Dòng sự kiện:

“Đau đầu” khi trẻ học mẫu giáo hát bài “em của ngày hôm qua”

18:30 14/07/2015
Việc trẻ hát những ca khúc của người lớn không thể nói là sẽ ảnh hưởng xấu, nhưng chắc chắn khi nghe và hát những bài hát đó lâu, những ca từ uỷ mị, yêu đương day dứt sẽ khơi gợi, ăn sâu vào tâm trí khiến trẻ có suy nghĩ lớn hơn tuổi.

 

 

 

Thất vọng về trẻ em bây giờ

Mặc dù con tôi mới học lớp mẫu giáo lớn nhưng chỉ thích hát "em của ngày hôm qua ú u..." và rất nhiều những bài người lớn khác.

Lúc đầu thì cả nhà thấy hào hứng, ủng hộ lắm. Ai cũng khen sao trẻ con giờ thông minh, nhớ tốt thế. Cái giọng ngọng líu ngọng lô vừa hát vừa nhảy mới đáng yêu làm sao. Nhớ nhất là "trào lưu" nhảy ngựa "ộp pà cang nam sài", có khi cả nhà tôi phải xếp hàng nhảy nhót cùng con. Quay sang hàng xóm cũng một cảnh y như vậy. Vui thì vui thật, nhưng có một sự thật là con tôi chẳng còn hào hứng gì với những bài hát trẻ con được học ở lớp cả.

Tôi thật thất vọng về trẻ em bây giờ. Con trai tôi mới học lớp 4, nhưng cháu hầu như không thích và không thuộc những bài hát trẻ em, mà say mê hát những bài hát của người lớn, thậm chí cháu còn thích thú với những bài hát nhạc chế. Chị Đào( Thanh Xuân-Hà Nội) chia sẻ.

Nếu như cách đây khoảng chục năm, tuổi thơ của đứa trẻ nào cũng gắn liền những đĩa nhạc của Xuân Mai, Xuân Nghi,... thì giờ đây, có lẽ những bài hát đó chỉ phù hợp với bọn trẻ chưa đi học mẫu giáo. Nhiều lần tôi cố tình mở ra nhưng con cũng chẳng thèm xem. Anh Thắng- Mai Dịch Hà Nội thở dài chia sẻ.

Đừng vội trách con trẻ

Trong nhiều vấn đề của trẻ em hiện nay, lỗi là ở người lớn, nói cách khác là tại gia đình, nhà trường, xã hội, trong đó có các phương tiện truyền thông đại chúng. Chúng ta hãy trả lời câu hỏi “tại sao trẻ em thích hát bài hát không phù hợp với lứa tuổi?”. Trước tiên là vì các nhạc sĩ sáng tác nhiều bài hát người lớn, được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Các bài hát “người lớn” ấy thường có giai điệu  điệu, tiết tấu trẻ trung, khi biểu diễn được phối kết hợp với những vũ đạo, trang phục đẹp mắt.

Ngược lại, những bài hát viết cho trẻ em quá ít so với những bài hát dành cho thanh niên. Chủ đề các bài hát trẻ con cũng nhàm chán, quay đi lại “Mẹ của em ở trường, là cô giáo mến thương”, “Mồng tám tháng ba, em ra thăm vườn, chọn một bông hoa”, “Bà ơi bà, cháu yêu bà lắm…”.

Đã vậy, các bài này cũng ít được biểu diễn trên sân khấu lớn, trong các chương trình giải trí. Trong các giờ dạy hát nhạc ở trường, các cô giáo không chăm chú đến dạy hát và bồi dưỡng tình yêu âm nhạc, mỗi tiết học được xé lẻ, dạy nhiều nội dung khác nhau. Nào là xướng âm, học đánh nhịp phách, học lai lịch bài hát, học tiểu sử tác giả, cuối cùng, các cháu không thuộc bài hát nào trọn vẹn. Đó là chưa kể, người lớn cứ tưởng mấy bài hát có chữ em, chữ cháu, chữ cô giáo… là những bài hát phù hợp với trẻ em.

Thiết nghĩ, đó là xu hướng hiển nhiên của thời đại, khi mà nhu cầu tinh thần của trẻ con thì lớn mà công tác giáo dục truyền thông thì chưa đáp ứng được.

Việc trẻ hát những ca khúc không phù hợp với lứa tuổi cũng không thể nói là sẽ ảnh hưởng xấu, nhưng chắc chắn khi nghe và hát những bài hát đó lâu, những ca từ uỷ mị, yêu đương day dứt sẽ khơi gợi, ăn sâu vào tâm trí khiến trẻ có suy nghĩ lớn hơn tuổi. Chúng ta không nên hưởng ứng, cổ vũ chiều theo ý thích không phù hợp của trẻ, mà cần quan tâm phát triển những điều phù hợp với độ tuổi của trẻ hơn.

Hãy giúp con trở về tuổi thơ bằng những bài hát đúng lứa tuổi

Từ khi lọt lòng trẻ đã được gắn bó với âm nhạc qua lời ru câu hát của mẹ, của bà. Không phải tự nhiên mà những lời ru đó trở thành một nét văn hoá đặc trưng của người Việt, mà ẩn chứa trong đó là sự giáo dục về lòng hiếu thảo, sự yêu thương, chung thuỷ: "Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra", có lẽ bà mẹ nào cũng thuộc những câu hát chứa chan tình cảm này.

Thế mà, khi con lọt lòng ta đã ý thức được việc giáo dục cho con, nhưng dần dần khi con tiếp thu được, noi theo được ta lại quên mất rằng, làm gương cho con là yếu tố hàng đầu trong giáo dục. Chính chúng ta - những ông bố bà mẹ là người khiến trẻ tiếp xúc với những văn hoá không phù hợp đó. Việc khen ngợi, hưởng ứng làm trẻ tưởng đó là hay và sẽ càng phát huy. Vì thế, tạm gác lại sở thích của cha của mẹ đi, hãy thay bằng việc cùng con trở về tuổi thơ với những bài ca, lời hát đúng độ tuổi của bé. Ngoài việc cần kết hợp với nhà trường để có những phương pháp giáo dục phù hợp, thì trong gia đình bố mẹ hãy cùng con cái xây dựng cuộc sống lành mạnh.

Nếu các cháu hát ở nhà, bố mẹ chỉ có thể bày tỏ sự không thích của mình, ví dụ: “mẹ không thích con hát bài này”. Ở trường, các thầy cô giáo quy định “không hát những bài hát này” trong trường. Biết lắng nghe trẻ em tâm sự tại sao chúng thích những bài hát bị coi là “không phù hợp với lứa tuổi”, để rồi nhận ra trách nhiệm của mình, để rồi bắt tay vào cùng nhau chỉnh sửa những điều chưa phù hợp.

Không phải tự nhiên người ta nói "nhà có trẻ em ai cũng thành trẻ con". Hãy cùng bé đọc thơ và hát những bài dành riêng cho độ tuổi của bé để con cảm nhận những gì hồn nhiên, vui tươi và trong sáng nhất. Hãy hạn chế cho bé xem quá nhiều chương trình ca nhạc dành cho người lớn, cũng không nên cổ vũ trẻ hát những bài hát không phù hợp nữa.

Chúng ta cần tạo điều kiện để con mình phát triển theo đúng tự nhiên thay vì tác động để "trái xanh bị chín ép". Hãy để con hiểu về "tình yêu" là yêu ông, yêu bà, yêu cha mẹ, anh em và yêu thương vạn vật, chứ không phải là tình yêu đôi lứa.

Đức An (Tổng hợp)/ĐSPL