Dòng sự kiện:

Câu chuyện sinh ra từ nách là không thành thật với trẻ em và chính mình

PGS. TS Trần Hữu Đức, Chuyên gia tư vấn cao cấp của Better Living, trao đổi xung quanh câu chuyện nhức nhối ấu dâm và xâm hại tình dục.

Hiện nay, các bậc làm cha mẹ thường có xu hướng rất e ngại khi giáo dục cho con về giới tính, thậm chí cấm đoán con nhắc về điều này. Nhiều phụ huynh đang cố tình lơ đi hoặc cố ý nói sai khi con trẻ hỏi được sinh ra từ đâu, tại sao lại có con. Câu chuyện sinh ra từ nách, từ rốn là sự không thành thật với trẻ em cũng như chính mình?

- Trong gia đình, bố mẹ là tấm gương để giáo dục con cái. Thái độ của bố mẹ về sex như thế nào, là tội phạm hay cao thượng đẹp đẽ? Bố mẹ đến với nhau có công khai không, có lén lút xem phim đen không? Bố mẹ nghĩ gì về việc thủ dâm?

TS Trần Hữu Đức

Bố mẹ hãy rất lưu ý, con trẻ ngày nay biết nhiều gấp trăm lần so với ta ngày xưa. Chúng học mọi lúc mọi nơi chứ không phải tới lớp mới học đâu nhé. Thế nên bố mẹ cũng lưu ý rằng con vẫn luôn học ta, mọi lúc mọi nơi, cho dù ta có ý thức dạy chúng hay không. Tôi thấy hiện nay khi con cái xem phim cùng bố mẹ có cảnh hôn nhau thường bảo con nhắm mắt lại.Quan sát chính bản thân phụ huynh trước. Nếu ta kinh tởm hoặc sợ sệt dục tính, thì không nên dạy con, mà cũng không nên làm ngơ. Hãy đi học về dục tính (như phần trên đã nêu), và đôi khi hãy hỏi chính con em chúng ta. Khi phụ huynh đã có được cái nhìn trung tính về dục tính và không e ngại hoặc khinh sợ gì nữa thì mới dạy được con cái.

Nếu hôn nhau là xấu thì mới cấm chứ, còn nếu đó là nghĩa cử yêu thương cao đẹp thì tại sao lại cấm? Thái độ của mỗi người về tình dục khác nhau. Bản thân người lớn nên rà lại quan điểm của mình. Như tôi đã nói, sự khác biệt nằm ở chỗ thái độ của chúng ta.

Còn việc biểu lộ tình yêu con cái của cha mẹ (tôi nhấn mạnh là cha mẹ thôi chứ không phải người thân hay người quen nào hết) bằng cách ôm hôn, thậm chí “động chạm” vào bộ phận sinh dục của con trẻ thì sao thưa ông? 

- Theo Osho, trong tác phẩm Từ dục tới siêu tâm thức (NXB Hà Nội, 2010), loài người đang bóp méo khái niệm về tình dục (sex) khi đây là khái niệm thiêng liêng. Ông khuyến cáo các gia đình phụ huynh hãy tiếp cận sex tự nhiên.

Tại một số bộ lạc, bộ tộc châu Phi họ trần truồng trong nhà và ngay cả khi đi ra ngoài, và ở những nơi này người ta không có vấn đề về lạm dụng tình dục gì cả, vì đối với họ, trên cơ thể chẳng có vùng cấm hoặc vùng kín gì cả, thế cho nên khái niệm lạm dụng tình dục hoặc sờ chạm vào vùng nhạy cảm chẳng tồn tại trong từ vựng của họ.

Osho còn khuyên trong nhà nên có sự thoải mái, trò chuyện, trao đổi rất tự nhiên và trong sáng về dục tính, và khuyến khích trẻ con ở truồng. Cơ thể con người là đẹp đẽ và thiêng liêng. Có chăng là thái độ xấu xa của ta đối với cơ thể con người. Và càng cấm đoán, ta càng dấy lên lòng tham dục, và từ tham dục mà nảy sinh các thái độ và hành vi xấu xa ấy.

Đương nhiên, nếu phụ huynh muốn thể hiện lòng yêu thương con trẻ bằng cách ôm ấp, cưng nựng thì xin hãy rất tự nhiên và giữ tâm trong sáng. Tiếp theo là ta cũng cần chú ý đến thái độ của con trẻ, xem con có thoải mái hay không. 

Nếu thoải mái và tự nhiên, tôi nghĩ việc vuốt ve, âu yếm, cưng nựng con trẻ sẽ rất tốt, vì khi đụng chạm nhau, ta đang tăng sự tự tin của con trẻ, giúp chúng cảm nhận sự thuộc về, và cảm nhận thể lý về khái niệm người thân. Trẻ được vuốt ve, yêu chiều sẽ học tốt hơn, nhớ tốt hơn, và tinh thần ổn định hơn.

Nhưng ngày nay khi cha mẹ và con cái ai cũng bận rộn hơn, chúng ta đang bỏ dần đi sự đụng chạm giữa người và người, thay vào đó ta đụng chạm nhiều hơn đến máy tính, và điện thoại thông minh của mình. Tuy nhiên, cho tôi lập lại, hãy giữ tâm trong sáng và hãy quan sát để đảm bảo con em ta được thoải mái, tự nhiên. Nếu không thoải mái, tự nhiên, ta hãy hỏi con và thay đổi cách yêu chiều sao cho phù hợp và thoải mái cho con.

