Dòng sự kiện:

Con “sống ảo” theo “ngôn tình” khiến cha mẹ lo lắng

02:42 01/10/2016
Ngày nay truyện ngôn tình tràn lan ở các hiệu sách. Đối tượng đọc sách ngôn tình ngày càng trẻ hóa, kể cả học sinh cấp 2, cấp 3 cũng “ăn ngôn tình”, “ngủ ngôn tình”, “yêu ngôn tình” và say đắm “Soái ca” đến mức báo động. Các bậc phụ huynh thật sự lo lắng khi con “sống ảo”.

Qua tham khảo ở các hiệu sách ngày nay thì thấy có đến 60, 70% là sách truyện ngôn tình. Với ý nghĩa ban đầu, truyện ngôn tình vốn mang đến những thông điệp ý nghĩa về tình yêu giản dị, chân thành.

Ngày nay truyện ngôn tình dường như biến tướng thành rất nhiều thể loại như tình yêu bạo lực, tình yêu từ cõi chết, tình yêu trong quan hệ huyết thống và cả yếu tố tình dục để câu khách… Những thể loại này ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và nhận thức của giới trẻ hiện nay, đặc biệt là lứa tuổi “dở dở ương ương” như học sinh khiến các bậc cha mẹ không khỏi lo lắng.


Đối tượng đọc truyện ngôn tình ngày càng trẻ hóa.

Theo nhà văn Trang Hạ, tiểu thuyết tình cảm lên ngôi ngay từ giai đoạn 1930-1945, hay thời hoàng kim của Quỳnh Dao trong không gian văn học đô thị miền Nam. Thậm chí kể cả trong những cuốn tiểu thuyết phóng tác của Lê Văn Trương hay Bùi Giáng vừa dịch vừa phóng tác, tình yêu và những câu chuyện hoàn hảo, bi kịch hoàn hảo về tình yêu vẫn làm rung động độc giả. Bởi lược bỏ đi những sến sẩm trong tình tiết, vẫn còn lại những giá trị sáng tạo về ngôn từ, vẻ đẹp của văn chương và kết cấu tác phẩm, những thông điệp nhân văn và nhân ái chân thực không xa lạ với con người, tâm sức sáng tạo của các tác giả và dịch giả. Các tác phẩm vẫn có chỗ đứng cho hàng chục năm sau này.

Còn ngôn tình của thế kỷ 21 sinh ra cùng độc giả văn học mạng, được chuyển chở về Việt Nam ngày nay thì đầy rẫy lỗi. Ngôn từ méo mó, tình tiết phi lý, cảm xúc xa lạ, tên sách cũng dịch sai, dịch giả một chữ ngoại ngữ bẻ đôi không biết v.v… Những cuốn sách kiểu như chồng cô hiệu trưởng “yêu” ông bảo vệ trường cũng được xuất bản.
Có nhiều phụ huynh cho rằng, giới trẻ ngày nay sống ảo vì đọc quá nhiều truyện ngôn tình cho nên không thể tìm được cho mình một lý tưởng nào để sống, nếu không dựa vào những nhân vật trong sách.

Nhà văn Trang Hạ: “Tôi không biết từ lúc nào tiếng Việt cũng bị đầu độc, đẹp trai được thay bằng “soái ca” và một hệ thống những từ quái dị được sản sinh ra trong quá trình độc giả thưởng thức ngôn tình. Nhưng, sống ảo cũng chỉ là một khái niệm tương đối, vì nó là bộ mặt thật của số lượng không nhỏ những người không tìm thấy giá trị đó trong đời thật. Đọc ngôn tình hay tin ngôn tình là do bạn tự chọn, sống ảo cũng là bạn tự chọn. Cha mẹ đừng cấm con đọc truyện ngôn tình, hãy để chúng tự học theo bố mẹ. Bố mẹ cắm đầu vào phim truyền hình dài tập rồi quát con không được đọc truyện ngôn tình, thật phi lý!”.

Một phụ huynh lo lắng chia sẻ: “Con gái tôi đọc một cuốn tiểu thuyết ngôn tình của tác giả nào đó ở Đài Loan, mê mẩn nhân vật nam chính và tự ép mình phải sống như nhân vật nữ chính. Hiền lành, dịu dàng, ngơ ngác, yêu đơn phương và chờ đợi. Cho đến khi cậu bạn trai mà nó thích ở lớp có người yêu, nó đã bỏ học nằm cả ngày không ăn uống gì.

Tôi có nghe nó nói chuyện điện thoại với bạn gái rằng, cô Tiểu Vũ nào đó trong truyện ngôn tình, đến lúc sắp chết mới được ôm hôn chàng trai mà mình yêu, cho nên, nó ước gì nó cũng ốm sắp chết như Tiểu Vũ để được cậu bạn kia để ý tới. Đúng là một ý tưởng điên rồ. Sau đó, vợ chồng tôi phải hết sức khuyên giải, nhờ cả cô giáo đến gặp và tư vấn nó mới chịu ăn uống và đến lớp. Nhưng nghe chừng việc học hành khá chểnh mảng. Chồng tôi tức giận đã đốt hết sách truyện vớ vẩn của nó, nhưng con bé vẫn lén lút mua đọc ở lớp và đọc trên mạng. Rất khó để dạy bảo con theo cách đó, hy vọng nó lớn lên chút nữa sẽ hiểu ra mấy điều ảo tưởng mà nó luôn nghĩ là đúng ấy”.

Tuy nhiên, phụ huynh này cũng cho rằng, mấy cuốn sách mà con mình đọc “không đến nỗi nào”, chỉ là hình tượng nhân vật trong truyện quá đẹp đẽ, lãng mạn cho nên bọn trẻ ở lứa tuổi bắt đầu biết rung động sẽ bị tác động mạnh về mặt tình cảm và thần tượng nhân vật.

Theo Thạc sỹ tâm lý Hà Thành thì đa số giới trẻ đã hiểu lầm định nghĩa về “ngôn tình”. Những câu chuyện tình yêu mang sắc thái nhẹ nhàng, mang thông điệp tốt đẹp và những cái kết có hậu khiến cho người đọc cảm thấy cuộc sống và tình yêu trở nên đẹp đẽ hơn trong suy nghĩ của họ, đó mới thực sự là truyện ngôn tình.

Thạc sỹ Hà Thành cũng khẳng định, “Bản chất của truyện ngôn tình không gây hại gì đến người đọc, thậm chí những ngôn từ bay bổng và đẹp đẽ trong câu chuyện khiến người đọc cảm thấy yêu đời, yêu cuộc sống và cảm động một cách nhân văn về tình yêu”.

Thiết nghĩ, đọc sách cùng con chính là biện pháp hữu hiệu để phụ huynh giúp con chọn lựa sách tốt. Một quyển sách mà cha mẹ cùng đọc sẽ là cơ hội thuận tiện để từ trao đổi nội dung sách mà giáo dục, dạy dỗ, định hướng cho con. Với những con trẻ đã lỡ nghiện sách ngôn tình thì ở góc độ cha mẹ, phụ huynh cũng nên đọc qua các quyển sách ấy để có thể trao đổi thẳng thắn với con về nội dung, tư tưởng, hành động sai trái, không đúng thuần phong mỹ tục trong truyện, qua đó từng bước chấn chỉnh, kéo con ra khỏi vòng vây độc hại của sách ngôn tình.

Theo Gia đình Việt Nam