Dòng sự kiện:

Cảnh giác trước 'tuyệt chiêu thanh lọc cơ thể' từ nhịn ăn

Những chiêu này đang được nhiều người áp dụng. Vấn đề là cần áp dụng nó như thế nào để đạt được kết quả tốt. Thậm chí, có những cách tưởng là đúng nhưng thực ra phản khoa học...

Độc tố cơ thể là những cặn bã, chất độc, yếu tố gây hại có trong không khí, thức ăn, nước uống được con người hấp thụ vào cơ thể hằng ngày. Các chất độc khi vào cơ thể sẽ được bộ “lọc” tự nhiên trong cơ thể là gan, thận… thải ra ngoài. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều chất độc mà các “bộ lọc” này không có khả năng tự đào thải, vẫn đọng lại trong cơ thể. Những chất độc này tích tụ lâu dần sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Nhiều người vẫn đang cố gắng áp dụng những cách thải độc như: uống nhiều nước, ăn thật nhiều trái cây, rau xanh, xông hơi... Tuy nhiên, thải độc không đúng cách sẽ làm hại cơ thể.

Uống nước giải độc:

Uống nước luôn được coi là một trong những phương pháp tốt giúp giải độc cơ thể bởi nước sẽ giúp gan, thận hoạt động tốt hơn và đẩy độc tố ra khỏi người bằng đường tiểu nhiều hơn. Tuy nhiên, cần uống đủ nước chứ không nên uống quá nhiều nước. Uống quá nhiều nước sẽ dẫn đến tình trạng trữ nước, gây khó chịu, mệt mỏi, thậm chí có thể gây ra rối loạn hoạt động của gan, thận; khiến chúng phải làm việc vất vả hơn và việc thải độc khó khăn hơn.

Ăn nhiều rau xanh:

Rau xanh được biết đến là loại thực phẩm có công dụng giải độc cơ thể rất tốt. Do vậy, bữa ăn cần đầy đủ khẩu phần rau. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng với những loại rau sạch. Với những loại rau quả không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì tác dụng sẽ ngược lại, làm tăng thêm chất độc gây hại cho cơ thể con người.

Chế độ ăn lỏng:

Nhiều người vẫn nhầm tưởng việc thực hiện một chế độ ăn “lỏng” sẽ giúp đào thải độc tố ra khỏi một cách hiệu quả. Trên thực tế, không chế độ ăn nào có thể hoàn toàn loại bỏ các chất độc hại trong gan, thận, đại tràng... nếu không có sự hỗ trợ của các yếu tố khác.

Nhịn ăn:

Để thanh lọc cơ thể là cách làm phản khoa học, thậm chí có thể dẫn tới tử vong. Nhiều người sử dụng phương pháp nhịn ăn hoàn toàn sẽ thấy xuất hiện một số triệu chứng như: chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, đau cơ và lo lắng. Nếu nhịn ăn dài ngày, có thể gây suy dinh dưỡng dẫn đến thiếu máu, hạ đường huyết, mất cân bằng điện giải, suy gan, suy thận, nặng hơn nữa có thể dẫn đến các rối loạn nhịp tim, ngừng tim, hôn mê, thậm chí tử vong.

Đặc biệt, những bệnh nhân có vấn đề về huyết áp hay có bệnh tim mạch đang dùng thuốc; những người có bệnh gan, thận, đái tháo đường, dạ dày, đại tràng; phụ nữ mang thai và cho con bú; những thanh thiếu niên hoặc trẻ em đang phát triển càng không nên giảm cân bằng cách nhịn ăn… Lý do là khi nhịn ăn để giảm cân, nếu nhịn không hợp lý, dài ngày sẽ gây suy dinh dưỡng và có thể lại ăn quá nhiều khi ngừng nhịn ăn, khiến cơ thể tăng cân trở lại nhanh chóng.

Một cơ thể muốn được thanh lọc và khỏe mạnh cần có chế độ ăn uống điều độ (không ăn nhiều hơn nhu cầu của mình, hoặc có thể ăn ít hơn một chút), ăn thức ăn nguồn gốc thực vật nhiều hơn động vật, thức ăn thiên nhiên và không qua chế biến, chọn thực phẩm an toàn, uống nhiều nước lọc. Bên cạnh đó, cần thường xuyên rèn luyện cơ thể (tập thể dục, yoga...), tập hít thở sâu.

Cần phải hết sức thận trọng với việc nhịn ăn để thanh lọc cơ thể, chữa bệnh vì chưa có những nghiên cứu khoa học chính thức về vấn đề này. Chúng ta cũng chưa có bằng chứng khoa học nào về việc cải thiện hay suy giảm sức khỏe từ việc nhịn ăn. Vì thế, tùy thể trạng của từng người cụ thể để điều chỉnh cách ăn uống và dung nạp dinh dưỡng một cách hợp lý, mọi người không nên áp dụng đại trà việc nhịn ăn.
Mỗi người có một thể trạng và sức khỏe khác nhau. Khi muốn ăn kiêng và cần một giải pháp về dinh dưỡng, để an toàn thì cần đến tư vấn với bác sĩ.

Nhịn ăn để thanh lọc cơ thể là cách làm phản khoa học.

Nguồn: Gia đình Việt Nam