Dòng sự kiện:

Con đi học bị bắt nạt: Nên dạy trẻ đánh lại hay im lặng chịu thiệt?

Theo VTC
08:00 27/08/2017
Con đi học bị bạn đánh, bạn sẽ xử trí ra sao? Dạy con đánh lại hay im lặng chịu thiệt?

Có nên dạy con đánh lại khi bị bắt nạt?

Trường học giống như một xã hội thu nhỏ, mà ở đó con rời vòng tay bố mẹ để tự mình thiết lập những mối quan hệ khác với bạn bè, thầy cô. Trong suốt quá trình học, con có thể gặp phải mâu thuẫn với bạn bè vì hàng trăm lý do nhỏ nhặt: thể hiện bản thân, tranh giành đồ chơi, đồ ăn… Khả năng kiềm chế của trẻ không cao, chỉ một mâu thuẫn nhỏ cũng đủ để dẫn tới việc đánh bạn hoặc bị bạn đánh.

Điều quan trọng là khi gặp phải tình huống con bị đánh, phụ huynh sẽ xử trí thế nào: dạy con đánh lại hay im lặng chịu thiệt?

Hiện nay, vẫn có 2 luồng quan điểm trái ngược nhau về vấn đề này. Một bộ phận phụ huynh cho rằng, phải dạy con mạnh mẽ phản kháng lại. Nếu không con sẽ chịu thiệt thòi và lớn lên dễ trở thành người yếu đuối. Một bộ phận khác lại chọn cách dạy con im lặng, mặc kệ bạn hoặc mách với cô giáo.

Cách xử lý nào thông minh hơn?

Theo các chuyên gia tâm lý, việc trẻ đi học bị bạn đánh không phải là hiếm gặp, cha mẹ không nên lo lắng một cách thái quá và dạy con sử dụng nắm đấm để phản kháng lại. Cuộc sống không đơn giản chỉ là sự thắng thua, hơn kém. Nếu bạn dạy con đánh lại bạn, nghĩa là bạn đang dạy bé đòi sự công bằng và đòi quyền lợi bằng vũ lực. Điều này vô cùng tai hại, bởi nó sẽ khiến những đứa trẻ vốn hiền lành cảm thấy áp lực khi bố mẹ đòi hỏi mình phải mạnh mẽ phản kháng lại. Những trẻ khác thì trở nên hung hăng hơn khi được bố mẹ cổ vũ. Không ít trường hợp, trẻ bị đánh phản kháng lại dẫn tới trường hợp đánh nhau gây hậu quả khó lường, trở thành nỗi ám đối với trẻ trong suốt quãng thời gian sau này. Dạy con bạo lực là mầm mống dẫn đến nguy cơ một xã hội hành xử theo kiểu bạo lực trong tương lai. Một đứa trẻ được dạy cứ hễ có ai động vào mình thì lập tức phải đòi công bằng bằng nắm đấm sẽ nhanh chóng trở thành người lớn hung hăng, hành xử giang hồ. Mỗi khi gặp bức xúc, khó chịu, trẻ sẽ sử dụng nắm đấm để giải quyết.

Vậy dạy con im lặng hay mách cô giáo có phải là giải pháp tối ưu? Dạy con im lặng cũng không phải là cách giải quyết thông minh. Bởi im lặng đồng nghĩa với sự trốn chạy. Nếu bạn luôn dạy con phải im lặng chịu đựng thì trẻ dễ trở thành con người yếu đuối, không dám đối mặt với khó khăn và thử thách này. Còn mách giáo viên thì sao? Đó cũng không hẳn là cách xử lý thông minh nhất. Bởi chuyện va chạm với bạn bè trong lớp cũng như mâu thuẫn ngoài đời thực là việc ai cũng sẽ gặp trong đời. Đôi khi hay để lũ trẻ tự mình giải quyết những chuyện cá nhân này để giúp con mạnh mẽ và tự lập hơn. Khi có sự can thiệp của giáo viên, mâu thuẫn giữa con và bạn sẽ càng khó để giải tỏa, thậm chí còn có thể nghiêm trọng hơn.

Tất nhiên trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, hoặc trẻ bị bạn đánh nhiều lần thì cần cho giáo viên biết điều đó để có cách giải quyết phù hợp.

Không dạy con đánh lại, cũng không nên im lặng, vậy phải xử trí thế nào?

Có một điều khá quan trọng mà hầu hết phụ huynh thường không để ý, đó là mâu thuẫn luôn xuất phát từ hai phía. Nếu cha mẹ chỉ nghe từ con mình, mà không tìm hiểu rõ nguyên nhân thì rất dễ dạy con xử lý tình huống không đúng cách.

Hãy dành thời gian trò chuyện và cùng bé giải quyết vấn đề

Đầu tiên, hãy dành thời gian ngồi lại cùng con để tìm hiểu lý do bị bạn đánh. Yêu cầu con chỉ ra lỗi sai của chính mình, tìm những lỗi sai của bạn và từ đó rút ra bài học rút kinh nghiệm cho bản thân mình. Bố mẹ cần là những người thật bình tĩnh, dùng cách nói chuyện nhẹ nhàng để làm dịu nỗi ấm ức của con.

Sau khi đã biết nguyên nhân, hãy định hướng cho trẻ cách giải quyết vấn đề đúng đắn. Cần chỉ cho con cách trò chuyện với bạn để giải quyết mâu thuẫn hoặc thông báo cho người lớn biết sự việc. Dạy con cách duy trì các mối quan hệ với bạn bè trên cơ sở hòa bình thay vì mâu thuẫn hay tiêu cực.

Trong trường hợp, con bị đánh do bạn quá hung hăng, ngỗ ngược hoặc con bị bắt nạt nghiệm trọng, thường xuyên thì bạn nên tới gặp giáo viên chủ nhiệm để trao đổi và tìm ra hướng giải quyết tốt nhất.

Nguồn: Gia đình Việt Nam