Dòng sự kiện:

Cùng con đi dạo mỗi ngày để nuôi dưỡng năng lực quan sát

18:00 14/02/2016
Cho trẻ đi dạo (hầu như) mỗi ngày trên những con đường và chơi ở công viên, trải nghiệm với thiên nhiên là 1 trong 5 nội dung bắt buộc của mầm non Nhật Bản.

Tin liên quan

  • Bố dạy con tính trung thực qua tờ tiền kẹp trong sách
  • Làm sao để lựa chọn cách dạy con đúng đắn?
  • Tôi đã dạy con sống trách nhiệm thế nào?
  • Cách dạy con của một kiến trúc sư tài hoa
Chị Nguyễn Thị Thu – mẹ Việt đang sống ở Nhật Bản chia sẻ bài viết để con trải nghiệm trong thiên nhiên để nuôi dưỡng năng lực quan sát ngay từ khi còn nhỏ:

Có thể nhiều cha mẹ cho rằng trải nghiệm trong thiên nhiên là phải đi chơi ở nơi có cảnh thật đẹp, hoành tráng với nhiều cây cối hay các trò chơi. Sự thật thì không phải như vậy đâu.

Năng lực quan sát và bắt chước của trẻ là một năng lực vô cùng quan trọng và phát triển nhất ở giai đoạn 0-5 tuổi (đặc biệt là từ 0-3 tuổi) vì thế nó rất cần cha mẹ chú trọng nuôi dưỡng. Quan sát thì có thể là với thiên nhiên (để nuôi dưỡng tính cảm thụ phong phú, sự hứng thú và tâm hồn yêu thiên nhiên), với sự vật hàng ngày như phố xá, xe cộ, cảnh quan.

Hàng ngày trẻ được dẫn đi dạo qua những con phố để cảm nhận cuộc sống và sự vật đang chuyển động quanh mình. Hàng ngày trẻ được ngắm cây cối bên đường hay ở công viên để giúp trẻ cảm nhận được sự thay đổi của thiên nhiên 4 mùa xuân hạ thu đông, cảm nhận thời tiết nóng, lạnh, mát của không khí và gió và ánh nắng mặt trời. Tất cả những trải nghiệm qua mỗi ngày sẽ như một mạch suối nguồn thẩm thấu một cách nhẹ nhàng vô thức lên nhận thức cũng như nuôi dưỡng tâm hồn và giá trị quan cho trẻ. Đó là một cách nhẹ nhàng nhưng rất nhân văn và hiệu quả giúp trẻ thẩm thấu nét đẹp của thiên nhiên quanh mình, nét văn hóa của nơi mình đang sống.

Trong quá trình quan sát, trẻ được cha mẹ hay thầy cô dẫn dắt "Ôi cây phượng nở hoa đỏ rực, cây bằng lăng tím ngắt, cây bàng trụi lá khẳng khiu kìa" trẻ sẽ vừa học hỏi cách diễn đạt, vừa giúp trẻ nhận ra sự thay đổi và khác biệt của mỗi mùa mỗi cây (giai đoạn 0-3 tuổi trẻ còn ít vốn từ).

Dần dần tự bản thân trẻ sẽ học được cách cảm nhận của riêng mình và phát hiện của chính mình và diễn đạt lại với cô với cha mẹ hay thể hiện nó qua những tác phẩm vẽ và tạo hình (3-5 tuổi). Đây chính là cách dẫn dắt của mầm non Nhật Bản để giúp trẻ học kỹ năng quan sát và cảm thụ trước rồi sau đó mới đến biểu hiện qua những giờ học vẽ và tạo hình mà có khi nguyên liệu là những gì các em thu hoạch được ở mỗi buổi đi chơi.

Chính những trải nghiệm và kinh nghiệm quan sát được tích lũy trong những năm đầu đời sẽ nuôi dưỡng khả năng biểu hiện qua văn miêu tả, qua vẽ tranh và qua cách tư duy của trẻ khi vào cấp 1-2.

Vì sao rất nhiều học sinh VN đặc biệt là học sinh thành phố lại viết những bài văn rất ngô nghê. Bởi vì trẻ ít được trải nghiệm qua kỹ năng quan sát, kể cả khi đi chơi có khi cha mẹ ít khi trò chuyện với trẻ để dẫn dụ trẻ quan sát tỉ mỉ mà đôi khi đó mới chính là "trải nghiệm thực sự". Thiếu nguyên liệu để nhào nặn nên bài văn, trẻ bị nhồi nhét trong những bài văn mẫu dập khuôn và cứng nhắc. Suy nghĩ của 1 con người bị nhân bản thành khuôn rồi dập vào cho trẻ, khiến trẻ chẳng khác nào những chú cừu Dolly về tư duy, chỉ khác nhau manh áo.

Mình kể một sự thật thú vị như này. Nếu như văn cấp 1 của VN thường bắt các em miêu tả ông bà, rồi bà tóc bạc, dáng còng, tay nhăn nheo....hay con chó màu gì, dài bao nhiêu, tai như cái gì...kiểu dập khuôn như thế. Thì bài tập làm văn của học sinh Nhật lại được tự do chọn đề tài và cách viết. Một bài văn đạt giải thưởng của 1 học sinh lớp Một viết về ông nội như này.

"Ông nội, cháu rất yêu ông.

Tối nào ông nội cũng kể chuyện cổ tích cho tôi nghe trước khi đi ngủ.

Gia đình tôi có 6 người gồm... Vì sao tôi lại thích ngủ với ông nội mà không phải với bố mẹ. Buổi tối khi ăn cơm xong, đánh răng xong là tôi chui vào chăn nằm cùng ông. Ông bắt đầu kể chuyện cổ tích cho tôi nghe.

Ngày xửa ngày xưa..."

Nội dung của bài viết là những gì rất gần gũi với trẻ mà trải qua hàng ngày, chính vì thế trẻ rất dễ viết, và viết những câu văn rất đúng ngữ pháp, ngắn gọn diễn đạt đúng ý. Những câu văn thật xuất phát từ cảm xúc thật và mỗi trẻ có một cách cảm nhận và suy nghĩ khác nhau nên mỗi bài văn mỗi vẻ đẹp riêng.

Mọi người có nhớ bài tập đọc lớp 1 này không?

"Ngay giữa sân trường, sừng sững một cây bàng.

Mùa đông, cây vươn dài những cành khẳng khiu, trụi lá. Xuân sang, cành trên cành dưới chi chít những lộc non mơn mởn. Hè về, những tán lá xanh um che mát một khoảng sân trường. Thu đến, từng chùm quả chín vàng trong kẻ lá."

Mình nhớ như in vì kí ức tuổi thơ của mình là trường mầm non dưới cây đa, cây gạo, góc sân là cây bàng khẳng khiu trụi lá. Có lẽ vì được trải nghiệm chơi và quan sát trong thiên nhiên, chơi trên cánh đồng và thích những điều tỉ mỉ nho nhỏ nên mình viết văn không đến nỗi tệ, đặc biệt là nội dung viết của mình đến từ cảm xúc rất thật chứ không hề sao chép văn mẫu một chút nào.

Thiên nhiên Việt Nam có cái đẹp rất riêng so với thiên nhiên nơi khác, mình cũng muốn cho Bon được trải nghiệm với chính thiên nhiên Việt Nam để nuôi dưỡng tâm hồn Việt cho con. Theo đuổi sự tinh tế, yêu thiên nhiên và tính cảm thụ phong phú.

Theo Mẹ Bon

Nguồn: Gia đình Việt Nam

>> Xem thêm video: [mecloud]S1buTrrFxY[/mecloud]