Dòng sự kiện:

Con được bao nhiêu điểm thì vừa lòng cha mẹ?

Theo PNO
18:30 12/05/2017
Ước mơ của mọi phụ huynh là con em mình sẽ trở thành “con ngoan trò giỏi”. Thành tích học tập tốt của con thường được các bậc phụ huynh khuyến khích bằng phần thưởng và những lời khen ngợi.

Ngược lại, những đứa trẻ có thành tích học tập không tốt, không “bằng bạn bằng bè” sẽ có thể bị trách phạt nặng nề. Có điều, thành tích học tập thế nào mới đủ tốt để trẻ được khen?

Những ngày qua, câu chuyện của cậu bé T.A., với thành tích đạt 8,5 điểm IELTS được rất nhiều diễn đàn chia sẻ lại và nhận được vô số ý kiến trái chiều.

Đối với việc đánh giá trình độ tiếng Anh của một người, 8,5 điểm IELTS trên tối đa 9 điểm là một thành tích thực sự đáng ngưỡng mộ nếu biết rằng hầu hết các trường đại học trên thế giới ngày nay chỉ yêu cầu 6 điểm (hoặc nhiều lắm là 6,5) là đạt chuẩn theo học.

Trường hợp sinh viên chọn theo học ngành ngôn ngữ Anh, yêu cầu điểm IELTS có thể cao hơn, nhưng thường cũng chỉ là 7 điểm. Không ngạc nhiên vì sao số điểm 8,5 của T.A. khiến bao người sững sờ.

Điều quan trọng là: T.A. đã không đạt 8,5 điểm trong một lần thi. Em đã từng đạt điểm 8, và thi lại với mong muốn cải thiện điểm nhưng không thành công. Phải đến lần thi thứ 3, T.A. mới kiếm thêm được 0,5 điểm ấy dù ở tuổi em thì 8 hay 8,5 chẳng có ý nghĩa gì.

Sự khác nhau duy nhất chỉ là 8 và 8,5 - những con số vô tri. Kể cả khi T.A. đạt 8,5 thì hai năm sau em vẫn sẽ phải thi lại khi tấm bằng chứng nhận không còn giá trị.

Quan trọng hơn nữa: dù đạt 8,5 điểm IELTS, T.A... mất khả năng giao tiếp thuần túy bằng tiếng Việt. Từ bé, T.A. đã tiếp cận với tiếng Anh, dùng tiếng Anh để giao tiếp với gia đình, bạn bè và như cách gia đình em xác nhận thì một ngày em nói chỉ chừng năm câu tiếng Việt, em gặp vấn đề trong việc nghe hiểu tiếng Việt và nếu cần phải trao đổi bằng tiếng Việt thì T.A. sẽ phải cầu cứu đến anh trai.

Năm nay 14 tuổi, T.A. đã nghỉ học từ ba năm trước để ở nhà tự học theo hình thức homeschool. Có thể cha mẹ em - đều là các giảng viên đại học - có lý do riêng của mình khi thuận cho hai con ở nhà tự học.

Thế nên, có thể, những chỉ trích của các bậc cha mẹ khác - cho rằng T.A. đang phải chịu đựng một môi trường sống quá đỗi cô đơn - chỉ giao tiếp với gia đình, ngoài ra không còn ai khác - là võ đoán.

Bối cảnh căn phòng, căn nhà của T.A. qua những bức ảnh chụp cũng đưa các bậc phụ huynh đến với kết luận em thiếu các kỹ năng sống và kỹ năng tự phục vụ bản thân... cũng đều có thể là võ đoán nốt.

Trong khi đó, đối với những người ủng hộ, con số 8,5 là quá thừa để khỏa lấp tất cả những thứ khác - như rất nhiều gia đình khác.

Đã bao nhiêu lần bạn phiền lòng khi con mình chỉ đạt 7, 8 điểm một môn nào đó? Đã bao nhiêu lần bạn trách mắng con khi con chỉ được điểm 6, điểm 5? Đã có lần nào bạn phẫn nộ chưa khi con mình phải thi lại, thậm chí là ở lại lớp?

Trong một môi trường giáo dục mà một lớp học hầu hết phải đạt học sinh giỏi thì bạn có buồn không khi con mình chỉ đạt học sinh khá hay trung bình? Câu hỏi này có lẽ cần bạn suy nghĩ nghiêm túc: "Bạn tin rằng mọi con cá đều có thể leo cây và leo giỏi hay sao?".

Mỗi một đứa trẻ sinh ra với những tố chất riêng - như cách vị hiệu trưởng ở Singapore gửi thư cho phụ huynh trước kỳ thi - có thể trong số các em mai đây sẽ có những nghệ sĩ vĩ cầm mà điểm toán chẳng ảnh hưởng gì đến khả năng chơi nhạc; có thể có em trở thành vận động viên điền kinh mà số điểm văn chẳng có nghĩa gì.

Vậy vì sao chúng ta lại buộc con em mình phải hoàn thành tốt mọi môn học và vì sao chúng phải đạt điểm thật cao, phải xuất sắc? Giữa một đứa trẻ chỉ được 5, 6, 7 điểm các môn ở trường nhưng có kỹ năng sống tốt và biết yêu thương cha mẹ với một đứa trẻ luôn được điểm 9, 10 nhưng không giặt nổi chiếc áo của chính mình thì bạn cho rằng đứa trẻ nào tốt hơn?

Tất nhiên, đứa trẻ bạn yêu thương - con của bạn - luôn tốt hơn. Nhưng nếu xét trong phạm vi của hai đứa trẻ bình thường thì có lẽ chọn lựa sẽ nghiêng về đứa trẻ thứ nhất.

8,0 hay 8,5 điểm IELTS? Bao nhiêu điểm thì vừa? Câu hỏi xin được gửi đến bạn.

Nguồn: Gia đình Việt Nam