Dòng sự kiện:

Dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm cho thai nhi mẹ bầu không được bỏ qua

17:10 20/07/2015
Khi mang thai, các cơn đau xuất hiện ở cơ thể mẹ. Nhiều bà mẹ chỉ nghĩ đây là một hiện tượng bình thường. Nhưng sự thật nguy hiểm hơn vậy, đây là dấu hiệu cảnh báo một căn bệnh gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

 

 


1. Thai nhi ít chuyển động hoặc ít đạp hơn bình thường (tính từ khi thai biết chuyển động đều đặn)

Thông thường, từ tuần thứ 18, thai nhi bắt đầu phát triển ổn định, mỗi ngày vào buổi sáng, trưa, tối đều vận động trong khoảng 1 giờ đồng hồ. Thai đạp từ 3 lần trở lên trong một giờ đồng hồ hoặc 30 lần trong 12 giờ đồng hồ chứng tỏ thai nhi có sức khỏe tốt. Nếu chưa đạt được con số này, có thể thai nhi đang bị thiếu oxy, trong trường hợp thai chỉ đạp ít hơn 10 lần trong 12 giờ đồng hồ thì nguy cơ này là rất cao. Người mẹ cần đến bệnh viện ngay lập tức.

Bạn nên hỏi ý kiến chuyên gia khi muốn giám sát hoạt động của thai nhi bằng việc đếm số lần chuyển động của thai hàng ngày. Họ sẽ hướng dẫn cụ thể cho bạn cách đếm và thời gian đếm.

2. Đau bụng dữ dội và dai dẳng


Có thể nói, đau bụng âm ỉ trong một vài thời điểm là hiện tượng bình thường khi mang thai. Nhưng nếu bụng đau đột ngột và co cứng thì bạn cần hết sức cẩn thận. Trong giai đoạn đầu của thai kỳ, đau bụng dữ dội đi kèm với chảy máu âm đạo là triệu chứng cảnh báo nguy cơ sảy thai và chửa ngoài tử cung.Nếu mang thai ngoài tử cung, người mẹ sẽ có cảm giác bụng đau như xé. Nếu có nguy cơ sảy thai, người mẹ có cảm giác “hụt” ở bụng tương đối rõ ràng mà không thấy bụng đau nhiều. Gặp các triệu chứng trên, mẹ bầu nên lập tức đến bệnh viện để bác sĩ có phương pháp điều trị kịp thời. 

3. Xuất huyết âm đạo hoặc xuất hiện các vết đốm ở âm đạo

Thai phụ bị ra máu nặng, đi kèm với những cơn đau vùng lưng, bụng thì nguy cơ sảy thai càng lớn. Chảy máu trong khoảng thời gian cuối thai kỳ thì có thể cảnh báo nguy cơ rau bong non hoặc là dấu hiệu của chuyển dạ nếu thai đủ hoặc gần đủ tháng.

4. Tăng dịch tiết âm đạo hoặc dịch có những dấu hiệu bất thường như dịch loãng, nhớt hoặc có máu

Lưu ý rằng: Sau tuần thứ 37, lượng dịch nhầy gia tăng là dấu hiệu bình thường.

5. Đau vùng chậu

Đau vùng chậu (khiến bạn có cảm giác thai nhi đang đẩy xuống), đau lưng dưới, đau bụng, hoặc bị co thắt hơn 4 lần trong một giờ (ngay cả khi cơn co không làm bạn đau) trước tuần thứ 37.


6. Đau buốt khi đi tiểu, tiểu ít hoặc không buồn tiểu

7. Nôn nhiều và kéo dài, nôn kèm theo các cơn đau hoặc sốt

8. Ớn lạnh hoặc sốt trên 38 độ

9. Rối loạn thị giác như nhìn một thành hai, nhìn nhòe và mờ hoặc có đốm sáng ở mắt

10. Đau đầu nặng và kéo dài hoặc đau đầu kèm theo các dấu hiệu như mờ mắt, nói lắp

11. Sưng mặt hoặc sưng bọng mắt, phù nề chân tay nặng bất thường, tăng cân nhanh không thể kiểm soát (tăng gần 2kg trong một tuần). 

12. Bị chuột rút hoặc đau bắp chân dai dẳng làm bạn cảm thấy khó chịu mỗi khi duỗi chân và trỏ ngón chân về phía mũi hoặc khi đang đi bộ hoặc khi một chân bị sưng to hơn bất thường.

13. Chấn thương vùng bụng (do ngã hoặc tai nạn xe hơi). Điều này đặc biệt nguy hiểm với mẹ bầu. Cần đưa phụ nữ mang thai đi đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để khám và kiểm tra.


14. Ngất xỉu, hay chóng mặt, tim đập nhanh và huyết áp tăng.

15. Khó thở, ho ra máu, đau ngực.

16. Táo bón kèm theo đau bụng hoặc tiêu chảy kéo dài hơn một ngày.

17. Ngứa dai dẳng phần thân, cánh tay, chân, lòng bàn tay, lòng bàn chân hoặc ngứa toàn thân.

18. Nhiễm cúm hoặc có các triệu chứng bị cúm. Cả cúm thông thường và (cúm heo) H1N1 rất nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai. Vì vậy, hãy báo cho bác sĩ ngay nếu bạn có tiếp xúc với người bị cúm hoặc nếu có bất kỳ triệu chứng nào của cúm như sốt, đau họng, ho, chảy nước mũi, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau nhức cơ thể, cảm lạnh và có khi cả nôn mửa và tiêu chảy.

19. Bị thủy đậu hoặc sởi Đức khi không có khả năng miễn dịch tốt hay khi đã có dấu hiệu nhiễm bệnh. 

20. Trầm cảm và lo lắng quá mức. Nếu bạn cảm thấy buồn hay vô vọng, thậm chí là hoảng loạn và không thể giải quyết nổi những vấn đề thường ngày hoặc có ý nghĩ làm đau chính mình thì hãy tìm đến sự trợ giúp của các chuyên gia ngay lập tức.

Cơ thể của phụ nữ mang thai thay đổi rất nhanh vì thế khó có thể biết được những sự thay đổi mà các mẹ đang trải qua là bình thường hay không. Nếu bạn không chắc chắn về các triệu chứng đó hay cảm thấy khang khác, không thoải mái thì hãy gọi ngay cho bác sĩ. 

 NHƯ Ý (Tổng hơp)

Theo Người đưa tin