Dòng sự kiện:

Dạy con cách đáp trả khi bạn bè gây xung đột

Theo TTGD
10:15 01/04/2017
Sẽ có nhiều xung đột giữa bé và bạn bè, bạn sẽ hướng dẫn con cách giải quyết các xung đột này như thế nào để thật sự tốt cho con?

Bé Gia Minh, hơn 4 tuổi, đi học về với ba vết móng tay hằn sâu trên má vẫn còn rướm máu. Ông bà nội xót xa bảo mẹ của bé: “Đưa số điện thoại của cô giáo cho mẹ. Mẹ phải mắng cho các cô ấy một trận. Một lớp học có tới ba cô, làm gì mà để tụi trẻ cào cấu gây xung đột nhau thế này? Vết sẹo cũ còn trên má, nay lại thêm ba vết, nhìn sao được. Nếu không trông được thì xin chuyển lớp khác, trường khác cho thằng bé đi”.

Cơ hội khi có bạn gây xung đột

Trong trường hợp này, bạn có đến trách cô, xin chuyển lớp cũng không giải quyết cội nguồn vấn đề. Phía sau ba vết cào đó là xung đột giữa ít nhất hai đứa trẻ và bạn hãy xem đây là lúc giúp con thực hành các kỹ năng giải quyết bất đồng.

Trong sinh hoạt ở lớp, bé sẽ có mối quan hệ với các bạn khác và việc tiếp xúc với những hành vi, lý lẽ, ý muốn đối lập với bé là điều không tránh khỏi. Ngoài ra, trẻ ở tuổi mẫu giáo (3–5 tuổi) sẽ có cảm giác “Tôi lớn rồi” và thích giành quyền kiểm soát đối với các bạn khác, từ chỗ ngồi, chỗ ngủ, đồ chơi, cách chơi. Đó là lý do gây xung đột, bất đồng và các con đẩy, đá, cào, cắn, cấu để giành chiến thắng.

Vì vậy, tốt nhất là bạn nên dạy cho con cách giải quyết mâu thuẫn để bé có thể dàn xếp êm đẹp những rắc rối, không phải hứng chịu những vết cào, cấu, cắn xé từ bạn khác. Đây cũng là kỹ năng quan trọng mà trẻ sử dụng suốt đời. Khi có kỹ năng này, bé cũng nhạy cảm hơn với các nhu cầu và cảm xúc của người khác, biết cách giao tiếp, lắng nghe, thương lượng tốt với các kiểu người có tính cách khác nhau. Quá trình này cũng khuyến khích con suy nghĩ để tìm ra cách giải quyết tích cực, đó chính là bảo bối để trẻ tự tin trong cuộc sống.

Giúp con tìm giải pháp đúng

Đứng trước tình trạng bạn bè gây xung đột, tổn thương cho con, một số phụ huynh trách cô giáo và đòi chuyển lớp cho con. Đây không phải là giải pháp hữu hiệu vì dù bạn có chuyển hết lớp này đến lớp kia, bé rồi cũng sẽ gặp phải xung đột với các bạn mới ở môi trường mới.

Có phụ huynh dẫn con đến trách mắng phụ huynh của bé đã gây xung đột, tổn thương cho con mình, nhưng cách xử lý này càng không đúng. Trong xung đột, trẻ ở tuổi này chỉ quan tâm đến những gì mình muốn mà chưa suy nghĩ sâu xa rằng hành vi của mình gây tổn thương thế nào cho bạn. Do vậy, dằn mặt bất cứ ai không giúp chấm dứt xung đột trong tương lai. Thêm vào đó, nếu xử lý hung hăng với cô hoặc gia đình bạn của con, bạn lại vô tình làm gương xấu cho con, dễ khiến con trở nên hung hăng, bạo lực khi giải quyết các mâu thuẫn sau đó.

Thay vì thế, bạn hãy cùng con bình tĩnh nhìn lại xung đột đó và dạy con rút kinh nghiệm để biết cách xử lý đúng đắn các xung đột tiếp theo.

Ở lớp, các cô giáo thường chỉ có thời gian tách hai trẻ ra, không để mâu thuẫn tiếp diễn. Bạn cần giúp bé hiểu được chuyện gì đã xảy ra, mình và bạn làm việc đó có đúng chưa, lần sau gặp phải vấn đề đó, mình cần giải quyết như thế nào? Với trường hợp bé Gia Minh, mẹ của bé đã có cách xử lý bình tĩnh và thông minh. Chị cho biết: “Tôi chơi với con, để bé thật thoải mái rồi nhẹ nhàng hỏi chuyện con:

– Con yêu này, bạn nào cào má con vậy?
– Bạn Tài đó.
– Ồ, nhưng sao bạn Tài lại cào con?
– Vì con đấm vào bụng bạn Tài.
– Thế sao con lại đấm bạn Tài?
– Vì bạn Tài đánh bạn Minh Quân.
Tôi đã hiểu, xung đột cũng có lỗi của con tôi. Cuộc hội thoại lại tiếp tục:
– À mẹ hiểu rồi, con biết bảo vệ bạn là việc làm tốt. Nhưng con đánh bạn Tài, làm bạn Tài đau, vậy con nghĩ mình có tốt không?
– Dạ tốt.
– Sao lại tốt được nhỉ?
– Vì bạn Tài hư, phải đánh bạn Tài.
– Con đánh bạn Tài, bạn bị đau nên bắt chước đánh lại con. Cả con và bạn Tài đều đau, vậy có tốt không?
– (Suy nghĩ ít giây) Dạ không.
– Vậy lần sau nếu bạn Tài đánh Minh Quân, con có nên đánh lại bạn Tài không?
– Dạ không.
– Vậy con sẽ hành động thế nào để bảo vệ bạn Quân?
– Con không biết.
– Theo mẹ, con nên gọi cô để cô giải quyết. Cả con và Tài đều không bị đau, Minh Quân cũng được bảo vệ. Con nghĩ có đúng không?
– Dạ đúng.
– Lần sau, các bạn đánh nhau, con sẽ làm gì?
– Dạ, con chạy đi gọi cô giáo!

Cuộc hội thoại giữa mẹ và bé Gia Minh đơn giản nhưng đáp ứng được các bước hướng dẫn trẻ xử lý xung đột

♣ Bước 1: Trấn an trẻ, đồng cảm với cảm xúc khó chịu và nỗi đau thể xác trẻ đang gặp phải. Điều này giúp bé bình tĩnh để nhìn nhận lại xung đột và dễ dàng tiếp thu hướng dẫn của mẹ.

♣ Bước 2: Tìm hiểu thông tin quanh cuộc xung đột bằng các câu hỏi thật đơn giản, không kết tội, đổ tội cho bất cứ bên nào. Đây là lúc trẻ kể lại câu chuyện, bày tỏ nguyên nhân và cả quan điểm rất ngây thơ của mình đối với cuộc xung đột.

♣ Bước 3: Phân tích đúng, sai của hai bên một cách công bằng dựa trên thông tin trẻ kể.

♣ Bước 4: Đưa ra giải pháp hướng dẫn giải quyết xung đột.

♣ Bước 5: Lặp đi lặp lại cách giải quyết xung đột đúng. Trẻ em cần lặp đi lặp lại để ghi nhớ tốt hơn.

Đây là 5 bước cơ bản giúp bạn có thể tìm hiểu rõ hơn về các cuộc xung đột xảy ra với con và từ đó có hướng dẫn phù hợp cho con theo từng tình huống.

Nguồn: Gia đình Việt Nam