Dòng sự kiện:

Chàng trai 23 tuổi đi xuyên Âu - Á 'không máy bay' trong 6 tháng

12:35 13/02/2017
Xin gần 20 visa trong vòng 6 tháng, từng được một người đi cùng xe buýt cưu mang, và cũng từng suýt bị cảnh sát bắt, từng đến gần biên giới Iraq, suýt nữa thì đến Afghanistan lửa đạn,... là những trải nghiệm khó quên của hành trình xuyên châu Âu - châu Á bằng đường bộ của chàng trai 23 tuổi Nguyễn Vinh.
"Tôi tự hào về ngày hôm qua của mình"
Đó là cách mà Nguyễn Vinh miêu tả ngắn gọn về chuyến đi đường bộ qua 20 quốc gia trong vòng 6 tháng vừa qua của mình.
Với chàng trai sinh năm 1993, việc làm hay nhà cửa, xe cộ có thể tìm kiếm sau này, còn ở tuổi 23, sức khỏe và tuổi trẻ chính là hai điều quan trọng giúp Vinh thực hiện các chuyến đi xa.
Nguyễn Vinh chia sẻ, thời gian học Đại học ở Mỹ, những biến cố về sức khỏe, học hành cộng hưởng lại, khiến Vinh muốn đi đâu đó để thoát khỏi ý nghĩ tiêu cực nhưng phải tạm gác lại vì không có kinh phí. Bẵng một thời gian, một trang sách viết về cung đường bộ xuyên Á - Âu ở thập niên 70 đã thúc giục Vinh thực hiện chuyến đi đáng nhớ của tuổi trẻ.
Vinh thức trắng đêm tìm hiểu các địa điểm và thủ tục visa, cũng như liên hệ với những người bản xứ qua mạng lưới Couchsurfing, Facebook. 5 tháng sau, Vinh vác hai chiếc ba lô lên đường bay sang Pháp, và từ đó xuyên bộ qua các nước châu Âu, qua Iran, thực hiện con đường tôn giáo, nghiên cứu về Hồi giáo Shiite và Phật giáo ở Ấn Độ, Nepal, Trung Quốc, Thái Lan và Lào. Điểm cuối cùng là Việt Nam, và Vinh được ăn tết cùng gia đình.
Hành trình "nói không với máy bay" bị gián đoạn do nước giáp với Iran nghiêm ngặt các thủ tục visa, hoặc rất mắc, hoặc không an toàn, như Afghanistan. Như vậy, lần duy nhất Vinh phải bay là từ Iran sang Ấn Độ.
Tình người trên đất khách
Vinh hay dùng từ "thương" khi kể về các quốc gia đã đi qua. Với bản thân Vinh, cái đẹp của du lịch bụi không nằm trong bản đồ mà ở những việc xảy đến bất ngờ, nằm ngoài hành trình.
"Tháp Eiffel ở Paris đẹp, nhà hát con sò ở Sydney đẹp, nhưng với mình đẹp nhất là những trải nghiệm cùng con người nơi đó", Vinh nói.
Vinh "thương" Iran nhất vì nơi đây quý khách như vàng bạc, như món quà mà Thượng đế ban tặng. Vinh đùa trên trang cá nhân rằng Iran không an toàn... cho bao tử của bạn vì "khi bạn bị đem vô nhà, và bị tống vào bao tử nào cá chiên, nào bê cuộn, lá nho, nào sườn xốt chua ngọt nào yogurt và tỉ thứ khác". Đến Iran, được mọi người hết lòng giúp đỡ, học hỏi những điều thú vị và chứng kiến khách du lịch Đức, Pháp, Hàn Quốc đến đây, Vinh cho rằng Iran hoàn toàn khác với những gì bản thân anh đã đọc về một "cấm quốc".
Hay câu chuyện được "cưu mang" khó tin của Vinh tại Nga cũng đẹp theo cách rất riêng. Lúc di chuyển từ Mátxcơva đến thành phố khác, Vinh bị từ chối lên xe buýt vì chưa in vé. Phải trao đổi thậm chí tranh cãi rất lâu mà không giải quyết được, Vinh đã hỏi một vị khách châu Á và được giải thích, giúp đỡ. Sau khi đến thành phố lạ hoắc, anh này đã hỏi Vinh có nơi ở chưa và ngỏ lời được tiếp Vinh ở nhà của mẹ mình.
Vinh được cưu mang, tiếp đón nồng hậu tại nhà của người này và có dịp trò chuyện với ông bà về lịch sử, về đất nước Xô Viết cũ. Hôm sau khi đi chợ với ông bà, ông cứ liên tục nhìn dưới chân Vinh, cậu bạn tưởng ông tìm kiếm gì nên cũng lúi cúi nhìn theo, hỏi thì ông không hiểu tiếng Anh, hỏi bà bà không nói. Về đến nhà mới biết, ông bà đã mua cho Vinh ba đôi vớ vì vớ của Vinh đã rách. Ngày chia tay, bà nội còn dúi vào tay Vinh tiền đi đường và giả vờ nói đây là truyền thống.
