Dòng sự kiện:

Đàn bà muốn giữ chồng phải biết nấu món...'làm lành'

Theo PNO
08:30 01/04/2017
Ngày xưa, bà ngoại tôi, mỗi khi con gái, cháu gái dắt bạn trai về trình diện, sau đó đều hỏi: con có biết nó thích ăn món gì không?

Nếu câu trả lời là một món trùng trong cái list món “bí kíp” nhà tôi như xôi vò chè hoa cau, cá kho riềng, giả cầy… thì bà sẽ bảo, ờ may đấy. Còn nếu câu trả lời là anh ấy dễ ăn lắm ạ, món gì con nấu anh ấy cũng thích, ngay hôm sau, dì, hay các chị, sẽ phải tập nấu bún cá. 

Bà hay nói, phụ nữ là phải khéo léo bếp núc. Bếp ấm, thì nhà vui. Phụ nữ mà vụng thối vụng nát, nhai cơm không vỡ, thổi lửa không cháy, lại lười chảy thây thì chồng có ra đường thấy ai cũng khéo hơn vợ mình, cơm ở đâu cũng ngon hơn nhà mình, dễ lạc bước lắm. Chồng có khoan hòa bao dung thì cũng không thể nhịn mãi, chịu mãi.

Không có cách gì giữ ấm hạnh phúc gia đình đơn giản mà chắc chắn như việc giỏi nữ công gia chánh, nhà cửa gọn gàng. Nếu vợ đã đảm đang chu đáo thế rồi mà chồng vẫn lang bạt kỳ hồ, hồn xiêu phách lạc vì con hồ ly nào đấy thì sẽ có họ hàng giải quyết. Mà bà tôi đã ra tay, chẳng con rể cháu rể nào không tâm phục khẩu phục.  

Tôi là đứa bướng hay hỏi thêm: Thế lỡ may chồng của con khéo, nấu ăn ngon hơn con, thì học nấu bún cá làm gì?

Bà trở cây đũa bếp, gõ lên đầu tôi: cha tiên nhân chị, phải biết nấu bún cá cho thật ngon, để mà nấu làm lành khi nó giận, hiểu chưa. Mà chị muốn thằng nào nấu ngon, khéo léo, không phải thằng lười thì chị ra đường kiếm tiền về nuôi nó à? Chứ mơ nó làm cả hai việc thì cưới vợ để thờ à...

Tôi cố cãi: Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê, bà dạy con thế thôi, cần gì nấu món làm lành.

Bà gắt lên: nhà nào cũng phải có một món còn để con cái nó đi đâu cũng nhớ, để mà còn không chết đói lỡ lúc sa cơ. Nhặt rau cần với thì là đi. Dài lý quá không đàn ông nào chịu được đâu. Nó có rước đi cũng lại quay về trả cho bà.

Một trong những cô em họ, con gái của dì tôi, đã mở thành công nhà hàng châu Á có tiếng tăm ở Toronto. Quán của cô em có nhiều món Việt, một trong những món đó là bún cá thì là, món đã được bà tôi coi là món truyền thống của gia đình và là "món làm lành" của những phụ nữ trong nhà. Bún cá là món dễ ăn, nhiều rau, ăn nóng nhưng lại mát ruột.

Bún cá cũng dùng khá nhiều nghệ khi ướp cá, khi xào xương lên để hầm cũng đập một củ nghệ nhỏ, để nồi nước dùng vàng trong thật ngon mắt. 

Bún cá, thành phần chính tưởng là cá, thì lại là thành phần có thể thay đổi linh hoạt nhất. Cá sông, cá đồng, là được. Cá trắm lẳn mình, cá rô thơm ngọt, cá lóc chắc thịt, thậm chí cá điêu hồng tồ tệch hiền lành, cứ tươi, cứ phi lê chọn phần nạc, cắt miếng, ướp chút nước mắm và bột nghệ, rán vàng thơm lên, là phần cá đã xong.

Vị chua không thể thiếu của bún cá là giấm bỗng hay mẻ, nếu chỉ định không dùng thực phẩm hay gia vị ủ chua, lên men thì thay bằng thật nhiều cà chua, nước sẽ ngả hồng đậm chứ không vàng màu nghệ, nhưng vị vẫn rất hợp.

Phần mát và hấp dẫn, quyến rũ của bún cá là rau. Cần nước, dọc mùng, rau cải non, tất thảy đều hợp với bún cá. Rau nhặt và vặn bằng tay, cấm tiệt chuyện dùng dao xén xoẹt xoẹt. Chỉ có một chú ý nho nhỏ, là rau thơm dậy mùi của bún cá có thể không cần hành lá, nhưng thì là, buộc phải có. Chỉ vài cọng mảnh dẻ như lá măng, nhiều quá sẽ nồng nhưng thiếu nó là mất vị. 

Nước dùng của bún cá, có vị chua thanh của bỗng, hơi cay the của ớt, và ngọt của xương cá hầm, vị béo mà không ngán của váng mỡ cá rất mỏng, chạm nhẹ cái muôi múc là tan. Nước dùng khi chan lên tô bún, cũng có vị thơm của nghệ, riềng, có màu cà chua, màu xanh thì là, cần nước, màu nâu vàng giòn cá rán... đã quá đỗi bình thường, kỹ càng hơn, là có cả li ti trứng cá vào mùa.

