Dòng sự kiện:

Cho con tự học ở nhà: Chuyên gia phân tích vấn đề rủi ro

Theo PNVN
09:51 09/05/2017
Cả GS Hồ Ngọc Đại và TS Nguyễn Tùng Lâm đều cho rằng việc dạy học tại nhà mới chỉ là cá biệt, nhiều rủi ro với trẻ, nhà quản lý chưa nên vội vã thừa nhận hay coi đó như một mô hình học tập.

Mô hình chưa được công nhận

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, trên thế giới, phương pháp tự học không đến trường có quy chế cụ thể. Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa có quy chế nào cho việc này.

"Phương pháp tự học ở nhà có nhiều rủi ro, có thể hạn chế giao tiếp của con, nhất là ở Việt Nam chưa có quy chế, hay quy định hướng dẫn cụ thể nào về việc này. Tuyệt đối không thể đóng cửa để nhào nặn một đứa trẻ nên người” - TS. Lâm nêu quan điểm.

Về điều này, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, cho biết, theo Điều 18 của Luật Phổ cập Giáo dục Tiểu học và theo quy định tại khoản 3, điều 11 của Luật Giáo dục, việc phụ huynh không cho con đến trường học là không phù hợp luật. Bởi lý do này nên nhiều gia đình chọn homeschool chủ yếu cho con đi du học.

Câu chuyện homeschool "gây bão" của anh Đặng Quốc Anh (TPHCM) được cho là cá biệt, hiếm gặp trong môi trường giáo dục Việt Nam.
Theo bà Hoàng Hà Minh, Giám đốc Điều hành Trung tâm giáo dục Westminster Academy (Hà Nội), giáo viên tại đây áp dụng hình thức homeschool cho một số học sinh có nhu cầu học chương trình quốc tế như iGCSE (General Certificate of Secondary Education - chương trình THCS 2 năm được phát triển bởi đại học Cambridge), CIE A -Levels (General Certificate of Education Advanced Level - Chứng chỉ Giáo dục Phổ thông bậc cao, phát triển bởi đại học Cambridge)…

Từ những chứng chỉ này, các em có thể đủ điều kiện nộp hồ sơ vào đại học ở nước ngoài, không cần đến chứng chỉ tốt nghiệp THPT trong nước như những học sinh khác.

Bên cạnh nhu cầu du học, bà Minh cho rằng hình thức homeschool mới chỉ đang áp dụng đối với những trường hợp học sinh có những vấn đề đặc biệt về sức khỏe hoặc tâm lý, không thể theo học tại các trường đào tạo chính quy.

Tuy vậy, để được hợp thức hóa là một thí sinh, thậm chí là thí sinh tự do trong kỳ thi THPT Quốc gia, đối với học sinh theo học homeschool, hiện vẫn chưa có quy định nào cụ thể theo quy chế thi của Bộ GD&ĐT.

Có nên mạo hiểm với tương lai của con?

Chia sẻ quan điểm trên trang cá nhân, TS Giáp Văn Dương cho rằng, rào cản của homeschooling hiện nay chủ yếu đến từ phía cơ quan quản lý giáo dục, khi không công nhận hình thức này. Anh chia sẻ bằng chính câu chuyện về con mình.

TS Giáp Văn Dương ủng hộ mô hình tự học tại nhà

Bản thân anh rất muốn cho con học theo phương pháp này nhưng cảm thấy không ổn. “Tôi nghĩ cách là ghi danh học bổ túc văn hóa nhưng không đến lớp, chỉ homeschooling ở nhà, đến ngày đến tháng thì đến thi, nhưng cũng không ổn. Tôi cũng tính chuyện cho con học homeschooling rồi cho thi lấy chứng chỉ GCSE của Anh. Cách này ổn, chỉ có điều không thi được ở Việt Nam, mà phải sang Singapore hoặc Malaysia”.

Việc homeschool cho con của TS Giáp Văn Dương phải dừng lại vì Hà Nội quá chật chội, không có công viên để con chơi, sợ con không có bạn. “Mà tiếng Việt của con còn kém, nên con phải đến trường. Rất may, cuối cùng con đã vượt qua để cán đích xuất sắc”.

Kể ra câu chuyện của chính mình, điều TS Giáp Văn Dương muốn chia sẻ là dù rất giỏi, song học sinh theo homeschool ở Việt Nam không cách nào để được công nhận. Cũng không được dự thi để xác nhận trình độ.

Giải pháp cho điều này, theo anh Giáp Văn Dương là Bộ GD&ĐT nên có văn bản cho phép học sinh tự học tại nhà cứ đến cuối kỳ, cuối năm thì được phép đăng ký thi cùng với học sinh bình thường ở một trường nào đó gần nhà nhất. Kết quả được công nhận như các học sinh bình thường khác.

Tuy nhiên, theo quan điểm của GS Hồ Ngọc Đại, một nhà khoa học giáo dục, đây chưa phải là lúc thừa nhận hay cho phép mô hình học tập tại nhà. Nhà hoạch định chính sách cần có sự chờ đợi bởi mới chỉ có những ví dụ rải rác mang tính "cá biệt" bước đầu về mô hình này và cần chờ thực tiễn chứng minh. “Quan điểm của tôi là không nên ngăn cản mà nên ủng hộ. Chỉ có điều, hãy để cho phụ huynh làm như một ví dụ cho xã hội nói chung. Chưa vội hợp thức hóa những cái mới nảy sinh trong cuộc sống”.

GS Hồ Ngọc Đại cho rằng, không ai tha thiết với con em họ bằng chính cha mẹ. Nhà trường chừng nào còn tồn tại được khi còn lợi ích phù hợp với cha mẹ. Nếu nhà trường không còn phù hợp với lợi ích của cha mẹ là nhà trường có hại.

Nguồn: Gia đình Việt Nam