Dòng sự kiện:

Cha mẹ kêu trời khi nhận tin nhắn "nhắc con học thuộc môn văn"

Theo PNVN
15:46 08/05/2017
Thời điểm này, học sinh tiểu học ở Hà Nội và các tỉnh đang thi học kỳ 2. Không ít phụ huynh bức xúc khi nhận tin nhắn nhớ nhắc con học thuộc văn mẫu. "Bệnh thành tích giết chết sự sáng tạo, biến con thành… con vẹt" là suy nghĩ của nhiều phụ huynh.

Gần kỳ thi, nhiều phụ huynh nhận được tin nhắn điện tử nhắc con học thuộc Văn

Chuyện học sinh học thuộc văn mẫu để đi thi là “truyền thống” nhiều năm nay. Nhiều phụ huynh ham thành tích thì đây là việc bình thường và cảm thấy vui khi cuối năm con mang giấy khen về. Nhưng không ít phụ huynh phản đối việc học giết chết tư duy sáng tạo của trẻ như thế này. Chị Đoàn Kim Oanh (Thanh Xuân Bắc, Hà Nội) kể câu chuyện khá nực cười: "Do nhà tôi có nuôi con mèo nên trong bài văn "Miêu tả con vật", con tôi đang học lớp 4 cũng viết được các chi tiết như sợi cước ở ria như thế nào, đôi mắt tròn như hai viên bi ra sao, thậm chí đệm thịt dưới chân nó như thế nào… Chị Nguyễn Quỳnh Phương (Thanh Nhàn, Hà Nội) ức chế cho biết, chỉ vì con chị không học thuộc văn mẫu chuẩn bị cho kỳ thi mà chị bị cô giáo gọi điện phê bình ngay lúc chị đang họp. Sẵn bực tức, chị về “tra khảo” con thì được biết con được cô yêu cầu chép bài tả con chó về học thuộc. Mấy hôm sau cô kiểm tra, con thuộc nhưng quên mất một đoạn. Lý do là con biết làm văn tả con mèo, còn bài tả con chó không phải văn con làm nên con thuộc rồi lại quên. 

“Cô giáo bắt con học thuộc bài văn mẫu, không phải văn của con thì có ích gì, cô đang biến học sinh thành lũ vẹt. Có lần, con tôi bị cô phạt vì cô bắt con học thuộc lòng bài tả ông nội nhưng con không chịu. Con nói, bài đó tả không đúng, vì ông nội vẫn phóng xe máy đi chơi, ông không chống gậy, ông không để râu dài mà râu ông cạo nhẵn".

Thế nhưng, sáng nay đi làm, tôi gặp một việc khá bất ngờ khi thấy một bạn nhỏ ngồi sau xe mẹ để tờ giấy đánh máy trên lưng mẹ và đọc bài văn tả con mèo rất rập khuôn: Em đi vào cửa hàng nuôi thú cưng… Đây là bài văn đánh máy rõ ràng để các con học thuộc, vậy thì đâu phải là văn của các con? Làm thế này, chẳng khác nào đang dạy trẻ học cách giả dối. Văn của trẻ, dù không hay, dù lời văn còn ngô nghê, nhưng đó cũng là nhân sinh quan, là cách nhìn những sự vật, cuộc sống… khác nhau của mỗi đứa trẻ. Nhà trường, người lớn, cần tôn trọng, nuôi dưỡng những cách nhìn ngây thơ ấy”, chị Kim Oanh trăn trở.

Nhiều người cho rằng, việc học thuộc văn mẫu cũng do bệnh thành tích mà ra, thành tích từ cô giáo đến phụ huynh. Chị Trịnh Tuyết Mai (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, suốt 4 ngày nghỉ lễ vừa qua, con gái lớp 3 của chị ngày nào cũng phải ngồi vào bàn học. Trước đó vài tuần và đến hết tuần này, ngày nào cô cũng phát 2-3 phiếu Toán về nhà luyện cùng với việc học thuộc 5 bài văn. “Sự ám ảnh của việc thi học kỳ với con trẻ vô cùng khủng khiếp. Kỳ thi, lẽ ra chỉ là để đánh giá kết quả nhận thức của học sinh sau 1 năm học thì giờ trở thành một “cuộc đua khốc liệt” và kết quả nhận được là phần lớn học sinh đều đạt điểm 9, 10”.

Việc học thuộc văn mẫu ở cấp Tiểu học sẽ khiến học sinh không biết làm văn khi bước vào THCS. Chị Dương Hằng (Kim Liên, Hà Nội) trăn trở: Việc học thuộc văn mẫu sẽ khiến trẻ mất hết sự chủ động, sáng tạo. Ở tiểu học, con học thuộc bài tả cây phượng đạt 9, 10 điểm nhưng lên lớp 6, khi phải viết lại bài tả cây phượng con sẽ rất lúng túng. Đây là hậu quả nhìn thấy ngay trước mắt. Cách học hiện tại sẽ triệt tiêu sự sáng tạo, trong khi cuộc sống không thể phát triển nếu không có sáng tạo.

Nguồn: Gia đình Việt Nam