Dòng sự kiện:

Cửa hàng ăn uống cần phải nộp những loại thuế nào?

07:10 19/02/2017
Đối với cửa hàng ăn uống nhỏ thường nộp thuế theo phương pháp khoán. Theo Luật thuế mới nhất, các loại thuế cần phải đóng bao gồm: Thuế môn bài, thuế GTGT, thuế TNCN

Độc giả Ngô Mai Trang (Hải Dương): Tôi muốn mở cửa hàng kinh doanh đồ ăn uống nhỏ, nhưng do chưa va chạm nên chưa biết phải nộp những loại thuế nào và cách tính ra sao?

Cửa hàng ăn uống cần phải nộp những loại thuế nào? Ảnh minh họa 

Trả lời:

Thông thường, đối với các cá nhân kinh doanh nhỏ thường nộp thuế theo phương pháp khoán.

Theo Luật thuế mới nhất, các loại thuế cần phải đóng bao gồm: Thuế môn bài, thuế GTGT, thuế TNCN

1. Cách tính thuế môn bài:

Theo Nghị định 139/2016/NĐ-CP (có hiệu lực từ 1/1/2017)  quy định mức thuế môn bài đối với đối với cá nhân hộ gia đình như sau:

“Điều 4. Mức thu lệ phí môn bài

2. Mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:

a) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 đồng/năm;

b) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 đồng/năm;

c) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 đồng/năm.

3. Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh hoặc mới thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số doanh nghiệp trong thời gian của 6 tháng đầu năm thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm; nếu thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số doanh nghiệp trong thời gian 6 tháng cuối năm thì nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm.

Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nhưng không kê khai lệ phí môn bài thì phải nộp mức lệ phí môn bài cả năm, không phân biệt thời điểm phát hiện là của 6 tháng đầu năm hay 6 tháng cuối năm.”

Các trường hợp được miễn lệ phí môn bài

Điều 3. Miễn lệ phí môn bài

Các trường hợp được miễn lệ phí môn bài, gồm:

1. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống.

2. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh không thường xuyên; không có địa điểm cố định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

2. Cách tính thuế GTGT và TNCN

Lưu ý:

-          Nếu cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu/năm tở xuống thìkhông phải nộp thuế GTGT và TNCN.

-          Cá nhân nộp thuế khoán thì mức doanh thu 100 triệu/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN là doanh thu tính thuế TNCN của cả năm.

Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán kinh doanh không trọn năm (không đủ 12 tháng trong năm dương lịch) bao gồm: cá nhân mới ra kinh doanh; cá nhân kinh doanh thường xuyên theo thời vụ; cá nhân ngừng/nghỉ kinh doanh thì mức doanh thu 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân là doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân của một năm (12 tháng); doanh thu tính thuế thực tế để xác định số thuế phải nộp trong năm là doanh thu tương ứng với số tháng thực tế kinh doanh. Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán đã được cơ quan thuế thông báo số thuế khoán phải nộp, nếu kinh doanh không trọn năm thì cá nhân được giảm thuế khoán phải nộp tương ứng với số tháng ngừng/nghỉ kinh doanh trong năm.

2.1.Căn cứ tính thuế

Theo thông tư 92/2015/TT-BTC, căn cứ tính thuế đối với cá nhân nộp thuế khoán là doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu.

a) Doanh thu tính thuế

a.1) Doanh thu tính thuế là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ.

Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán có sử dụng hoá đơn của cơ quan thuế thì doanh thu tính thuế được căn cứ theo doanh thu khoán và doanh thu trên hoá đơn.

a.2) Trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế khoán hoặc xác định không phù hợp thực tế thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu tính thuế khoán theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

2.2. Xác định số thuế phải nộp

Số thuế GTGT phải nộp

=

Doanh thu tính thuế GTGT

x

Tỷ lệ thuế GTGT

Số thuế TNCN phải nộp

=

Doanh thu tính thuế TNCN

x

Tỷ lệ thuế TNCN

Trong đó:

- Doanh thu tính thuế giá trị gia tăng và doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân theo hướng dẫn tại điểm a, khoản 2 Điều này.

- Tỷ lệ thuế giá trị gia tăng và tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân theo hướng dẫn tại điểm b khoản 2 Điều này

2.3.Thời điểm xác định doanh thu tính thuế

d.1) Đối với doanh thu tính thuế khoán thì thời điểm thực hiện việc xác định doanh thu là từ ngày 20/11 đến ngày 15/12 của năm trước năm tính thuế.

d.2) Đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán mới ra kinh doanh (không hoạt động từ đầu năm) hoặc cá nhân thay đổi quy mô, ngành nghề kinh doanh trong năm thì thời điểm thực hiện việc xác định doanh thu tính thuế khoán của năm là trong vòng 10 ngày kể từ ngày bắt đầu kinh doanh hoặc ngày thay đổi quy mô, ngành nghề kinh doanh.

d.3) Đối với doanh thu theo hoá đơn thì thời điểm xác định doanh thu tính thuế thực hiện theo hướng dẫn tại điểm d khoản 2 Điều 3 Thông tư 92.

Trên đây là quy định về các loại thuế mà bạn phải nộp khi kinh doanh cửa hàng ăn. Bạn nên tìm hiểu kỹ các văn bản được trích dẫn kể trên và có thể đến trực tiếp cơ quan quản lý thuế địa phương để có được hướng dẫn cụ thể nhất phù hợp với yêu cầu của địa bàn kinh doanh. Rất cảm ơn câu hỏi của bạn.

Theo VietQ

Nguồn: Gia đình Việt Nam