Tôi thấy các nước phương Tây quy định pháp luật về tình dục rất nghiêm khắc nhưng họ lại có quan niệm cởi mở về điều này. Ở Việt Nam quan niệm về tình dục vẫn còn rất khắt khe thì luật pháp dường như chưa nghiêm minh, ông có nghĩ như vậy không?

- Văn hóa phương Tây rất tôn trọng chủ nghĩa cá nhân, văn hóa phương Đông là sự cộng đồng, cộng cảm. Vì vậy ở phương Tây ngay khi đứa bé mới vài tháng tuổi đã có một phòng riêng, lớn lên độc lập cùng với bố mẹ, tạo cho đứa bé khái niệm tự lập từ rất sớm.

Vì vậy, bán kính không gian riêng tư từ thể lý đến tâm lý của người phương Tây có khuynh hướng rộng hơn người phương Đông của chúng ta. Đi ngoài đường chúng ta thấy người Việt hay đi chung nhóm, tay khoác tay, còn người phương Tây thì hay đi một mình, và nếu có đi chung thì chẳng bao giờ khoác tay nhau, trừ khi họ là người yêu hoặc người thân của nhau.

Ngó vậy thôi, chứ ngủ chung cũng có quy ước của nó, ai nằm kế ai, quay đầu thế nào, được làm gì, không được làm gì. Nếu tính tự giác của từng người dân trong từng gia đình là tốt, thì pháp luật sẽ chẳng cần can thiệp.Không gian nhà Việt Nam truyền thống vốn thể hiện cái tình làng nghĩa xóm rất đẹp. Có hàng giậu thấp chứ không có hàng rào cao. Có lối vào mà không có cổng hay cửa. Thế nhưng sẽ không ai tự động vào nhà người khác mà không xin phép. Trong nhà cũng vậy, nhà truyền thống Việt Nam chỉ chia gian chứ không chia phòng. Không gian ngủ cũng tương tự, anh chị em ngủ chung với nhau, con út ngủ chung cùng bố mẹ là bình thường.

Truyền thống của ta về dục tính và các quan hệ xã hội liên quan đến giới tính vốn dĩ vừa nghiêm khắc vừa thân thiện và rất hiệu quả. Thế nhưng trong quá trình hội nhập ta đã để “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”. Khi nề nếp trong gia đình và chòm xóm không còn vững nữa thì tới lúc luật pháp phải lên tiếng rồi.

Bộ luật Hình sự 2015 dành 5 điều luật quy định mức phạt với người có hành vi xâm hại tình dục trẻ em đó là Điều 142, 144, 145, 146, 147. Khung hình phạt cao nhất là chung thân, tử hình. Nhưng thực tế dường như chưa có trường hợp nào bị nhận hình phạt. Ông có mong muốn có sự nghiêm khắc hơn ở pháp luật?

- Vai trò của luật là để ngăn chặn và răn đe, giáo dục. Nếu cần thiết có thể xử nghiêm một người để cứu vạn người là tính nhân đạo của pháp luật. Đương nhiên chẳng ai muốn tử hình ai cả, nhưng phải nhớ rằng pháp luật có nghiêm thì mới có tính giáo dục và ngăn chặn.

Chúng ta cũng cần lưu ý đến sự giới hạn của ngôn từ trong mọi hệ thống luật, vì cuộc sống vốn dĩ đa dạng và biến động không ngừng. Và hành vi được đưa vào luật hình sự đều là những hành vi tội phạm và luôn được đặt dưới góc nhìn của người gây hại và người bị hại. 

Vì thế mà việc xét xử thuần theo luật hình sự sẽ chưa truyền tải đầy đủ những thông điệp mang tính giáo dục và cho những bên có liên quan nhưng không chỉ là bên gây hại và bị hại, như nhà trường, gia đình, các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội, các cơ quan truyền thông. Tôi nghĩ song song với bộ luật phải có cơ chế khác.

Cụ thể, với những vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục ngoài luật chúng ta cần đến vai trò của các nhà tâm lý và những người làm công tác xã hội. Hiện nay tôi có cảm giác rằng người bị hại vẫn chưa được bảo vệ hợp lý. Dài hạn hơn, Chính phủ và ngành giáo dục hãy định cho đúng những giá trị sống phù hợp để trang bị cho các bé từ mầm non cho đến hết THPT. Vì lợi ích trăm năm trồng người là vậy.

Trả lời phỏng vấn một báo mạng gần đây, bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho biết, trong thời gian tới Ủy ban sẽ đề xuất với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát ở mức độ cao nhất đối với nội dung này. Ông có hi vọng khi cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ hơn, việc xâm hại tình dục trẻ em sẽ giảm đi?

- Tôi nghĩ tệ nạn này nếu được hạn chế thì sẽ xì ra một tệ nạn khác vì cắt cỏ thì không thể nào triệt được cỏ. Đương nhiên, công tác tuyên truyền, giáo dục chúng ta cần những người đi cắt cỏ. Nhưng nếu chỉ quan tâm cắt cỏ là chưa ổn. Hãy đi vào hệ giá trị của chúng ta. Xin hãy hướng vào đúng gốc rễ vấn đề mà ra giải pháp. Như vậy vừa nhanh lại vừa bền vững.

Cảm ơn ông đã trao đổi!

Nguồn: Gia đình Việt Nam