Dòng sự kiện:

Chia sẻ của bà mẹ có con 18 tháng tuổi nhiễm cúm A/H1N1

Theo Ngôi sao
15:02 09/02/2018
Con gái chị Thu Hà sốt 39-41 độ C, biểu hiện co giật nhẹ trước khi phát hiện nhiễm cúm A

Ngày 2/2, chị Thu Hà, 33 tuổi, bị sốt cao, rét run, cơ bắp mỏi nhừ và đau họng. Cho rằng mình bị viêm họng, chị uống kháng sinh khoảng vài ngày thì đỡ.

Con gái chị Hà được 18 tháng tuổi. Bé sốt sau mẹ một ngày, khoảng 39-41 độ C. Bà mẹ Hà Nội dùng nhiều cách hạ sốt cho con như chườm nóng, cởi bớt quần áo, đặt thuốc vào hậu môn nhưng không đỡ. Chị đưa con tới phòng khám tư ở khu vực Linh Đàm thì được chẩn đoán bé bị viêm phế quản, chỉ định điều trị kháng sinh. Sau một ngày uống thuốc, con gái chị Thu Hà vẫn sốt cao, li bì, đôi lúc có biểu hiện giật nhẹ.

Con gái chị Thu Hà có nhiều biểu hiện của bệnh cúm A.

Xâu chuỗi các triệu chứng của bé, chị Hà chưa yên tâm với chẩn đoán con bị viêm phế quản. Tìm hiểu một số thông tin về cúm A, chị phát hiện mọi biểu hiện của bé đều trùng khớp với triệu chứng bệnh. Sáng hôm sau, chị Hà cho con xét nghiệm máu và 15h cùng ngày, chị nhận được kết quả bé dương tính với cúm A. Con gái chị Hà được làm thêm xét nghiệm PCR để khẳng định nhiễm H1N1.

Chị Thu Hà liên hệ với nhiều bệnh viện tư nhân nhưng đều bị từ chối. Chị quyết định đưa con tới điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới gần nhà. Lúc này, khoa Nhi của Bệnh viện Nhiệt đới đang quá tải. Một giường có tới 2-3 bệnh nhi. Con gái chị Hà sau khi chụp X-quang được thông báo virus đã chớm vào phổi. Bé được uống thuốc tamiflu. Theo chị Hà, loại thuốc này dành riêng cho chủng cúm A, có tác dụng giảm và kết thúc nhanh cơn sốt.

Kết quả xét nghiệm của con gái chị Hà.

Chị Thu Hà cho biết cúm A rất nguy hiểm, khiến bệnh nhi sốt cao và không thể hạ sốt. Cúm A biến chứng thẳng vào phổi. Nhiều bệnh nhi sốt quá cao khiến ven lặn. Bác sĩ phải lấy ven ở tay, cổ, đầu, chân khiến bé đau đớn. Cúm A là dịch do virus gây ra, dễ dàng và nhanh chóng lây lan trong cộng đồng.

Con gái chị Thu Hà sau hai ngày nhập viện đã tỉnh táo hơn, bớt sốt nhưng ho nhiều. Hiện bé được điều trị kháng sinh chờ hồi phục. Chị Hà ở nhà chăm con thêm hai ngày rồi trở lại với công việc.

Nguyên nhân gây bệnh cúm A (H1N1)

1. Hít phải khí có chứa dịch tiết của người bệnh: Người bệnh khi sổ mũi, hắt hơi sẽ đưa ra ngoài cơ thể họ một lượng virus cúm H1N1. Những người xung quanh vô tình hít phải hoặc tiếp xúc với chúng sẽ có khả năng nhiễm cúm nếu không có biện pháp phòng ngừa.

2. Tiếp xúc với những đồ vật có chứa virus: Virus H1N1 có khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài lên tới 2 ngày trên những vật dụng gia đình như tay nắm cửa, bàn, ghế, giường, tủ… Người chưa nhiễm bệnh chạm tay vào rồi đưa tay trực tiếp lên miệng, virus sẽ theo đường hô hấp xâm nhập vào phổi.

3. Tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh: Người bị nhiễm cúm H1N1 có khả năng lây bệnh cho những người xung quanh trong vòng 7 ngày từ khi có những triệu chứng của bệnh. Do đó, một người bình thường khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh qua giao tiếp, hôn hoặc quan hệ tình dục thì sẽ có khả năng bị nhiễm virus cúm H1N1. 

Dấu hiệu nhận biết của bệnh 

- Có biểu hiện sốt cao đột ngột (trên 38 độ C), ho, đau họng, sổ mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi. Một số trường hợp nặng có thể bị suy hô hấp và dẫn đến tử vong.

- Bệnh cúm H1N1 có triệu chứng giống với cúm thông thường, chỉ có thể chẩn đoán xác định bằng lấy dịch mũi họng để xét nghiệm.

Phòng bệnh

- Người bệnh cúm có biểu hiện sốt cao, đau ngực nên đi khám, tư vấn bác sĩ sớm để được chỉ định nên cách ly tại nhà hay điều trị tại bệnh viện, được uống thuốc kháng virus sớm, nhất là trường hợp tại khu vực sinh sống, học tập, làm việc có bệnh nhân cúm A.

- Dọn dẹp thông thoáng nhà cửa, vệ sinh cá nhân, vệ sinh đường mũi họng hằng ngày, rửa tay bằng xà phòng để hạn chế bị dính virus cúm từ các vật dụng công cộng như điện thoại, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang…

- Trẻ nhỏ hạn chế đi ra nơi đông người.

Nguồn: Gia đình Việt Nam