Dòng sự kiện:

Chuyện những người "hờn Tết": Đang yên đang lành, tự nhiên lại Tết!

09:56 13/02/2018
Đảo một vòng Facebook mới thấy hốt hoảng vì ngày càng có nhiều người ghét Tết, hờn Tết.

Ngồi tìm vé máy bay và đặt phòng khách sạn cho một chuyến đi khởi hành vào mùng 1 Tết, tôi không khỏi ngạc nhiên vì 2 “đám cháy”: Cháy vé và cháy phòng. Cháy khắp nơi: từ Quy Nhơn, Đà Nẵng, Nha Trang tới Phú Quốc, Mũi Né…

Cháy suốt từ mùng 1 cho đến hết mùng 10 Tết. Những lựa chọn còn sót lại thì giá cao "chóng mặt".

Dĩ nhiên là chúng ta không thể cảm tính chỉ dựa vào tính trạng cháy vé máy bay và cháy phòng khách sạn để kết luận: Dân ta ngày càng có xu hướng tận dụng những ngày nghỉ Tết để đi chơi xa, thay vì sum vầy bên gia đình.

Tuy nhiên, bức tranh Tết ngày nay cũng cơ bản được phác họa dựa trên những “hiện tượng” này. Ngày càng nhiều người không thích Tết.

Họ ghét không phải vì muốn chứng minh bản thân khác biệt so với số đông. Đây là một cảm xúc thật và hoàn toàn có thể lý giải được.

Những ai từng đắm mình trong bầu không khí Tết năm xưa có thể thấy Tết nay ngán ngẩm, ngột ngạt.

Tầm 15-20 năm về trước, Tết là một ngày hội đích thực. Sau thời khắc tiễn ông Công ông Táo chầu trời, không khí Tết đã rộn ràng khắp phố phường.

Người người nhà nhà chuẩn bị cho 3 ngày Tết sum vầy. Nhà nào có chút điều kiện thì ra bách hóa mậu dịch sắm sửa ít bánh kẹo – thứ mà phần lớn trẻ con gần như không được thấy chứ đừng nói gì là nếm thử trong suốt hơn 300 ngày trước đó.

Nhà kém hơn thì tự tay làm tất: Gói bánh chưng, làm mứt, làm ô mai, nồi thịt đông, mua con gà về tự vặt lông rồi luộc để bày biện trên bàn thờ.

Trẻ con háo hức đợi mẹ đi chợ về, vội vàng lục tìm trong cái làn nhựa xem có manh áo mới hay không.

Có đứa reo lên trong sung sướng khi được bố “cắp nách” lên tận Nhật Tân ngắm đào, có đứa thì tạm bằng lòng lôi cái áo năm ngoái mặc Tết ra diện lại. Áo mặc Tết, dù cũ hay mới, vẫn là thứ tài sản quý giá của đám trẻ con thời đó.

Nhịp Tết cuộn chạy từng giờ, từng phút, trong từng công việc dù là nhỏ nhặt nhất, từ đó tạo nên một cái Tết đúng nghĩa.

Tết nay mất "chất" thật. Một tuần cận Tết, giao thông ở những thành phố lớn có thể khiến người ta muốn "bùng cháy". Theo thống kê từ phòng cảnh sát giao thông Hà Nội, lưu lượng xe cộ những ngày này tăng gấp… 8-10 lần so với thường ngày.

Nếu Tết xưa diễn ra nhẹ nhàng, bình dị thì Tết nay "hùng hục' như một cuộc chạy đua. Công cuộc sắm sửa cho Tết không đơn thuần vì 3 ngày Tết ấm áp mà thành cơ hội để phô trương trong xã hội đã bão hòa những giá trị vật chất.

Người ta có thể phô trương từ những cái bánh, gói kẹo mua từ Mỹ, Đức, Nhật, Canada… cho tới những cây đào, cây mai có giá trị lên tới cả trăm triệu đồng. Năm xưa, cảm giác thong thả dạo phố ngày mùng 1, hít hà hơi thở mùa Xuân là một đặc trưng chỉ Tết mới có.

Bây giờ, Hà Nội thậm chí đã tắc đường ngay từ mùng 1 Tết. Không tin à? Cứ thử ghé thăm Phủ Tây Hồ, Văn Miếu Quốc Tử Giám, đền Quán Thánh… mà xem, tắc như ngày thường.

Đáng buồn hơn, sự đủ đầy đã khiến cho cảm giác háo hức rất riêng của ngày Tết dần biến mất.

Trẻ con bây giờ quanh năm được ăn ngon, mặc đẹp nên Tết đối với chúng chỉ đơn thuần là được nghỉ một tuần, không phải học bài, tha hồ đi chơi, nghe nhạc.

Thế nên, với ai từng đón những cái Tết xưa rạo rực thì dễ thấy Tết nay bình bình. Cái hứng thú ngày Xuân âu cũng giảm nhiều. 

*Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả

 Theo Trí thức trẻ