Dòng sự kiện:

Đàn ông về nhà thích thấy vợ lảng vảng trong bếp

Theo PNO
15:49 25/04/2017
Ai cũng vậy không riêng gì đàn ông, họ đều sợ những hờn trách mà không rõ lý do, sợ bị coi như tội đồ mà không hiểu vì sao...

Mình không phải là cô gái xinh đẹp, người thân trong nhà thì toàn chê xấu, người ngoài vớt vát ngại ngùng nên đôi khi khen xinh. Chân mình không dài mà còn ngắn nữa. Thế rồi không hiểu sao vào đại học thì mình va vào anh ấy. Anh ấy cao to, đẹp trai, lại học trường đỉnh nữa chứ.

Phút ban đầu ấy, anh ấy có theo đuổi mình thật, nhưng không khó lắm, vì làm bộ thế thôi chứ mình đổ cái rầm từ lần đầu gặp rồi. Nhưng vì sự tự ti sẵn có, mình luôn có dư thái độ phòng bị: “anh ta chỉ chơi đùa thôi”, “anh ta không phải của mình”, “mình làm sao có thể được anh ấy thích được”, vậy nên quen nhau đó nhưng luôn nuôi sẵn một tinh thần bất cứ lúc nào cũng có thể chia tay. 

 

Chính vì như vậy nên mình lại trở nên ít vồ vập, ít bi lụy. Và vì thế, anh ấy lại cảm thấy nhẹ nhàng, ít áp lực khi ở bên mình, đấy là điều anh ta đã tự thú sau này.

  • Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Quen nhau đó, vui cười hạnh phúc đó nhưng quen 4-5 năm mà mình vẫn thấy người ta nuôi sự do dự. Mình tự đo đếm sự mệt mỏi của bản thân khi thấy phải mặc một chiếc áo quá rộng, nên mình đề nghị chia tay. Anh ấy cũng gật đầu, nhẹ nhàng, bình thản quay lưng với nhau.

Thế nhưng, chia tay rồi mà vẫn gọi điện nói chuyện tầm phào, rồi anh bảo: “chẳng hiểu sao anh thích nói chuyện với em, cảm giác rất nhẹ nhàng...”. Vậy là chỉ vài tuần thì lại quay về vị trí cũ. Cuộc tình cứ thế dây dưa mãi đến gần 6 năm.

Mình là con gái, dĩ nhiên rất thèm được người yêu hỏi cưới, rất nóng lòng, nhưng mình đành giấu nhẹm, mình chỉ viết vào nhật ký, thổn thức một mình. Rồi một ngày nọ, ba chồng bây giờ thấy hai đứa dây dưa lâu quá, ông đề nghị đi hỏi cưới vợ cho con trai, con trai cũng thấy quen cũng đủ lâu rồi, nên gật đầu, mình mừng húm dĩ nhiên lo gật đầu theo luôn. Vậy là cưới nhau, về với nhau chưa kịp hoàn hồn thì đã dính bầu, đẻ con, chăm con, đẻ con, nuôi con.......

Và cho đến bây giờ, sau 10 năm bên nhau mình vẫn giữ nguyên tinh thần “cái gì của mình là của mình, không phải của mình thì có giữ cũng là của người ta” để những áp lực, những lo lắng không quá đè nặng lên bản thân và người đối diện. Buồn cái gì, giận cái gì thì hãy nói ra, nói không được thì nhắn tin, viết mail, chớ để trong lòng rồi sinh bực bội, chì chiết, bóng gió, trách cứ, hờn giận, mệt lắm.

Ai cũng vậy không riêng gì đàn ông, họ đều sợ những hờn trách mà không rõ lý do, sợ bị coi như tội đồ mà không hiểu vì sao... Vậy thì nếu đã là vợ chồng, hãy tránh làm ngột ngạt thêm cuộc sống vốn dĩ đã quá nhiều mệt mỏi này, hãy cố gắng làm cho nửa kia thấy nhẹ nhõm nhất có thể.

