Dòng sự kiện:

Đàn ông cũng có nhu cầu trang điểm và làm đẹp

Theo VNE
13:11 30/03/2018
Nam người mẫu trẻ đổ kem dưỡng ẩm ra tay, nhẹ nhàng thoa lên mặt rồi chấm kem che khuyết điểm dưới mắt và kết thúc bằng lớp phấn phủ.

Đó là loạt hình ảnh xuất hiện trong hướng dẫn trang điểm kiểu tự nhiên cho nam giới của một hãng mỹ phẩm Anh. Sau vài ngày đăng tải, video này thu hút gần một triệu lượt xem.

Trái với quan niệm phổ biến đàn ông ghét make up, những video như trên ngày càng hấp dẫn phái mạnh, đặc biệt ở Mỹ cùng châu Âu. Trên thực tế, ngành công nghiệp thời trang và mỹ phẩm nam giới đã và đang bùng nổ, thậm chí lấn lướt mảng dành cho nữ từ năm 2010. Khảo sát năm 2016 của tập đoàn tư vấn Mintel chỉ ra 50% đàn ông Anh sử dụng sản phẩm dưỡng da hàng ngày và 59% đồng ý rằng ngoại hình vô cùng quan trọng. 

Ảnh minh họa

"Bất chấp tuổi tác, đấng mày râu hiện đại dành khoản đầu tư nhất định cho nhan sắc", Brendan Gough, giáo sư tâm lý học xã hội tại Đại học Leeds Beckett (Anh) nói với CNN. Dành hơn 20 năm nghiên cứu hành vi nam giới Anh, ông phát hiện thái độ của họ về bề ngoài thay đổi một cách đáng kể. "Vài năm trước, kem dưỡng ẩm còn bị cấm kỵ thì nay lại vô cùng phổ biến", vị giáo sư giải thích.

Bên cạnh nấu nướng và chăm sóc trẻ con, make up là "lãnh địa cuối cùng" của phái đẹp bị nam giới "xâm chiếm". Tuy nhiên, cách thức đàn ông trang điểm rất khác biệt. "Thông thường, họ suy nghĩ đến việc sử dụng mỹ phẩm nhằm ngụy trang, che giấu điều gì đó khiến bản thân phiền lòng", Garrett Munce, giám đốc mảng làm đẹp của tạp chí GQ (Mỹ) đánh giá. Cụ thể, đấng mày râu có xu hướng dùng kem che khuyết điểm để che mụn hoặc kem nền nhằm làm đều tông da chứ không động đến màu mắt. 

David Yi, người sáng lập trang web về sắc đẹp phái nam Very Good Light thì cho rằng hầu hết nam giới coi mỹ phẩm như công cụ thay đổi cảm giác. Chính Yi cũng thừa nhận make up đem lại sự tự tin. "Tôi yêu trang điểm và cách nó làm tôi quyền lực, sexy, nam tính hơn", người đàn ông tâm sự. Các sản phẩm được Yi ưa chuộng bao gồm kem nền và son môi.

Tất nhiên, không phải ai cũng giống Yi. Trong khảo sát của Mintel, 42% nam tình nguyện viên cho rằng bất cứ hành động nào đi quá mức đảm bảo vệ sinh đều không cần thiết. Bên cạnh đó, một bộ phận không dám lên tiếng về thói quen make up vì sợ kỳ thị.

So với Mỹ, Hàn Quốc thoáng hơn nhiều về việc đàn ông dùng mỹ phẩm. Họ không những không bị hạ thấp mà chuyện chăm sóc bản thân trở thành lẽ đương nhiên. "Kem nền thậm chí không bị coi là trang điểm mà chỉ như một bước dưỡng da", Yi chia sẻ về trải nghiệm sau thời gian sống ở Seoul. Về cơ bản, xứ sở kim chi không gắn liền make up với nữ tính. Đấng mày râu nơi đây cũng không hẳn tìm đến make up do tự ti, lo lắng.

Dù còn nhiều ác cảm đối với đàn ông sử dụng mỹ phẩm, xã hội phương Tây ít nhiều đang biến chuyển. Nhờ mạng xã hội, khái niệm "giới" không còn quá khắt khe khiến sự khác biệt giữa thị trường làm đẹp nam và nữ dần mờ nhạt. Nắm bắt xu thế, các hãng làm đẹp tạo ra loạt sản phẩm "trung tính" do người mẫu thuộc những giới khác nhau quảng bá. Ngay lúc này, mỹ phẩm dành cho đấng mày râu vẫn được tách riêng song có lẽ sẽ thay đổi trong tương lai.

Nguồn: Gia đình Việt Nam