. Tuy nhiên điều trị sai cách thường dẫn đến kết quả không được như ý muốn. Vì vậy, tốt nhất là nên đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để được khám, tư vấn và điều trị đúng cách.

Khi dùng thuốc cần chẩn đoán chính xác, dùng trong thời gian cần thiết, giảm liều ngay khi có thể, phải theo dõi thường xuyên các tác dụng phụ của thuốc và phòng ngừa các biến chứng khi dùng kéo dài.

Nguồn: Gia đình Việt Nam