Dòng sự kiện:

Cha mẹ không nên gây áp lực cho con trong kỳ thi

14:30 01/07/2016
Thời gian này, Trần Thu Hoài (phường Vị Xuyên, TP. Nam Định) hầu như dồn hết thời gian, tâm trí, sức lực cho việc học. Hoài thậm chí không có thời gian để nói chuyện với ai. Chỉ đến giờ ăn, Hoài mới rời khỏi bàn học.

 

 

 

"Học cả buổi, quá căng thẳng, em mới chợp mắt một lúc, nhưng em cũng không dám nằm lâu mà phải để chuông báo thức để dậy học", Hoài chia sẻ. Tình trạng này kéo dài cả tháng nên Hoài trông bơ phờ, mệt mỏi. Em không dám nghỉ ngơi bởi gia đình đặt rất nhiều kỳ vọng vào em.

Tình trạng như Hoài không hiếm gặp ở thời điểm mùa thi đã cận kề. Theo thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Lan Hải (cố vấn chuyên môn Hội quán các bà mẹ), ở giai đoạn trước và sau kỳ thi THPT quốc gia, học sinh dễ rơi vào tình trạng kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần do dồn hết tinh thần, trí lực, tâm huyết và đặt nhiều kỳ vọng vào việc học tập. Thậm chí, có những thí sinh ngất trong phòng thi hay một số thí sinh không chịu nổi áp lực đến từ sự kỳ vọng của gia đình mà gây ra những hậu quả đau lòng. Nhiều thí sinh đạt kết quả không như mong muốn, khiến sức khỏe tâm thần trượt dốc không phanh.


Cha mẹ tạo tâm lý thoải mái để trầm cảm tránh xa con. Ảnh minh họa internet

Ở giai đoạn nước rút, cha mẹ không nên tạo tâm lý căng thẳng, gây áp lực cho con. Bác sỹ Nguyễn Lan Hải cho biết, với những người trẻ, đặc biệt với các em ở lứa tuổi học sinh rất dễ mắc những bệnh về tâm thần. Bởi ở độ tuổi này, trí tuệ của các em đang phát triển mạnh, các em lại ít kinh nghiệm sống và hầu như chưa được rèn luyện khả năng đón nhận thất bại nên rất dễ bị khủng hoảng tâm lý. Do đó, các thí sinh và cha mẹ không nên đặt mục tiêu vượt quá thực lực của mình để tránh sốc về sau.

Nguồn: Phụ nữ Việt Nam