Ngủ ở "khách sạn ngàn sao" Kuwait, suýt bị cảnh sát bắt ở Nga
Trong một lần đến đền thần may mắn ở Ấn Độ, hai người bạn Pháp đã hỏi Vinh sao không chạm thần để được may mắn. Vinh tự nhủ "đến được đây còn lành lặn đã là may mắn lắm rồi".
Vinh nói: "Mình trải qua bao biến cố, suýt nữa thì đặt chân đến Afghanistan, tới gần cửa khẩu Iraq, ngủ ngoài đường Kuwait, ngủ trong chùa, suýt bị cảnh sát bắt ở Nga, mà mình còn lành lặn, thu nạp được hành trang không phải ai cũng có được là vô cùng may mắn rồi".
Ngày ở Kuwait, do người bạn địa phương không đồng ý tiếp tại nhà và mong muốn trải nghiệm cuộc sống người vô gia cư, Vinh đã nhờ bạn chở đến một nhà thờ Hồi giáo và "tận hưởng" "khách sạn ngàn sao" tại đây.
Còn trải nghiệm kinh hoàng ở Nga lại bắt đầu từ việc Vinh không mang hộ chiếu trong người. Tuy nhiên, chỗ này chỉ cách nhà Vinh khoảng một phút đi bộ. Các cảnh sát Nga yêu cầu Vinh lên xe theo họ về đồn. Vinh giải thích rằng hộ chiếu để rất gần đây, có thể theo Vinh về lấy nhưng họ không đồng ý. Sau một hồi, cảnh sát đề nghị kiểm tra balô của Vinh vì tình nghi có chứa bom. Vinh hợp tác và cuối cùng cũng về nhà an toàn.
Nhưng với Vinh, đất nước làm anh hoảng sợ và thấy bản thân lớn hơn rất nhiều sau những thử thách là Ấn Độ. Vinh nhớ nhất là khi đi xe lửa giường nằm. Dù đã cầm trong tay tấm vé và có biên lai, khi đến nơi, đã có năm người ngồi ở chỗ của mình. Vinh hết nói nhỏ nhẹ, đến lớn tiếng, những người này đều im lặng. Mãi cho đến khi người soát vé đến, những người này mới chịu đi.
Được một lúc, Vinh ngồi nói chuyện chứ không nằm, thì những người này quay lại và ngồi như không có chuyện gì xảy ra.
Chi phí không quá quan trọng
Câu hỏi mà nhiều người đặt ra cho Vinh khi theo dõi hành trình của cậu là "bao nhiêu tiền". Cậu bạn thẳng thắn nói: Số tiền cho chuyến đi không quan trọng, mà là học được gì ở mỗi quốc gia bản thân đặt chân đến. Vinh chỉ nhớ ngày chi tiền nhiều nhất là 70 euro ở Thụy Sĩ (khoảng 1.700.000 đồng), ngày chi ít nhất là 3 USD (khoảng 70.000 đồng) ở thành phố Varanasi, Ấn Độ.
"Bây giờ mình có thể chỉ dùng 3 USD thôi, vì nhu cầu của mình là học về tôn giáo, lịch sử. Nhưng sau này, biết đâu được, mình sẽ dùng 30, 300 USD chẳng hạn. Số tiền tiêu phụ thuộc vào mục đích bạn du lịch và hưởng thụ", Vinh chia sẻ.
Vinh xem mỗi chuyến du lịch là một mẩu bánh hình tròn chia nhỏ. Chuyến đi này, Vinh chọn hai lát nhỏ là lịch sử và tôn giáo để học hỏi và chi tiền mạnh tay. Còn những người khác, có thể đi vì ẩm thực, chi hàng trăm đô la chỉ để thưởng thức món ăn ở Paris chẳng hạn.
Cũng có nhiều người hỏi Vinh “đi du lịch sao khổ vậy” hay “đi du lịch bụi sao sạch sẽ vậy”, Vinh trả lời rằng điều này tùy vào nhu cầu và “gu” của bản thân. “5 địa điểm phải check in khi còn trẻ”, “20 địa điểm phải đến trước khi chết” theo Vinh, chỉ là thông tin tham khảo và cần được thanh lọc cho phù hợp với bản thân mỗi người.
“Nói thật, mình thích ở các nhà trọ, hoặc nhà người bản địa để giao lưu, trao đổi kiến thức. Còn khách sạn, thơm quá, thơm mùi quý tộc, mình chưa quen. Nhưng biết đâu khi già, mình sẽ thích”, Vinh tếu táo.
Ngày 8.2, Vinh tiếp tục vác ba lô lên và… đi du học Thạc sĩ ngành Công tác xã hội ở Úc. Dự định cho chuyến đi tiếp theo của Vinh có thể là châu Phi.
Thanh Niên
Nguồn: Gia đình Việt Nam