Dòng sự kiện:

Cha mẹ có thể trở thành "nô lệ" của con cái bởi những lý do này!

14:21 10/11/2017
Sự dựa dẫm, ỷ lại bắt đầu từ đâu hay do “bẩm sinh”, vì từ khi sinh ra đứa trẻ đã biết cách điều khiển người lớn.

Chúng biết rằng khi chúng khóc lên là mẹ cho bú, khi chúng “bĩnh” ra quần là có người thay tã, khi chúng bứt rứt khó chịu là có người âu yếm, nựng chúng. Rõ là do bẩm sinh.

Vậy nhiệm vụ của cha mẹ là để làm gì? Để chiều theo mọi đòi hỏi của trẻ hay là dạy dỗ chúng theo cách của người lớn?

Đáng tiếc rằng không nhiều ông bố bà mẹ chọn cách thứ 2, là hướng chúng đến một cuộc sống tự lập, tự chủ, mà lại để cho chúng “điều khiển”.

Sự ỷ lại, dựa dẫm bắt đầu hình thành từ những việc rất nhỏ mà bạn làm hộ con - Ảnh minh họa

Nhiều bà mẹ đã kêu ca phàn nàn rằng con cái quá lười biếng, ỷ lại, làm họ tức phát điên. Lỗi của bọn trẻ chính là làm cho cha mẹ bực tức với tất cả các lý do “bẩm sinh”. “Con khóc là mẹ cho bú” ngay.

Sự ỷ lại, dựa dẫm bắt đầu hình thành từ những việc rất nhỏ mà bạn làm hộ con. Một lần làm hộ, hai lần làm hộ, một việc làm hộ, hai việc làm hộ… và cứ như vậy nhiều việc, nhiều lần con muốn phải được làm hộ. Trong suy nghĩ của trẻ chỉ đơn giản “mình không làm thì thế nào cũng được làm hộ”. Trẻ có lỗi không? Người lớn cho rằng, khi con còn bé thì có thể chiều chúng cho qua chuyện, khi lớn lên chúng sẽ bỏ những thói xấu đó. Thế nhưng, 4 tuổi, 5 tuổi, rồi 10 tuổi, 20 tuổi, chúng vẫn thế.

Bạn vất vả kiếm tiền, chăm sóc chúng, làm mọi việc cho chúng, bạn kêu ca, phàn nàn, thất vọng mãi, còn chúng thì vô can, chẳng cần quan tâm đến bất kì vấn đề gì, chẳng biết cảm xúc của bạn ra sao… và kể cả bạn mệt hay khỏe, đấy là bạn, không phải con. Bởi đơn giản trong suy nghĩ của con, tất cả mọi việc cha mẹ đang làm là nhiệm vụ của cha mẹ. Chúng thi gan với bạn cho đến khi bạn phải chịu thua chúng.

Những đứa trẻ thực sự vô can - Ảnh minh họa

Và cuối cùng, con bạn đã đạt được thành tích to lớn với việc điều khiển bạn thành công. Còn bạn thì mãi mãi tin rằng, khi lớn lên chúng sẽ thay đổi. Nhưng đa số các trường hợp đều không như bạn nghĩ. Bạn sẽ phải học hộ con, xin việc cho con, lo lắng với công việc mà chúng chẳng làm đến nơi đến chốn, lúc thì làm chỗ nọ, nhảy chỗ kia. Khi chúng lấy vợ lấy chồng, bạn tiếp tục chăm sóc con cái cho chúng. Cả cuộc đời, bạn sẽ dính vào con, bị chúng điều khiển mà không có cách nào dứt ra được.

Bạn sẽ luôn kêu ca và trách cứ con bạn. Nhưng chính bạn đã cho chúng một tấm vé “vô can” với những nhọc nhằn của bạn. Những đứa trẻ thực sự vô can.

Nguồn: Gia đình Việt Nam