Và rồi mình lựa một lúc nào đó, khi tâm bình tĩnh, nghĩ lại xem điều đã làm mình buồn đó có đáng không, có phải lỗi lầm cần phải “vạch trần” với người kia không và mình chọn cách viết thư hoặc nhắn tin. Và đặc biệt, khi chồng đang say, bạn chớ buông lời hờn trách lúc này, nó chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ thôi. Hãy tâm sự khi anh ấy tỉnh táo, hẳn anh ta sẽ hiểu vấn đề, sẽ biết đúng sai ở đâu ngay.Có đôi lần mình cũng tủi thân, buồn trách đấy, mình úp mặt vào chiếc khăn tắm ở toilet khóc 1 mình, khóc chán mình ngồi dưới vòi sen cho nước làm lòng dịu lại, rồi mình lau khô nước mắt, bước ra ngoài lại đùa chơi với con và anh ấy tuyệt nhiên chưa từng biết vợ đã có những giây phút như vậy cho đến lúc này, khi mình viết ra đâu.

Mình rất thích chăm lo cho cuộc sống gia đình. Ngoài giờ làm việc mình chỉ thích về nhà. Những bữa cơm, những chiếc quần chiếc áo được ủi phẳng phiu, chăn chiếu luôn thơm sạch... nói chung là tất tần tật những việc trong mái ấm đều được bàn tay mình chăm chút mỗi ngày.

Đã từng thuê vài ba người giúp việc, nhưng mình hiểu rõ rằng, họ chỉ làm vì cớ sinh nhai, còn mình làm bằng tình yêu, nó khác nhau làm sao. Bạn bè hay cười mình, bảo mình sợ chồng, không dám đi về khuya, không dám bỏ ra 1 đêm đi nhậu tẹt ga, đi hát hò hay bar biếc gì với tụi nó... Bạn cũng cười mình chả hiểu vì sao phải có gia đình để rồi khổ vậy, lúc nào cũng “tao về nấu cơm”...

Ừ thì biết sao được, người ta đi nhậu khuya lắc khuya lơ vậy đó, vợ con ở nhà vò võ thì được đó, nhưng ngộ lắm, người ta về đến cửa là hỏi ngay “mẹ đâu con?”, mẹ mà không có nhà là người ta gọi điện hỏi xem mẹ đi đâu thế? Người đàn ông nào cũng vậy đó, về đến nhà là thích thấy vợ mình lảng vảng trong nhà, nên là tự dưng mình cũng thích lảng vảng chờ lão ấy về.

Còn nhiều lắm, khổ lắm viết cả quyển tiểu thuyết cũng không hết được đâu. Nhưng tóm lại, tìm được một nửa của mình không dễ, nuôi giữ hạnh phúc đó càng không dễ chút nào. Nhất là thời đại này, khắp mọi nơi bạn đều chỉ thấy người ta phơi bày mặt đẹp đẽ, rực rỡ mà thôi. Sự tị hiềm, so sánh, nhìn của người lại thèm là của mình sẽ khiến bạn rất dễ chao đảo, dễ thất vọng và tự đánh mất những gì mình đang có.

Hạnh phúc của một tổ ấm không phải tự dưng mà có, nó là sự nhặt nhạnh, vun góp, xây đắp từng chút một không chỉ bằng tình yêu mà còn là sự nhường nhịn, nhẫn nại, tôn trọng với nửa còn lại.

Là sự hi sinh mà đôi lúc bạn thấy rất mờ mịt, rất bất công… nhưng bạn tin đi, bất cứ điều gì cũng sẽ gặt hái được thành quả, theo cách này hay cách khác, hình thức này hay hình thức khác, và trong cuộc sống vợ chồng cũng vậy, sự hi sinh hay chịu thiệt của bạn không bao giờ là thừa.

Nguồn: Gia đình Việt Nam