Dòng sự kiện:

Chọn trường mầm non cho trẻ: đừng chọn bằng niềm tin!

Có thể chỉ một phút chủ quan, vô tình chúng ta là những bà mẹ có con là nạn nhân của “bạo lực mầm non”.

Sau đoạn clip những đứa trẻ mầm non bị cô giáo dùng dép đập vào đầu, dùng chân thụi vào bụng hồi đầu năm, ai cũng xót xa. Đặc biệt những người mẹ sắp và đang có con đi học mầm non bỗng lo lắng, hoang mang, vội vàng chia sẻ clip như một lời nhắc nhở bản thân mình. Nhiều mẹ giật mình sợ hãi khi không biết con mình liệu có rơi vào cảnh “bạo lực mầm non” đó không?

Chọn trường mầm non cho bé, chuyện không hề dễ. (Ảnh minh họa)

Tôi mới đọc bài viết về người mẹ có con bị cô dùng dép đập vào đầu. Đó là một người mẹ mải mê bận làm nên chủ quan không theo dõi camera. Một người mẹ tin tưởng vào lời nói của những người gửi con ở đó: “Trường đấy tốt lắm!”. Một người mẹ định bỏ qua việc con bị đánh cho đến khi phát hiện cả hệ thống nhà trường đang bao che cho hành động bạo lực của nhau. Tôi bỗng giật mình bởi lẽ, tôi đã từng như bà mẹ đó. Yêu con một cách đến… vô tâm.

Lần đầu tiên, tôi cho con đi nhà lúc hơn 5 tháng tuổi. Tôi tin tưởng vào cô quản lý vì cô là người đã có 2 con, khéo léo và tình cảm. Hơn nửa năm đi lớp, tôi tin tưởng đến nỗi bỏ qua tất cả mọi bất thường về con mình cho đến khi bà ngoại lên và phát hiện ra cháu ngồi bị gù. Hóa ra, để dỗ con tôi ăn hay chơi, cô giáo thường dùng điện thoại hay ti vi để mở cho các cháu xem nên các bé phải ngồi còng lưng, ngóc cổ lên nhìn.

Con tôi vẫn bị liệt vào danh sách còi trong khi đó tối nào tôi đón con cũng nhận được lời khen: “Cháu ăn tốt lắm!”. Tôi tin cô lắm vì đây là trường chị hàng xóm nhà tôi, một người rất kỹ tính và cẩn thận chọn. Phải đến lúc, bà ngoại nhắc, tôi mới bắt đầu xin nghỉ thình lình xuất hiện ở nhà trẻ. Một lần tôi đến nơi phát hiện ra, bữa ăn của con là cơm trắng chan với nước đậu. Tôi ngạc nhiên không biết thực đơn đưa phụ huynh một kiểu mà con ăn một kiểu. Ăn cơm với đậu trắng như vậy con làm sao có chất.

Một lần khác, tôi qua đúng giờ ăn cơm, cô giáo đang đút cháo cho bé gái chừng 2 tuổi. Cô bảo bé này ăn rất tốt, và cô đút liên tục như một người máy, nhanh, chỉ khoảng 3 phút xong bát cháo. Chỉ một lúc, bé trớ ùng ục ra. Tôi hoảng quá, sao có thể đút liên tục, coi bé như cỗ máy được. Nếu bé nghẹn thì sao. Sau khi suy nghĩ, tôi quyết định chuyển nhà, chuyển trường cho con.

Lần thứ hai, tôi đi khảo sát rất nhiều trường và chọn một ngôi trường theo phong cách quốc tế, cơ sở vật chất rất đẹp và thực đơn ăn vô cùng phong phú nhưng… trường không có camera. Nghe nhiều mẹ nói trường này dạy con tính tự lập con, khá tốt và tôi nghĩ học phí đắt, trường cơ sở đẹp, cố một tý cho con học cũng được. Và tôi bắt đầu hành trình “quên bẵng” con mình đi nhà trẻ mới mà cặm cụi làm việc. Tối đến tôi chỉ nghe cô kể con tôi ngoan lắm và ăn tốt... và yên tâm.

Tôi đã quá tin tưởng vào trường có chi phí cao và cơ sở vật chất đẹp. (Ảnh minh họa).

Gần một tháng sau, tôi xin nghỉ ở nhà để đến xem con. Tôi vô cùng choáng khi tận 9 giờ 30 con mới ăn sáng. Theo thực đơn, đây là thời điểm ăn bữa phụ. Vậy nghĩa là bé sẽ không được ăn bữa phụ. Một cô giáo bản ngữ đột ngột đến dạy tiếng Anh nên các con phải ăn nhanh để học. Theo tôi được biết lịch học của con không hề có buổi học ngoại ngữ ngày hôm ấy. Tôi đi làm mà rất băn khoăn. Và đến tối, tôi đón con về nhận được là chiếc mũi bị sứt chảy máu. Tôi hỏi, cô bảo là: “Chắc ngã ở nhà chứ ngã ở trường chúng em phải biết chứ!” tôi ngạc nhiên lắm, vì rõ ràng sáng nay tôi đưa con đi không một vết sứt sát nào trên người cơ mà. Khi tôi phản ánh với nhà trường, hôm sau, cô giáo gọi điện xin lỗi rối rít vì "tôi hiểu nhầm ý cô".