Các dì tôi chế thêm các món phụ ăn cùng bún cá. Có dì ngâm măng và ớt trong nước mắm, chấm miếng cá rán trong chén nước mắm này thấy mọi món sơn hào hải vị cũng bổ dưỡng đâu đó thôi chứ về ngon, về thú vị thì chưa chắc đã bằng. 

Tôi hỏi dì tôi, tại sao nhà mình chọn bún cá là "món làm lành", có phải vì nó đẹp nhất trong các món bún nước, bưng tô bún lên cứ muốn ngắm như một bức tranh? Người dưng hay người nhà gì mà đang giận cũng phải mềm lòng mà ngẩn ra, ngắm cọng thì là mảnh mai thẻo đảnh, nửa ngập sâu xanh sẫm dưới nước vàng óng nghệ, nửa vẫn xanh non tươi tắn trên miếng cá vàng giòn, rồi hít hà, rồi nếm một thìa nước đậm đà mà quên đi mọi phiền muộn bực mình hôm qua, hôm kia.

Dì tôi bảo không phải đâu, bún cá sẽ làm dịu nhiệt ở những người đang nóng giận, thêm gia vị như chút riềng chút ớt để tăng nhiệt nhưng rau cần nước, cá, đều là thực phẩm mang tính hàn, tổng hòa lại tô bún vẫn giải nhiệt dù ăn nóng. Muốn có tô bún cá đẹp và ngon, con phải thật tập trung, phải chăm chút từng nguyên liệu một, gì cũng không thể thiếu, nhưng không lấn át nhau, phải nhường nhau và hỗ trợ nhau.

Ăn ào ào rồi tấm tắc khen ngon mà không hiểu những gửi gắm ấy, thì chưa chắc đã hết giận đâu. Thường thì đám đàn ông nhà này sẽ hiểu. Mà không hiểu sao được, khi nó đã thành món nhận diện thiện chí muốn hòa giải của cả nhà tôi. 

Tôi hỏi dì là toàn phụ nữ phải đi nấu "món làm lành" thế sao? Dì bảo không, đám rể nhà này cũng thi thoảng phải nấu đấy, nhưng mong gì đàn ông cứ gây lỗi để rồi lại phải làm lành! 

Cũng có khi, bà nấu cho cả nhà vào một ngày sau tết, bảo ăn cho đỡ ngán, khi nấu lại tủm tỉm cười, có nhà nào ăn món này thường xuyên không, là đám rể lại xun xoe, không, lâu lắm rồi con mới được ăn.

Trong một buổi chiều muộn cuối năm, trên đường từ Nam Định sang Ninh Bình, bà mợ trứ danh vốn làm vườn là chính, đã được biếu mớ cá rô đồng và tự tay làm món xôi cá rô cho cô cháu gái là tôi từ Sài Gòn ra chơi. Nếp mới ngon, cá rô tươi rói rán vàng bằng mỡ gáy phi thêm tý hành hương... Mợ rán cá rô đã ướp muối sau 30 phút, sau đó lấy một nửa hấp lên trên chõ xôi. 

Mợ dành cho tôi vài con nhai rau ráu cả xương rán giòn từ một nửa còn lại. Nửa đã hấp xôi thì xới đều lên. Cá đã rán om đến giòn cả xương, lại mềm trong xôi nóng, ăn giống như cơm cháy béo ngậy vậy.

Chẳng bao giờ tôi quên được nụ cười mãn nguyện của mợ hôm ấy, khi tôi bảo đó là món lần đầu trong đời được nếm đã lập tức rất thích, mợ thủng thẳng bảo: cậu con, mỗi lần giận dỗi, sưng sỉa mặt mày, mợ cứ làm món này là lại vui như tết ngay!

À, hóa ra đây là "món làm lành" nhà mợ. Hàng chục năm sau tôi mới nhận ra, tư duy của bà, của mẹ, của các dì tôi, tưởng khác hẳn lũ 7x thích tự do, thích bận rộn ngoài đường hơn là trong nhà như chúng tôi, cho đến tận bây giờ vẫn không hề lạc lõng. Nói như cô em hài hước của tôi là "vẫn còn dùng được".

Bếp nào, phụ nữ nào, cũng cần một món sở trường, một món để bản thân mình (sau đó là chồng, con, người thân) tự hào rằng cô ấy không có đối thủ. Món ấy, dù cầu kỳ hay thật đơn giản, phải có những biến tấu rất đặc trưng, rất cá nhân, nhưng hoàn toàn thuyết phục được số đông.

Món ăn ấy, được chuẩn bị và dọn lên, không những là một lời hòa giải âm thầm, không chỉ chất chứa những nỗi niềm mong muốn được giải tỏa, không chỉ hàm ý triết lý âm dương ẩm thực sâu xa, mà đơn giản và trực diện, là một cử chỉ chăm sóc âu yếm chỉ mình phụ nữ ấy làm được, mà phụ nữ ấy chỉ muốn làm cho người mình đang yêu thương. 

Độc thân à, thì có sao, bạn sẽ có cơ hội nấu "món làm lành" ấy cho bạn gái, cho đồng nghiệp, cho người tình, cho những đứa con bướng bỉnh nhưng yêu mẹ… có biết bao người rất xứng đáng để yêu thương và nếm món làm lành bạn tự tay làm. Và họ cũng có thể nhờ bếp bạn để nấu món họ muốn dành riêng cho bạn. 

Nguồn: Gia đình Việt Nam