Dòng sự kiện:

Chạy giải thưởng - phụ huynh đang dạy con nói dối

Theo VnExpress
15:52 27/05/2017
Thấy con nói dối, bố mẹ thường hoảng hốt, tức giận. Nhưng khi chạy giải thưởng để con được cộng điểm ưu tiên, phụ huynh lại không nghĩ đến những tác hại sâu xa.

TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội, chia sẻ quan điểm về việc phụ huynh đua kiếm giải thưởng cho con để được ưu tiên trong xét tuyển.

Mỗi tháng ít nhất một lần tôi lại nhận được lời yêu cầu tư vấn về chuyện con nói dối, con ăn trộm tiền… Những khi ấy, bố mẹ thường rất suy sụp, hoảng hốt và tức giận. Trong bài tư vấn của mình, bao giờ tôi cũng nhắc bố mẹ về việc làm gương cho con. Nếu bố mẹ nói dối thì con học theo là bình thường.

Tuy nhiên, mọi việc dường như đã đi quá xa khi việc nói dối không còn là điều xấu cần che giấu và hạn chế thực hiện nữa. Cha mẹ đã công khai nói dối khi tìm cách chạy chọt cho con vào trường nọ trường kia. Họ thường dồn trách nhiệm cho Bộ Giáo dục và Đào tạo khi con hư hoặc gặp vấn đề nào đó. Tuy nhiên, không một bộ nào lại khuyến khích việc chạy chọt giải thưởng.

TS Vũ Thu Hương, giảng viên trường đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Cha mẹ chạy giải cho con xuất phát từ mong muốn con được học trong ngôi trường có bề dày truyền thống, có thành tích học tập và thành tích dạy dỗ được ghi nhận. Tuy nhiên, thực tế chứng minh, không hề có ngôi trường nào mà 100% học sinh đều ngoan và học giỏi. Cũng không có ngôi trường nào học sinh đều hư đốn và dốt nát. Việc lựa chọn trường cho con theo đẳng cấp của trường đã khiến bệnh thành tích của phụ huynh biến tướng sang một thể khác.

Khi việc đánh giá trong nhà trường không còn có giỏi, khá, trung bình mà chỉ hoàn thành, không hoàn thành, xuất sắc, cha mẹ lập tức chạy cho con xuất sắc kèm theo chạy giải thưởng. Việc gian dối xuất hiện khi có những học sinh không hề biết bơi nhưng lại có thành tích đạt giải về môn bơi lội.

Điều này hoàn toàn không có tác dụng giáo dục mà còn làm hỏng nhân cách của trẻ khi các cháu hiểu rõ rằng mình không đi thi hoặc không đủ khả năng đạt giải mà vẫn có giải thưởng. Các cháu sẽ hiểu rằng để có thể đạt được một mong muốn nào đó, hoàn toàn có thể sử dụng mọi phương thức dù đó là gian dối, vi phạm luật lệ. Với những suy nghĩ và quan niệm như vậy, liệu rằng đạo đức đứa trẻ có còn giữ được sự trong sáng và ngay thẳng. Hay đứa trẻ sẽ biến đổi thành kẻ nói dối chuyên nghiệp?

Rõ ràng, trong cuộc chiến chống bệnh thành tích, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm không triệt để và quyết liệt. Khi phụ huynh vẫn còn mang nặng tư tưởng thành tích, những cuộc thi tồn tại kèm theo với việc cộng điểm tuyển sinh đầu vào làm cho mọi việc trầm trọng hơn.

Các trường cấp 2 có chút thành tích thường vẫn mong muốn giữ lại cách thi cử để tuyển lựa học sinh cho dễ và nâng cao vị thế của mình trong lòng phụ huynh. Khi không được thi cử, họ lập tức chuyển sang xét giải thưởng. Không quan trọng về đơn vị tổ chức giải, các giải thưởng được cha mẹ săn đón để tích lũy ưu thế cho con vào trường. Đồng thời, những vụ việc chạy chọt tiếp tục diễn ra.

Gần đây, Bộ Giáo dục ra công văn nghiêm cấm các trường tính điểm cộng cho học sinh đạt giải cấp địa phương. Đây lại là một quyết định thực sự không triệt để. Những giải cấp quốc gia vẫn được tính điểm thì câu chuyện luyện gà cho con để lấy giải quốc gia vẫn còn và chắc chắn câu chuyện chạy điểm vẫn không thể chấm dứt.

Theo tôi, việc cấm hoàn toàn các cuộc thi cấp tiểu học là vô cùng cần thiết. Trẻ nhỏ chưa cần đến các cuộc đua tranh, chúng cần một nền giáo dục bình đẳng, trong sạch và rõ ràng. Phụ huynh cũng cần được tham gia các buổi tư vấn để thay đổi tư duy chuộng thành tích.

Đã đến lúc chúng ta phải làm giáo dục vì trẻ em chứ không phải mục đích gì khác.

Năm học 2017-2018, Hà Nội tiếp tục không thi tuyển vào lớp 6 mà xét tuyển (diễn ra vào tháng 6-7). Một số trường có lượng học sinh đăng ký cao gấp 4-5 lần chỉ tiêu như: Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Siêu, trường chuyên Hà Nội - Amsterdam, Cầu Giấy, Marie Curie, Lương Thế Vinh, lại đưa tiêu chí phụ để lọc học sinh bên cạnh kết quả kiểm tra Toán, tiếng Việt 5 năm tiểu học.

Năm học tới cũng có gần 83.000 học sinh Hà Nội tốt nghiệp THCS, nhưng chỉ 70% được vào trường THPT công lập. Khoảng 30% sẽ học tại các trường tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên và trường nghề.

Vì mong muốn con được vào trường THCS top đầu khi xét tuyển, hay được cộng điểm ưu tiên khi thi tuyển vào lớp 10 trường THPT công lập, nhiều phụ huynh đã ép con học hành căng thẳng để có giải thưởng, chứng chỉ, một số còn bỏ tiền chạy chọt.

TS Vũ Thu Hương

Nguồn: Gia đình Việt Nam