Dòng sự kiện:

Đằng sau sự ngang ngược của trẻ là nhu cầu được tôn trọng

Theo PNO
19:30 02/05/2017
Tôi có hai đứa con. Cháu gái ngoan hiền, dễ chịu, biết lắng nghe những góp ý của mẹ. Ngược lại, cậu em trai vô cùng khó bảo.

Một ngày không biết bao nhiêu bận con trai tôi sửng cồ hoặc lèm bèm, giận dữ.

Đôi khi tôi có cảm giác không bao giờ là đủ với cậu con mình. Lúc nào bé cũng so đo tính toán với chị. Tại sao chị được mua hai cuốn mà con chỉ được mua một (dù mẹ đã giải thích mẹ cho tiền mua sách bằng nhau). Cậu so đo tại sao mẹ mua cái này cái kia cho chị, mà không mua cho con (trong khi mẹ mua kẹp tóc hay bông tai cho chị thì làm sao có cái gì đó tương đương cho bé).Sáng đi ăn sáng món gì tôi cũng phát mệt với con, vì bé luôn luôn chọn ăn cái gì đó rất ngược ngạo, không thể ăn chung với cả nhà. Ví dụ cả nhà đi ăn phở, bé đòi ăn xôi. Nhà ăn xôi, bé sẽ đòi ăn cháo. Cả nhà muốn đi coi phim, bé đòi đi nhà sách. Hôm khác, cả nhà muốn đi nhà sách bé ấy lại đòi… đi bơi.

Tôi thấy mình giải thích khá rành mạch và dễ hiểu, nhưng bé vẫn phản ứng theo đủ cách khác nhau, cho đến khi tôi mất kiên nhẫn và quát lên, hoặc mặc kệ hoặc bỏ đi. Có lần tôi còn tét mông con một trận. 

Nói chung, thật khó có một cuộc đối thoại với con trai tôi để tìm kiếm sự cảm thông và hòa bình. Có phải tôi là bà mẹ không biết cư xử, hay cậu bé nhà tôi không biết lắng nghe hay còn gì nữa, xin hãy giải thích giùm tôi.

 Cảm ơn chị rất nhiều.

Thu Hiên 
(Q.Tân Phú, TP.HCM )

Chị Thu Hiên mến,

Con trai và con gái chị khác biệt, âu cũng là lẽ tự nhiên, vì không ai trên đời này giống tính nết ai hoàn toàn. Chị dễ dàng trong việc nuôi dạy con gái vì mẹ con biết lắng nghe và hiểu ý nhau. Với con trai, chị có khó khăn hơn, có lẽ phần nhiều vì chưa hiểu nhau, mẹ chưa hiểu con và con chưa hiểu mẹ. 

Biểu hiện của cháu cho thấy cháu đang bức bối, cố tình làm ngược với mọi người để gây chú ý, gây ảnh hưởng. Có khi nào cha mẹ so sánh cháu với chị cháu, để cháu thấy cháu thua kém chị nên cháu muốn tỵ nạnh, so bì?Khi cháu yêu cầu mọi thứ ngược lại với sinh hoạt chung của cả nhà, không biết chị có chiều theo ý cháu không ạ? Khi một đứa trẻ đòi hỏi ngang ngược, có thể có lý do từ việc từng được chiều chuộng bởi ai đó trong nhà, hay cháu đang cần được mọi người hiểu một nhu cầu nào đó của mình mà chưa được đáp ứng.

Có thể nhu cầu tâm lý ẩn đằng sau biểu hiện ngang ngược của cháu là nhu cầu được tôn trọng, muốn cha mẹ chấp nhận cá tính của cháu, cháu không muốn bị so sánh với người chị “hoàn hảo” luôn biết nghe lời cha mẹ, chị khiến cha mẹ hài lòng?

Anh chị có thể nhìn lại quá trình nuôi dạy hai cháu và kiểm tra xem mình đã đối xử công bằng và tôn trọng cá tính riêng của từng cháu hay chưa? Anh chị có khi nào quá chiều và cũng quá nghiêm khắc với con trai không? Thường chiều quá sẽ hóa hư và cha mẹ lại mất kiên nhẫn khi con hư mà thành nghiêm khắc quá tùy từng lúc. Anh chị có thường xuyên khen ngợi những việc làm tốt của con không?

Có lẽ cháu cần anh chị lắng nghe xem nhu cầu tâm lý thực sự của cháu. Rất mong anh chị lắng nghe cháu thực sự bằng con mắt yêu thương vô điều kiện, không mong cháu giống chị cháu hay giống khuôn mẫu bố mẹ đặt ra, tôn trọng cá tính của cháu nhưng đồng thời cũng cần có khung giới hạn cho các hành vi của cháu để cháu biết mình có thể làm gì và không được làm gì. 

Ví dụ chuyện cả nhà đã quyết định cùng nhau đi xem phim thì con cần biết chia sẻ những phút giây chung cùng gia đình. Con muốn đến nhà sách thì phải để dịp khác cả nhà sẽ cùng đi nhà sách.

Vì sống cùng gia đình cần quan tâm đến nhau chứ không được ích kỷ chỉ biết nghĩ cho cá nhân. Khi cháu có biểu hiện xấu vì không được thỏa mãn đòi hỏi, anh chị có thể đặt ra những câu hỏi cho cháu trả lời để cháu tự nhận ra sự vô lý của mình, sau đó có thể gửi cháu cho ai đó trông nom và cả nhà vẫn đi xem phim bình thường.

Khi trẻ dằn dỗi, cha mẹ có thể lờ đi và tiếp tục việc cần làm, khi cháu nguôi cảm xúc tiêu cực, anh chị sẽ phân tích đúng sai cho cháu hiểu. 

Trẻ sẽ dễ bảo hơn khi được lắng nghe và tôn trọng. Mong anh chị sẽ sớm thiết lập lại quan hệ hòa bình với cháu, làm bạn cùng cháu để cháu vui vẻ hợp tác, chị nhé!

Chuyên viên tâm lý Phạm Thị Thúy

Nguồn: Gia đình Việt Nam