Dòng sự kiện:

Danh ca Khánh Ly thừa nhận về già rất sợ con

07:30 31/08/2017
Khánh Ly cho hay bà đang sống với cô con gái út độc thân, năm nay 40 tuổi. Bốn người con của bà có những lúc không đáp ứng được nhu cầu tình cảm của mẹ như hỏi han, săn sóc nhưng bà không buồn...

Khánh Ly vừa có chuyến bay về Việt Nam để chuẩn bị cho liveshow xuyên Việt “Khánh Ly: 55 năm hát tình ca”. Trước khi cất tiếng hát để tri ân khán giả, bà đã có cuộc trò chuyện thân mật chia sẻ những chìm nổi trong cuộc đời mình.

- Ở tuổi 72 mà còn hát, lại còn hát tình ca, liệu có hợp không thưa bà?

- Cách đây 3-4 năm, khi tôi quay trở về Việt Nam biểu diễn, có người còn nói “ôi bà già này nói còn thều thào, hơi đâu mà hát”. Tôi nghe mà biết vậy thôi, vì người già có cái hay của người già. Người trẻ có cái hay của người trẻ. Cũng như người thấp có cái đẹp của người thấp, người cao có cái đẹp của người cao. Nếu đi so sánh như vậy, không công bằng.

Khánh Ly năm nay đã bước sang tuổi 72

Ở tuổi 72, sức khỏe của tôi ngày một yếu đi. Tôi luôn sợ một ngày nào đó không còn hát được nữa, nhưng tôi vẫn đam mê với nghề, chỉ còn một khán giả ngồi nghe là tôi vẫn còn hát, tôi muốn hát cho đến lúc không thể cất giọng được nữa thì thôi. Nói thật lòng, hiện tại những gì còn lại đối với tôi ngoài con cái, công việc từ thiện thì chỉ còn giọng hát.

- Đứng trên sân khấu từ năm 16 tuổi đến giờ. Hát, với bà thực sự là định mệnh không thể thay đổi được?

- 16 tuổi tôi đã đi hát. Ở cả những nơi người ta không cho mình hát, tôi cũng cứ leo lên để hát. Trước hết, tôi hát cho chính tôi. Tôi hát vì tôi thích và yêu những bài hát đó. Trước khi gặp ông Trịnh Công Sơn thì tôi đã hát nhạc Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Văn Cao…

Khánh Ly bắt đầu đi hát từ năm 16 tuổi

Sau này tôi gặp Trịnh Công Sơn, ông rủ tôi từ Đà Lạt về Sài Gòn hát. Ban đầu, tôi nghĩ Sài Gòn không phải chỗ của mình vì nó ồn ào, chen chúc nên nói không đi. Nhưng như là định mệnh, tôi lại bỏ Đà Lạt về Sài Gòn sau 5 năm sinh sống.

Khi vào Sài Gòn, từ năm 1964 tới 1967, tôi không biết ông Sơn ở đâu cả. Ông Sơn cũng không liên lạc với tôi. Tình cờ, chúng tôi gặp lại nhau trên đường phố. Ông cũng chỉ hỏi tôi rằng có rảnh không, tối nay, tối mai đi hát. Tôi đồng ý và khi đến nơi diễn, dù chỉ thấy một bãi đất hoang cỏ dại mọc tùm lum, không có chỗ nào để cho người ta ngồi nghe nhạc, không có chỗ dựng sân khấu thì tôi vẫn nhận lời hát với ông ấy. Tôi không tưởng tượng được rằng ở Sài Gòn lại có một nơi đông người tới xem như thế mà không có một cái ghế nào. Tất cả mọi người, già trẻ, lớn bé đều ngồi dưới đất hết. Tôi hát rất vô tư, đứng chân đất để hát, vì nếu đi giày chênh vênh, tôi không hát được.

Sau đêm hát định mệnh đó, một tờ báo viết về bài tôi, đăng ở trang nhất. Và cũng từ đó, cả Sài Gòn biết, có một ca sĩ là Khánh Ly và một nhạc sĩ là ông Trịnh Công Sơn.

- Và trong “55 hát tình ca” của mình, Khánh Ly sẽ chỉ hát nhạc Trịnh Công Sơn?

- Nếu chỉ hát nhạc Trịnh thì hóa ra là tôi phụ lòng những nhạc sĩ khác. Vì trước khi gặp ông Trịnh Công Sơn thì tôi đã hát nhạc của nhiều nhạc sĩ khác. 55 hát tình ca của tôi là cả những hoài niệm về nơi chôn rau cắt rốn Hà Nội xưa qua nhạc phẩm của Nguyễn Văn Khánh, Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Từ Linh, Đặng Thế Phong, Phạm Duy…là "đời viễn xứ" với các ca khúc nói về cuộc đời lang bạt trên đất khách. Tất nhiên phần quan trọng nhất những ca khúc Trịnh Công Sơn đã gắn liền với Khánh Ly suốt nhiều năm qua.

- Khánh Ly đam mê âm nhạc thì ai cũng biết, nhưng với mỗi người, con cái luôn là những gì quan trọng nhất, phải vậy không ạ?

- Tôi có bốn con và hiện đang sống với con gái út độc thân, năm nay 40 tuổi. Tôi là người nghe lời chồng và "sợ" con. Trong đời sống riêng, tôi nuông chiều con hết mực. Mỗi khi con đưa bạn tới nhà chơi, tôi đều ngồi tỉ mẩn cắt từng miếng chanh, miếng ớt để đưa vào bát từng người, nhiều khi còn đun nồi cá kho ba ngày cho thật ngon để khách của con tới mang ra mời.

Khánh Ly bên con gái

Từ nhỏ, tôi ít khi nhận được sự quan tâm của mẹ nên không muốn con cái phải chịu sự thiệt thòi tương tự. Nhiều lúc tôi chỉ mơ ước có được một vòng tay, một ánh mắt, nụ cười hay lời nói dịu dàng, ấm áp từ đấng sinh thành.

Vì thế tôi không cần các con tặng hoa, quà trong mỗi dịp lễ Tết, đôi khi chỉ cần một cuộc gọi, một lời hỏi thăm nhớ đến mẹ cũng đã thấy mãn nguyện.

Tất nhiên có những lúc chúng không đáp ứng được nhu cầu tình cảm của mẹ nhưng tôi không buồn. Tại sao tôi phải buồn? Con cái không làm vậy bởi người mẹ không chứng minh đủ để khiến cho chúng yêu. Đó là lỗi của tôi. Nếu còn buồn vì chuyện đó, tôi sẽ tự mình ôm cái khổ.

Tôi quan niệm một đứa trẻ được sinh ra không phải do nó được lựa chọn mà là do cha mẹ, lựa chọn đó có thể là hạnh phúc hoặc lầm lỡ. Do đó, người sinh thành có bổn phận với con cái chứ không có chuyện ngược lại.

Yến Anh

Nguồn: Gia đình Việt Nam