Dòng sự kiện:

Con bạn là đứa trẻ bình thường hay thực sự là kẻ phá rối?

08:00 18/01/2018
Chị Vân, tiểu thương chợ Tân Bình TP.HCM, thường gán cho hai đứa con trai của mình là bất trị. Bởi hai anh em thằng bé có thể trở chứng phá rối, nghịch phá vào bất cứ lúc nào.

Đòn roi hay la mắng đều bất lực, vì thế chị Vân ngày càng cảm thấy ngao ngán hai “quý tử” của mình. Bất kỳ cách cư xử nào cũng có thể là một phần bình thường của trẻ, nhưng nếu chúng cứ phạm sai lầm một lỗi giống nhau nào đó, cho dù mức độ nhẹ, sẽ bị gán cho biệt danh là kẻ phá rối, khiến lỗi nhẹ trở thành nặng. Vậy con bạn là đứa trẻ bình thường hay thực sự là kẻ phá rối? Các bậc phụ huynh cần tìm hiểu nguyên nhân của hành vi này ở trẻ.

Phụ huynh cần bắt đầu từ những điều nhỏ, xem xét các động thái và yếu tố của trẻ có khiến chúng cư xử như vậy. Khi xem xét, hãy cân nhắc giai đoạn phát triển của con. Theo chuyên gia tâm lý giáo dục Michele Borba, thì một phần trong việc làm cha mẹ tốt nhất là hiểu được cách phát triển của con, bằng cách nhìn vào những gì thích hợp với trẻ theo từng giai đoạn tuổi. Bởi một lúc nào đó, cách cư xử đặc thù không thể phù hợp. Chẳng hạn, tức giận khá bình thường đối với trẻ lên ba tuổi, nhưng với thiếu niên 16 tuổi là có vấn đề, sau đó mới nhìn vào cách cư xử. Cách cư xử của trẻ thực sự thế nào? Bạn càng biết rõ chi tiết thì càng có thể hiểu lý do khiến trẻ cư xử như vậy. Một số cách cư xử của trẻ mà cha mẹ cần quan tâm có thể là:

• Cách cư xử của trẻ đã xảy ra bao lâu? Đây là lần đầu tiên trẻ nói dối, phá phách hay đánh nhau với bạn, hay trẻ vẫn thường như vậy. Cách cư xử đó có thay đổi, có khá hơn hay tệ hại hơn? Một số trẻ gặp khó khăn khi trong môi trường học tập mới hay vào năm học mới, nhưng sau đó, trẻ sẽ dần hòa nhập và cải thiện cách cư xử. Cần lưu ý cách cư xử nào đó tệ hại hơn.

• Mức độ nghiêm trọng của cách cư xử? Trẻ có thường hay cãi nhau, xô xát với bạn bè? Nếu chúng cãi nhau thì mức độ nghiêm trọng thế nào? Nếu một trẻ bảy tuổi đánh đấm người khác, thì đó là trẻ có vấn đề về kiềm chế cơn giận.

• Có điều gì khác đang xảy ra với trẻ? Thường thì cách cư xử xấu là giải pháp giúp trẻ xả hết những tức tối, bực bội trong lòng, chẳng hạn như cha mẹ ly thân hay ly hôn. Cũng có thể đó là dấu hiệu cảnh báo về một vấn đề tiềm ẩn nào khác, chẳng hạn trẻ gặp khó khăn ở trường lớp, xem nhiều phim ảnh bạo lực, hoặc bị mất ngủ. Vậy nên, cha mẹ cần tìm hiểu những vấn đề nghiêm trọng, chẳng hạn bị bắt nạt ở trường hoặc có dấu hiệu bị lạm dụng. Hãy tìm hiểu những vấn đề mà trẻ khó nói ra, hoặc những điều có thể bạn không biết. Trẻ có thể bị trầm cảm và tức giận mà cư xử như vậy. Khi tìm hiểu nguyên nhân, hãy nói chuyện với các giáo viên, nhà tư vấn… hoặc với bất cứ người nào có liên quan và hiểu biết. Cuối cùng, hãy cởi mở tâm sự với trẻ. Hỏi xem trẻ đánh nhau hay cư xử như vậy là xấu và giúp trẻ nhận thức vấn đề.

• Trước khi sửa sai cách cư xử của trẻ, bạn phải nhận biết đó là một vấn nạn. Vì thế, hãy giúp trẻ khi cần thiết. Điều không nên làm là tự đưa mình vào tình huống đó để bảo vệ trẻ, gọi là bênh vực con. Đôi khi, cha mẹ thương con không hợp lý nên hành động thái quá mà cứ tưởng mình là đúng. Điều này khiến trẻ ỷ thế và được nước làm tới, khiến trẻ càng cư xử tệ hại hơn.

• Hãy bắt đầu giúp trẻ bằng cách nhờ người đáng tin cậy và biết rõ con mình, chẳng hạn như giáo viên của trẻ. Nếu người đó không thể giải quyết vấn đề, hoặc vấn đề quá nghiêm trọng đến mức đe dọa sự an toàn của trẻ, có thể nhờ nhà tư vấn giúp đánh giá thêm. Việc đánh giá này sẽ giúp xác định hành vi của trẻ có vấn đề về cách cư xử hoặc có vấn đề về sinh học hay không.

• Đừng cố gắng thay đổi trẻ ngay lập tức, nhất là khi đó là một tính xấu, vì điều gì cũng cần có thời gian. Hãy luôn chú ý vào một cách cư xử nào đó của trẻ. Nếu tập trung vào vài cách cư xử trong cùng một lúc, bạn sẽ không bao giờ có thể mong trẻ thay đổi.

Cha mẹ cần kiên nhẫn, vì không ai có thể thay đổi ngay lập tức và trẻ cũng không ngoại lệ. Rồi bạn sẽ thấy mức độ thay đổi dần dần ở trẻ từng ngày và trẻ sẽ có cách cư xử mới. Quan trọng là cha mẹ đừng thất vọng, nản lòng, mà hãy quyết tâm, kiên trì giáo dục trẻ.

Theo Kiến thức gia đình số 47