Dòng sự kiện:

Câu chuyện “Tết nội hay Tết ngoại” khiến dân mạng rần rần chia sẻ

12:14 29/12/2017
Đinh Văn Long đã có bài viết dí dỏm, hài hước đăng trên facebook cá nhân của mình.

Hành trình hơn trăm ki-lô-mét trên chiếc xe khách cũ rích, chật ních, và cả hơn nửa cây số cuốc bộ từ quốc lộ vào nhà trên con đường quê lổn nhổn đất đá - khiến hai bên đế cao gót của vợ mấy lần lẹo trẹo như chực bung ra - chỉ là màn khởi động cho những áp lực và mệt mỏi mà vợ tôi sắp phải trải qua…

Về tới nhà, đúng lúc cả họ đang sắp cỗ. Vợ tôi cúi đầu lễ phép chào các cụ, các ông, các bà, các anh, các chị, các cô, rồi xoa đầu hỏi han các em nhỏ. Cố nội tôi - tuy đã già, chân tay đã yếu, nhưng mắt vẫn rất tinh, tai vẫn rất thính, và rất khó tính - đang ngồi trên thềm, thấy vậy thì thủng thẳng bảo: “Ở thành phố phóng khoáng thế nào cũng được, nhưng về quê chồng thì phải biết tôn ti trật tự nhà chồng: ai đời cháu dâu lại đi xoa đầu chú mình như vậy mà coi được sao?”.

Vợ tôi ngớ người: hoá ra, trong đám mấy đứa trẻ vợ vừa xoa đầu ấy, có một cậu bé là con út của một ông nào đó mà ông ấy lại bằng vai với ông nội tôi, tức là cái cậu nhóc đó tuy mới năm, sáu tuổi, nhưng nó lại bằng vai với bố tôi, và vợ tôi phải gọi nó bằng chú. Từ lúc ấy, gặp đứa trẻ con nào vợ cũng cúi đầu: “Cháu chào cô, cháu chào chú!”. Vợ bảo vậy cho ăn chắc: thà chào nhầm còn hơn bỏ sót.

Tác giả: Đinh Văn Long (bút danh Võ tòng đánh mèo)

Đi đường bụi bặm, vợ muốn ra giếng rửa mặt mũi chân tay, nhưng vì giếng đông người đang sắp cỗ quá, vợ đành phải ra rửa ở cầu ao. Cầu ao nhà tôi bằng đá mọc đầy rêu xanh rì rất trơn, vợ sợ ngã nên chỉ dám nhún chân rón rén. Tôi bảo: “Em cứ thoải mái đi, không ngã được đâu mà lo. Anh sống ở quê bao nhiêu năm, mới chứng kiến đúng một lần bác hàng xóm nhà anh bị ngã ở cầu ao này thôi”. Vợ hỏi lại: “Bác ấy ngã rồi có bị sao không?”. Tôi đáp: “Bị ảnh hưởng chút thôi, nhưng vẫn làm việc nhà được, kia kìa, bác ấy kia kìa!” - vừa nói tôi vừa chỉ về phía góc sân bên nhà hàng xóm, nơi có một bác đang cố dùng cánh tay bị bị tật của mình kẹp cái rổ bên hông, cánh tay lành lặn còn lại thì cầm chiếc xào dài chọc chọc mấy quả khế, chắc để nấu canh chua. Mỗi lần có khế rụng xuống sân, bác lại lết lết cái chân nhặt khế bỏ vào rổ, xong ngửa cổ lên trời cười hềnh hệch… Vợ nhìn vậy thì chả hiểu sao lại bỏ lên bờ luôn, bảo không cần rửa ráy gì nữa!

Đến bữa cơm, tôi quan tâm, gắp thức ăn cho vợ, nhưng tôi để ý thấy vợ chỉ ăn cá chứ không ăn rau, tôi hỏi tại sao, vợ bảo: “Tại lúc nãy, em thấy một cô rửa rau ngoài cầu ao nhà mình, đang rửa thì có một thằng nhỏ chạy tới ngồi cạnh cô ấy rồi nó tụt quần ị thẳng xuống ao”. Tôi cười: “Không sao! Ị xuống cá nó xơi sạch rồi, không lẫn vào rau được đâu mà sợ! Mà không ăn rau thì thôi, ăn cá đi! Cá ao nhà đấy!” - tôi lại gắp thêm miếng cá nữa vào bát cho vợ, rồi cũng chả hiểu sao vợ lại bỏ bát đũa xuống, bảo không cần ăn uống gì nữa!

