Dòng sự kiện:

Có đáng chấp nhận rủi ro để đổi lấy dinh dưỡng từ thịt cóc?

18:23 04/09/2015
Dân gian cho rằng, thịt cóc chứa nhiều dinh dưỡng, nhiều canxi chống còi xương cho trẻ nhỏ. Thực tế, thịt cóc cũng như các loại thịt khác, đều có hàm lượng dinh dưỡng nhất định nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

 

 

 

Khi được hỏi về thịt cóc có chứa nhiều chất bổ dưỡng không? Hầu hết mọi người đều cho rằng là có. Và thực chất đúng là thế.

Chị Phương (Hà Nội) khẳng định ruốc cóc rất tốt. "Con gái chị tôi sinh thiếu tháng, lười ăn lắm. Chị ấy cho ăn ruốc cóc một thời gian cháu bé tăng cân, ăn ngon miệng và cứng cáp hẳn lên. Các cụ trước cũng thường bắt cóc để làm ruốc cho con ăn".

Tuy nhiên, bổ dưỡng chỉ là một phần và các thành phần bổ dưỡng có trong thịt cóc đều có thể tìm thấy ở một số loại thực phẩm thịt khác.

Rất nhiều cha mẹ thường tìm mua ruốc cóc để tẩm bổ cho con.

Trong 100g thịt cóc có chứa 18,6g đạm (protein), ngoài ra còn có một yếu tố vi lượng khác, đặc biệt là kẽm, rất tốt cho sự phát triển và phục hồi dinh dưỡng của trẻ. Khi so sánh lượng đạm trong 100 gram thịt cóc so với thịt bò, thịt dê, thịt heo…thì kết quả tương đương nhưng giá thành của thịt cóc lại đắt hơn nhiều so với các loại thịt còn lại.

Mặc dù trên các phương tiện truyền thông vẫn cảnh báo các bậc cha mẹ cần cẩn trọng khi cho con ăn thịt cóc nhưng thực tế, mỗi năm có rất nhiều trẻ em nhập viện vì tình trạng ngộ độc thịt cóc.

Chia sẻ trên chương trình Giờ gia đình (VTV2), PGS.TS.BS Nguyễn Văn Quýnh, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc, cho biết: "Các ca ngộ độc xuất phát từ nhựa cóc nằm ở các tuyến như sau mang tai, mí mắt và ngay trên da của chúng.

Phủ tạng cóc, ở gan hay buồng trứng cũng có chất độc này. Chế biến loại thịt này không cẩn thận có thể làm dính nhựa, gan hoặc buồng trứng cóc. Trẻ nhỏ ăn vào sẽ bị ngộ độc".

Chuyên gia khuyên không nên sử dụng thịt cóc nếu chưa tìm hiểu hết về nó.

Đồng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cũng cho rằng, thành phần gây độc của cóc là độc tố bufotoxine - một chất cực độc, bền với nhiệt - có trong gan, trứng, da, mủ (dịch tiết màu trắng đục từ các tuyến dưới da và mang tai, còn gọi là nọc cóc hay nhựa cóc), mắt và hạch thần kinh (dọc hai sống lưng) có thể gây chết người trong thời gian rất ngắn. Thịt, mỡ cóc không có độc nhưng nếu không cẩn thận trong khi chế biến vẫn có thể bị độc tố từ gan, mủ, da cóc dính vào thịt.

Triệu chứng ngộ độc: 1 – 2 giờ sau khi ăn cóc, trẻ thường có biểu hiện buồn nôn, nôn, đau và chướng bụng, tiêu chảy, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, sốc, ảo giác, đau đầu, có thể hưng phấn, tổn thương gan, thận và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Chuyên gia khuyên rằng, chúng ta không nên sử dụng thịt cóc nếu chúng ta chưa tìm hiểu kĩ và chưa biết cách chế biến an toàn.

Chi Chi (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

Xem thêm video: [mecloud]BsjHVNclxG[/mecloud]