Dòng sự kiện:

Câu chuyện “mẹ dạy con không đòn roi” giúp thầy giáo giải được điều trăn trở

Tâm sự từ một phụ huynh khiến NGƯT, ThS Tô Ngọc Sơn (Sở GD&ĐT Đồng Tháp) tìm ra được lời giải cho câu hỏi mình trăn trở.

"Chị Hạnh là phụ huynh mà tôi đã dạy con chị từ ba năm trước. Con trai của chị đang học lớp 8, là một học sinh giỏi, một cán sự lớp thường được tuyên dương dưới cờ, một thành viên trong đội học sinh giỏi Toán của Trường THCS Kim Hồng, thành phố Cao Lãnh.

Khi còn là học sinh của tôi (lớp 5), con trai chị Hạnh là một trong những học sinh cá biệt. Em thông minh, nhạy bén nhưng vô cùng hiếu động và chưa bao giờ cẩn thận trong bất cứ việc gì. Chính vì vậy, từ sách vở dến tập nháp của em, chữ viết nguệch ngoạc, áo quần xộc xệch...

Tôi đã phải mời chị Hạnh đến trao đổi và báo cáo lại tình hình. Cuộc trò chuyện của tôi và chị rất thành công. Tôi thấy vui vì đã trút được nỗi lo lắng của mình và nhận được sự cảm thông, chia sẻ của phụ huynh.

Thầy Tô Ngọc Sơn khi còn là GV Trường tiểu học Chu Văn An (Cao Lãnh, Đồng Tháp).

Chị Hạnh kể, sau buổi trò chuyện đó, chị không lớn tiếng mà chăm chút con nhiều hơn. Kiểm tra sách vở, chị không phê bình mà lấy những sách vở đẹp ra để so sánh, khuyến khích con, chẳng hạn: Quyển vở của con học hằng ngày nên cũ, giấy quăn góc là lẽ đương nhiên rồi,... Mình có cách nào giữ cho sách vở mình sạch, đẹp không quăn góc không con? Nếu mình giữ được thẳng thớm như mấy quyển vở này thì nó sẽ bền, đẹp hơn, đúng không con? Khuyến khích con nói ra vài cách, hai mẹ con cùng thảo luận. Đơn giản vậy mà có tác dụng.

Thấy con mê chơi, lăn lộn dưới đất quần áo bẩn, xộc xệch, chị nghĩ ra một cách: Mỗi ngày, chị tìm một chuyện gì đó để khen rồi thưởng cho con "món quà", kiểu như là cho con bộ đồ để đi học.

Ủi xong, chị giả bộ trách mình: “Trời ơi, bộ đồ đẹp thế này mà lâu rồi mình không nhận ra vậy con? Mình thiếu sót quá hén con Thôi từ đây về sau mẹ sẽ ủi mấy bộ đồng phục này cho con mỗi ngày”.

Con mặc vào xong, chị ngắm và trầm trồ khen ngợi. Những ngày đầu đi học về quần áo con vẫn dơ bẩn, chị thấy cũng tức giận và buồn nhưng cố gắng kiềm chế giấu trong lòng, không trách hờn con. Con về, chị ngắm lại bộ đồ và mỗi ngày đều tìm ra lý do để khen: ít dơ hơn rồi nè, không bị nhăn nếp nhiều nè,...

Những lời khen ấy đã có tác dụng. Chỉ hơn hai tuần thôi, khi đi học về, chị không cần phải hỏi nữa mà con tự chạy vào khoe với mẹ: Mẹ thấy đồ con đẹp chưa?

Câu chuyện dạy con của chị quá thật, quá đời thường. Thật đúng như vậy. Những công việc hết sức bình dị mà tất cả mọi người ai cũng biết, cũng làm... thế nhưng không đơn giản và không tầm thường chút nào.

Câu chuyện của chị đã để lại cho tôi một bài học vô cùng quý và đầy ý nghĩa. Giáo dục không thể một sớm một chiều, không thể một ngày một bữa mà làm nên. Giục tốc bất đạt. Mọi việc đều có căn cơ của nó. Hãy bình tĩnh tìm ra nguyên do của những hạn chế rồi tìm cách khắc chế những hạn chế ấy. Vạn vật trên đời đều có khắc tinh của nó? Vậy khắc tính của hạn chế là gì? Đấy là câu hỏi lớn và cần phải tìm ra câu trả lời.

Chị Hạnh đã dạy con một cách nhẹ nhàng, không roi đòn, lớn tiếng hay nặng nhẹ nhưng đã đem lại một kết quả vô cùng to lớn. Đấy chính là một bài học lớn cho quý thầy cô, cho ngành Giáo dục của chúng ta.

Sự khuyến khích động viên, những cái nhìn tích cực, sự đánh giá, ghi nhận của mọi người là một trong những thành tố quan trọng góp phần to lớn vào kết quả đạt được của mỗi cá nhân.

Các thầy cô hãy bình tĩnh, cần phải xem xét lại mọi tình huống đã xảy ra, kiểm chứng, phân tích để tìm ra cách khắc chế. Sự phê bình, chỉ trích quá vội cũng là một trong những nguyên nhân làm mọi việc xung quanh mình cũng trở nên nóng vội và xảy ra bao điều đáng tiếc".

Nguồn: Gia đình Việt Nam