Tưởng đi đường mệt thì đêm hôm đó vợ tôi sẽ ngủ ngon, nhưng không: đang quen thành phố nằm đệm êm ái, thơm tho, giờ về quê nằm thang tre chiếu cói, vợ đau lưng, trằn trọc không ngủ được, mỗi lần vợ trở mình, cái thang giường lại kêu lên kèn kẹt như tiếng con thạch sùng não nùng gọi bạn tình trong đêm tuyệt vọng...

Được một lúc yên yên, tưởng là vợ ngủ, ai ngờ, lại thấy vợ nhỏm dậy đòi đi vệ sinh, rồi hỏi nhà vệ sinh ở đâu. Tôi bảo vợ cứ đi ra chỗ đống rơm, rồi cắt qua vườn mía, men dọc theo bờ ao, qua chuồng trâu, đến khóm dâu um tùm là tới! Giờ nghĩ lại mới thấy lúc ấy tôi tệ: đáng ra tôi phải dậy đưa vợ ra tận nơi chứ. Chợt ngẫm tới câu nói của một nhà hiền triết phương Tây mà thấy đúng quá, ông ấy nói là: “Một người chồng tốt phải là người chồng luôn ở bên vợ không chỉ những lúc vui, mà cả những lúc buồn”, đằng này... tôi để mặc vợ. Vợ tôi cũng liều mình, tranh thủ trời tối nên đã “làm liều” ngay tại đống rơm.

Tôi ngủ thêm được một lát tới khoảng 4 giờ sáng thì phải dậy để cùng cả nhà chọc tiết lợn giã giò. Vợ tôi đương nhiên cũng phải dậy theo vì làm gì có chuyện mọi người dậy hết mà con dâu lại được nằm ngủ, dù rằng dậy thì vợ tôi cũng chả giúp được gì nhiều: chỉ ngồi bóc mấy củ tỏi, nhặt mấy cọng rau thơm. Nhìn vợ thiếu ngủ tóc tai bơ phờ, vừa nhặt rau vừa ngáp liên hồi, tôi nhớ lại bộ phim mới xem trên tivi hôm trước: bộ phim nói về một cô gái bỏ nhà ra đi dặt dẹo lang thang rồi dính vào nghiện ngập, không có tiền hút hít, cô đành ngồi vạ vật ở đường ngáp vặt ngửa tay xin tiền người qua lại…

Về quê ăn Tết có 5 ngày mà vợ hốc hác, gầy sụt đi mất 4 cân. Tôi hỏi vợ: “Em có thích về nhà ngoại ăn một cái Tết thảnh thơi mà chẳng phải lo lắng, nghĩ ngợi gì hay không?”. Vợ nghe vậy thì không trả lời mà hỏi lại: “Thế giờ có một cô nàng xinh tươi, tuổi vừa mười tám đôi mươi rủ anh đến một resort để nghỉ ngơi, không phải lo lắng nghĩ ngợi gì, thì anh có thích không?”. Tôi đáp: “Tất nhiên là thích, nhưng anh sẽ không đi, vì anh còn trách nhiệm với gia đình, vợ con”. Vợ mỉm cười, bảo: “Em cũng thế!”.

Ừ! Đúng thật! Được về nhà mẹ đẻ mình ăn một cái Tết vô tư, thoải mái thì người vợ nào mà chẳng mơ, chẳng khoái. Nhưng ít người làm vậy, bởi lẽ cuộc đời không chỉ đơn giản là sống cho mình, mà còn phải sống vì chồng, vì con, vì trách nhiệm với gia đình. Tất nhiên, vẫn sẽ có những người phụ nữ làm được như thế: đó là những người chưa có chồng con, gia đình, hoặc có rồi nhưng mà coi như là không có!

Võ tòng đánh mèo

Nguồn: Gia đình Việt Nam