Dòng sự kiện:

Cắt bao quy đầu cho trẻ có thể gây tổn hại cơ thể và tâm hồn của trẻ

Khi chưa thực sự cần thiết, ba mẹ không nên cắt bao quy đầu cho con. Bởi việc can thiệp thô bạo vào vùng kín của một em bé không những làm tổn thương cơ thể mà còn tổn thương cả tâm hồn non nớt của con.

Bác sĩ Trần Văn Công hiện đang công tác tại Khoa Nhi Phòng khám Victoria Healthcare, TP.HCM đã chia sẻ một câu chuyện về cắt bao quy đầu cho trẻ khiến các bậc cha mẹ phải giật mình:

Mới đây tôi có gặp một bà mẹ. Khi 6 tháng mẹ thấy chóp da quy đầu của bé hơi đỏ, mẹ đã đưa con đi khám. Bác sĩ chẩn đoán bé bị Phimosis (Hẹp bao quy đầu). Bác sĩ đã làm thủ thuật khai chim cho bé (nong bằng tay). Động tác tuột bao quy đầu này làm em bé vô cùng đau đớn, khóc ré và chảy máu. Bác sĩ cho thuốc về bôi và dặn mẹ tiếp tục kéo mỗi ngày. Tuy nhiên sau khi bị xé xong thì tất nhiên da quy đầu, quy đầu phải bị sưng viêm. Mẹ chỉ cần đụng vào là em bé đau đớn khóc thảm thiết khiến mẹ chùn tay, được mấy ngày sau thì bị dính lại. Cứ như vậy bé bị khai chim đi khai chim lại đến 3 lần và dính vẫn hoàn dính.

Về phía em bé, mẹ bảo bé sợ hãi đến nỗi đêm cũng nằm mơ khóc thét, chỉ cần đụng vào chim bé thì bé sẽ khóc thét lên. Rõ ràng một thủ thuật thô bạo vào vùng kín của em bé không những làm tổn thương cơ thể mà còn tổn thương cả tâm hồn trẻ.

Đến lúc cần phải xem lại, không nên “khai chim thường quy” cho trẻ nhỏ phimosis không biến chứng nữa”.

Bác sĩ Trần Văn Công. (Ảnh NVCC)

Cùng trò chuyện thêm với bác sĩ Trần Văn Công để có quyết định đúng đắn khi bé bị hẹp bao quy đầu, một hiện tượng phổ biến ở bé trai.

- Chào bác sĩ, có thể hiểu hiện tượng hẹp bao quy đầu ở trẻ như thế nào?

- Lúc mới sinh, hầu hết bao quy đầu của các bé trai không thể co rút lại do mặt trong da quy đầu dính liền với quy đầu. Sau sinh cùng với sự lớn lên của dương vật và sự cương cứng, lớp da quy đầu sẽ tách ra khỏi quy đầu và co rút lại. Chỉ tầm 4% trẻ trai mới sinh có bao quy đầu co rút lại hoàn toàn có thể nhìn thấy được quy đầu. Chỉ 50% số trẻ có thể nhìn thấy được lỗ tiểu. Sự co rút bao quy đầu diễn ra tiếp tục, tới 5 tuổi 95% sẽ lộ hoàn toàn và tới tuổi thiếu niên con số này là 99%.

Hẹp bao quy đầu được định nghĩa là da quy đầu không có khả năng co rút lại và chia ra 2 loại:

1. Hẹp bao qui đầu sinh lý: do sự dính chặt của mặt trong da quy đầu với bề mặt quy đầu gặp ở hầu hết các trẻ trai mới sinh. Tình trạng này thường được tự giải quyết trong suốt thời thơ ấu, chỉ còn 1% ở trẻ học lớp 7.

2. Hẹp bao qui đầu bệnh lý: gây ra do sẹo ở da quy đầu làm cho da quy đầu không thể tuột xuống được.

- Được biết các mẹ thường đưa con đi cắt bao quy đầu từ rất sớm. Theo bác sĩ việc này có ảnh hưởng như thế nào đến tâm sinh lý của bé?

- Với một em bé đã bắt đầu có nhận thức: biết lạ, quen, biết đau, biết sợ hãi thì đương nhiên việc đem trẻ đi làm một thủ thuật cắt bao quy đầu là một sang chấn tâm lí đối với trẻ. Trẻ càng lớn thì sang chấn càng nhiều. Thường sau 6 tháng em bé đã biết sợ hãi, lạ quen và biết cảm nhận đau đớn. Cho nên nếu cha mẹ muốn cắt bao quy đầu cho con theo nghi lễ tôn giáo hay truyền thống văn hóa của địa phương, gia đình thì nên tiến hành càng sớm càng tốt trong vòng 10 ngày đầu sau sanh. Nếu trẻ đủ nhận thức thì đó là một trải nghiệm “bị đau” và bị xâm vào vào nơi riêng tư. Tất nhiên theo thời gian có thể kí ức đó phai nhòa và trẻ có thể quên đi.

Nếu hẹp bao quy đầu sinh lý, 99% sẽ lộ quy đầu khi đến tuổi thiếu niên. (Ảnh Pinterest)

- Theo bác sĩ, độ tuổi nào sẽ thích hợp cho việc cắt bao quy đầu. Trong trường hợp nào thì nên đi cắt, trường hợp nào thì nên để đến độ tuổi phù hợp?