Từ ấy, tôi để ý mỗi lần video được đưa lên trong fanpage nhà trường, một mình con tôi ngồi thui thủi một góc cô đơn, không hề nhận được sự lôi kéo của các cô trong các chương trình tập thể của lớp. 1 tuần sau, tôi quyết định xin nghỉ học cho con, bất chấp khoản khí nộp đắt đỏ. Ngày tôi xin cho con nghỉ, cô giáo còn tỏ vẻ tiếc nuối: “Sao lại cho nghỉ, bé đang ăn uống tốt, bụ bẫm hồng hào như vậy lại cho nghỉ.” Câu nói ấy khiến tôi càng quyết tâm lựa chọn trường khác cho bé bởi con tôi sút hơn 1 kg khi vào học gần 2 tháng ở đây, và ốm yếu đến nỗi làn da xanh nhợt nhạt.

Lần thứ 3, tôi cho bé đên ngôi trường được nhiều phụ huynh đánh giá là cô giáo rất có tâm. 2 ngày liền, cô giáo bế bé gần như 7/8 tiếng, mà con tôi vẫn khóc rả rích vì lạ trường. Tôi đành phải cho con nghỉ học. Lúc ấy, tôi mới ngộ ra một điều vậy liệu ở trường thứ 2 con tôi có khóc như vậy không? Sao tôi có thể vô tình tin lời cô đến như vậy… khi đến camera mình không có.

Sau khi đưa con đi học đến nhiều nhà trẻ, tôi mới rút ra những kinh nghiệm chọn trường cho bé:

1. Trường mầm non bắt buộc phải có camera. Vì chí ít, bạn cũng có thể xem và biết được tới 70% con mình được chăm sóc, ăn uống như thế nào. Nếu trường tư không có camera thì tốt nhất nên suy nghĩ thật kỹ hoặc hãy để con lớn, biết nhận thức được cách cư xử của cô giáo cho con thì hãy chọn. 1 số trường không lắp vì sợ qua camera phụ huynh có hiểu nhầm về cô giáo vì hình ảnh giật, lặp.

2. Hãy đặt việc lựa chọn cô giáo có tình yêu trẻ lên hàng đầu. Một thực tế xảy ra, các cô giữ trẻ mầm non ít khi được học qua trường lớp… chủ yếu là những bạn trẻ tốt nghiệp cấp 3, hay tốt nghiệp cao đẳng, đại học thất nghiệp phải đi xin việc trông trẻ. Mẹ hãy quan sát tiếp xúc với cô trông con mình trực tiếp để cảm nhận về cô. Hãy dùng mọi cách để kiểm tra cô có nói thật không như việc hỏi con ăn thế nào, (hỏi giữa 2 cô cùng trông xem thông tin trùng khớp không?)

Hãy dùng mọi cách để chứng kiến cách cô giáo chăm sóc, dạy dỗ con. (Ảnh minh họa).

3. Đừng nghĩ chọn người quản lý nhà trường có tâm là có tất cả. Vì có thể họ tốt thật nhưng vô tình tuyển phải một cô giáo “quái vật.”

4. Đừng bị cơ sở vật chất và giá thành của trường làm lu mờ tất cả. Hãy để cho bé tự lựa chọn môi trường cơ sở cho mình, có thể bé thích hợp với ngôi trường này nhưng không thích môi trường kia.

5. Đừng bao giờ tin 100% vào lời khen ngôi trường mầm non tốt của người mẹ khác. Hãy chỉ tin 50% và số phần trăm còn lại tự tay mình đi kiểm tra vì đó có thể là chiêu PR hay trường đó chỉ hợp với tiêu chí của gia đình họ.

6. Đừng ngại ngần bỏ thời gian đến đột xuất xem lịch ăn và cách chăm sóc của cô như thế nào với con. Đó chính là cách để bạn thực sự biết được con mình đang được chăm sóc như thế nào?

Một điều nữa mà tôi được nghe: cô giáo tốt nghiệp ngành mầm non kể, các giáo viên đều được dạy cách đánh trẻ như thế nào để không để lại dấu vết, như cốc đầu, đánh vào lòng bàn tay… Vậy nên đừng quá vô tâm, hãy xem con như thế nào? Trẻ nhỏ đôi lúc rất hay quên ai là người đã đối xử không tốt với mình nên có thể bé vẫn vui vẻ với tất cả các cô như nhau. Và có thể chỉ một phút chủ quan, vô tình chúng ta là những bà mẹ có con là nạn nhân của “bạo lực mầm non”.

Nguồn: Gia đình Việt Nam