Dòng sự kiện:

Con bạn có các biểu hiện đạo đức đáng báo động này không?

20:00 13/02/2016
“Các cha mẹ ơi, mọi khi các cha mẹ chăm chú vào thành tích học tập của con. Đã bao giờ các cha mẹ quan sát để thử xem con mình có các biểu hiện đạo đức đáng báo động này không?” – TS Vũ Thu Hương chia sẻ.

  

Tin liên quan

  • Tôi đã dạy con sống trách nhiệm thế nào?
  • Cách dạy con của một kiến trúc sư tài hoa
  • Dạy con cháu thế nào về tục lệ nhận lì xì?
  • Dạy con từ thuở còn thơ: Con khóc, dỗ hay không?
Theo quan điểm của người Việt, đầu năm họ thường không muốn nhắc tới chuyện không vui. Thế nhưng vì một tình trạng “đáng báo động” của bọn trẻ, Tiến sĩ Vũ Thu Hương - giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, lại không thể không lên tiếng. Chị đề cập tới vấn đề “đạo đức giới trẻ và việc giáo dục ý thức đạo đức của chúng”.

Theo đó, chị Hương nêu ra một vấn đề đáng buồn, đó là theo chị trắc nghiệm những đứa trẻ chị gặp và thu nhận kết quả là hơn 90% cháu không chào hỏi khi gặp người lớn tuổi, không cảm ơn khi được cho đồ, và không xin lỗi nếu không nhắc nhở… và rất nhiều điều đáng buồn tương tự.

Điều quan trọng hơn, theo chị Hương là các bậc cha mẹ không lấy làm lo ngại trước những hành động này của con mình, trái lại họ còn tìm những lý do khác nhau để bao biện cho con, và đây thực sự là điều đáng báo động.

Theo TS Hương, hơn 90% cháu không cảm ơn khi ai đó làm cho chúng cái gì và hay đưa cho chúng món gì.

Dưới đây là bài viết của Tiến sĩ tâm lý Vũ Thu Hương về vấn đề này:

Đạo đức ở đâu?

Các cha mẹ yêu quý, chắc hẳn, các cha mẹ sẽ ngạc nhiên lắm khi thấy tớ đưa ra 1 cái tiêu đề sốc thế này. Chắc hẳn các cha mẹ đang chờ đợi 1 topic hot về một sự vụ gì đó. Không! Tớ đang muốn nói về đạo đức giới trẻ và việc giáo dục ý thức đạo đức của chúng.

Đã vài năm nay, mỗi khi có lớp học ở chỗ tớ, tớ đã để ý rất kĩ và thấy hoảng sợ. Con số thống kê mà tớ thu được sau khi trắc nghiệm chính đám trẻ đó và mọi đứa trẻ khác mà tớ gặp là:

- Hơn 90% cháu không chào. Trong số 100 đứa trẻ tớ gặp mặt, may ra có 1 đến 2 cháu chủ động chào tớ. Có từ 4 – 10 cháu đáp lại khi tớ chào rất to: Bác (Cô) chào con. Còn số còn lại thì im lặng đi qua.

- Hơn 90% cháu không cảm ơn khi ai đó làm cho chúng cái gì và hay đưa cho chúng món gì. Khi bị nhắc nhở thì khoảng 5 cháu có lí nhí cảm ơn hoặc nói cháu xin.

- Hơn 90% cháu không xin lỗi nếu chẳng may gây ra một vấn đề gì nếu như không nhắc nhở.

- Có đến trên 70% trẻ cảm thấy việc sử dụng đồ của người khác là việc khá bình thường. Chúng thường lao vào sử dụng đồ đạc một cách vô cùng thoải mái mà không biết, cũng như không quan tâm xem nó là của ai. Và khi bị nhắc nhở thì đến 50% trẻ vứt toẹt đồ đó xuống đất.

Đi du xuân bằng xe buýt tớ bắt gặp một cảnh tượng vô cùng xấu xí. Một bé trai lớp 3 đi cùng mẹ tới điểm chờ xe buýt bằng xe ôm. Khi xe chưa dừng hẳn, bé trai vừa hét toáng lên vừa lao xuống xe nhưng bị mẹ giữ lại. Bác xe ôm từ tốn nói bé đợi cho xe dừng hẳn nhưng bạn tiếp tục cáu gắt. Khi xe dừng, 2 mẹ con xuống, bác xe ôm đưa cho bạn ấy chiếc túi. Vì sợ rơi nên bác có nói bạn ấy cầm túi bằng 2 tay. Thấy vậy, bạn nhỏ giật phắt lấy chiếc túi, cắm cảu quát lại người lái xe ôm khi được hỏi học lớp mấy bằng câu nói cụt lủn:

Lớp 3.

Điều tớ ngạc nhiên là người mẹ chỉ đứng quan sát, cười cười và bao biện cho con mà không có vẻ xấu hổ hay lo ngại về cách cư xử của con. Chị nói đi nói lại:

- Tại nó sốt ruột.

Haizzz


Đã bao giờ các cha mẹ quan sát để thử xem con mình có các biểu hiện đạo đức đáng báo động?

Các cha mẹ ơi, mọi khi các cha mẹ chăm chú vào thành tích học tập của con. Đã bao giờ các cha mẹ quan sát để thử xem con mình có các biểu hiện đạo đức đáng báo động như tớ viết ở trên không?

Không có nhà trường nào có thể dạy đạo đức cho con được. Giờ học đạo đức bây giờ giống như bài thuyết giảng chán ngắt hay đúng hơn là giống như thứ âm thanh đều đều và… hãm tài, sẽ không thể đọng lại trong suy nghĩ của bọn trẻ đâu.

Nếu các cha mẹ đã quên không để ý rồi thì bây giờ vẫn chưa muộn, ngay lập tức về nhà dạy dỗ đạo đức cho con đi nếu không sẽ muộn và ân hận đấy. Với bọn đã lớn (cấp 1 trở lên), các cha mẹ ra luật bắt buộc thi hành các nguyên tắc đạo đức tối thiểu, ai không thực hiện sẽ bị phạt dù là bất kể ai. Còn với đám trẻ mầm non, tớ sẽ có bài viết khác để giúp các cha mẹ. Và quan trọng hơn cả, các cha mẹ hãy là những tấm gương nghiêm túc nhất trong việc thực thi các nguyên tắc đạo đức.

Một lần nữa, tớ xin các cha mẹ hãy chú tâm vào việc vô cùng quan trọng và khẩn cấp này. Hãy cứu lấy đạo đức giới trẻ, hãy cứu lấy tương lai an bình của đất nước. Cảm ơn các cha mẹ rất nhiều.

Nguyên Vũ

Nguồn: Gia đình Việt Nam

>> Xem thêm clip: [mecloud]qbuCCnq6C9[/mecloud]