- Lứa tuổi nào cũng có thể cắt bao quy đầu được, tùy theo mục đích cắt là gì. Nếu cắt do tôn giáo, truyền thống văn hóa xã hội hay gia đình thì thường cắt sớm trong 10 ngày đầu. Còn nếu cắt vì lí do y khoa thì lại tùy vào chỉ định.

Nếu là hẹp bao quy đầu bệnh lý, đã gây biến chứng: viêm bao quy đầu, da quy đầu, nhiễm trùng tiểu hoặc có dị dạng tiết niệu kèm theo thì nên tiến hành cắt sớm ngay sau khi giải quyết xong biến chứng.

Nếu hẹp bao quy đầu bệnh lý chưa gây biến chứng thì có thể cân nhắc trì hoãn mà thử nong bằng tay nhẹ nhàng kết hợp với thoa thuốc kháng viêm. Nếu thất bại với phương pháp này thì nên cắt, thởi điểm thì nên giải quyết trước tuổi đi học tiểu học.

Đối với những em bé không cắt bao quy đầu thì cần vệ sinh, chích ngừa HPV. Sau này lớn cần được đào tạo vệ sinh an toàn tình dục.

Còn một trường hợp nữa là trẻ không bị hẹp bao quy đầu bệnh lý, cũng không phải vì mục đích tôn giáo hay truyền thống gì cả, chỉ đơn thuần vì cắt bao quy đầu có đem lại một chút lợi ích hơn so với không cắt như: giảm khả năng bị nhiễm trùng tiểu, giảm tỉ lệ ung thư dương vật, bệnh lây qua đường tình dục, viêm nhiễm... Những trường hợp này là do cha mẹ tự quyết định sau khi tham vấn ý kiến bác sĩ. Vì thực tế lợi ích cũng có so với nhóm trẻ không cắt bao qui đầu nhưng lợi ích này không quá nhiều.

Cần bảo vệ trẻ tránh những tổn hại không đáng có về tinh thần lẫn thể chất. (Ảnh Pinterest)

- Bác sĩ có lời khuyên như thế nào trong việc vệ sinh cho bé trai bị hẹp bao quy đầu để đảm bảo an toàn cho sức khỏe?

- Chúng tôi khuyến nghị theo dõi thường xuyên và cẩn thận những em bé bị phimosis mà chưa cắt bao qui đầu:

1. Nên rửa sạch dương vật cho tất cả trẻ em nam trong khi tắm.

2. Tránh kéo mạnh da qui đầu vì da quy đầu sẽ co rút lại 1 cách tự nhiên. Chỉ cần kéo ra rất nhẹ nhàng rửa sạch và sau đó làm khô phần dưới của da quy đầu. Da quy đầu cần phải được kéo trả về vị trí cũ của nó, bao phủ lấy quy đầu sau khi đã rửa sạch và làm khô.

3. Ở những em bé chưa được đào tạo cách đi tiểu nên được thay tã thường xuyên để ngừa viêm da tã và kích ứng da quy đầu.

4. Mỗi khi đi khám định kì, bác sĩ cần hỏi về việc đi tiểu của bé để phát hiện ra những bất thường của dòng nước tiểu.

Những tình trạng lành tính bao gồm hẹp bao quy đầu sinh lý, nang bao quy đầu do chất bã (smegma), sự phồng lên thoáng qua của bao quy đầu khi bé đi tiểu sẽ tự hết mà không cần dùng tay để làm cho hết phồng. Cha mẹ cần biết rằng những tình trạng này là bình thường và không cần bất cứ can thiệp nào.

- Theo bác sĩ, những trường hợp trẻ bị hẹp bao quy đầu như thế nào thì nên can thiệp?

Những biến chứng của phimosis mà yêu cầu phải cần thiệp bao gồm:

1. Hẹp bao qui đầu bệnh lý làm gia tăng nguy cơ các biến chứng như: paraphimosis, viêm bao quy đầu nặng hoặc tái diễn, nhiễm trùng tiểu tái phát. Mặc dù có một vài phương pháp điều trị nhưng chúng tôi khuyến nghị dùng kem kháng viêm thoa tại chỗ kết hợp với kéo da quy đầu nhẹ nhàng ngày 2 lần như trị liệu đầu tiên trước bất kì các can thiệp khác. Các lựa chọn khác bao gồm nong bao quy đầu bằng tay và phẫu thuật cắt bao quy đầu.

2. Paraphimosis là 1 cấp cứu, do bao qui đầu bị kéo xa về phía sau không lộn lại được dẫn tới bó chặt quy đầu, làm giảm máu nuôi quy đầu nếu không can thiệp ngay có thể dẫn tới hoại tử quy đầu.

3. Nguy cơ nhiễm trùng tiểu tái phát lớn hơn gấp 4-10 lần ở những trẻ phimosis chưa cắt bao qui đầu. Nhiễm trùng tiểu tái phát hoặc nhiễm trùng tiểu trên một em bé có kèm theo dị dạng bất thường của đường tiết niệu như: sẹo thận, trào ngược bàng quang, niệu quản thì nên cắt bao qui đầu có thể dự phòng được biến chứng này.

4. Viêm quy đầu, bao quy đầu là hậu quả của vệ sinh kém. Trong 1 số trường hợp nặng làm trẻ không đi tiểu được. Khi đó cần những cân thiệp sâu hơn. Và tất nhiên những trẻ này nên được cắt bao qui đầu sau khi tình trạng ổn định.

- Cảm ơn bác sĩ đã dành thời gian chia sẻ những kiến thức bổ ích với chuyên mục.

Nguồn: Gia đình Việt Nam