Dòng sự kiện:

Dạy con đọc truyện cổ tích VN trước khi là “công dân thế giới”

14:00 28/06/2016
ĐỌC SÁCH CÙNG CON - Bộ sách “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” của tác giả Nguyễn Đổng Chi gồm 5 tập, các bậc cha mẹ nên cho con đọc để thấy cổ tích Việt Nam phong phú và thú vị đến nhường nào; vai trò của truyện cổ tích trong quá trình lớn lên về nhân cách, tinh thần, lối sống của trẻ.

 

 

 

Trong “thời đại quả táo” hiện nay, có không ít những kẻ cả, những hoài nghi thế này:

- Đã là thời đại nào rồi mà còn đọc truyện cổ tích nữa!

- Liệu truyện cổ tích có cần cho trẻ con nữa không? Có ích gì cho trẻ không?

- Trẻ con rất giỏi trong sử dụng các thiết bị thông minh, chắc gì chúng còn hứng thú với truyện cổ tích?

- Có phương pháp nào để lôi cuốn, tạo động lực, hứng thú cho trẻ đến với truyện cổ tích của dân tộc nhiều hơn?

Kho tàng truyện cổ tích Việt nam

Xin gửi đến các ông bố bà mẹ bài giới thiệu bộ sách “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” của TS Nguyễn Thuỵ Anh, Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con để cùng thấy kho tàng cổ tích của dân tộc ta phong phú và thú vị đến nhường nào cũng như vị trí, vai trò của truyện cổ tích trong quá trình lớn lên về nhân cách, tinh thần, lối sống của trẻ.

“Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” gồm 5 tập (Nguyễn Đổng Chi, NXB Trẻ, 2015, tái bản lần thứ 11), người ta có thể ngạc nhiên vì trong thế giới sách ngày càng phong phú này, bộ sách vẫn có nhiều độc giả tìm mua, dù không nổi bật bởi vẻ mới mẻ hào nhoáng hay hình thức trình bày phá cách, thú vị. Nội dung, vẫn là những câu chuyện cổ tích do tác giả Nguyễn Đổng Chi sưu tầm, kể lại mà nhiều thế hệ độc giả đã được làm quen, đã lớn lên cùng chúng. Thế nhưng, nếu tỉ mẩn đọc kỹ thì thấy có điều ngạc nhiên khác, rằng hình như, tuổi ấu thơ của mình đã quá ngắn ngủi để không kịp đọc hết những tích truyện được in trong cuốn sách, những sáng tác dân gian mang đậm phong vị từng miền đất, con người Việt Nam, cho ta lý giải khá nhiều hiện tượng xã hội, phong tục tập quán, nếp nghĩ nếp sống đến những kinh nghiệm lao động tích lũy được, những ước mơ, mong mỏi của bà con về cuộc sống tinh thần, vật chất đầy đủ, êm ấm, công bằng hơn.

Tôi còn nhớ, ngày nhỏ, khi đọc Nguyễn Đổng Chi với những “khảo dị” thú vị ông ghi lại được, tôi thấy mình như đứa trẻ được dẫn dắt để cứ đi mãi đi mãi theo một người ông trên đường quê, có nhiều lối rẽ khác nhau, với mỗi lối rẽ là một sự tích lạ, một cách giải thích khác, ngày một vui hơn, hoặc kỳ lạ hơn. Đứa trẻ nào chẳng thích sự kỳ lạ và những khám phá chứ!

Có lẽ, với mỗi người, mỗi lứa tuổi, mỗi vùng miền, phát hiện mới sẽ rất khác nhau – những sự tích được lưu truyền đã lâu ở các địa phương, được Nguyễn Đổng Chi kể lại rõ ràng, văn phong trong sáng, mẫu mực, nhiều chỗ dí dỏm, ý nhị khiến người đọc bật cười, như truyện “Chàng rể thong manh” của người Quảng Nam; câu chuyện về các chàng ngốc của người Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh – một motiv quen thuộc trong văn học dân gian các nước; hay lý do có câu “hai bảy mười ba” qua lời kể của người Quảng Nam; vì sao gọi Hổ là Ông ba mươi qua lời người Hà Tĩnh; chuyện chiếc áo tàng hình của Quan Triều của người Thái Nguyên; chuyện kiện tụng mang gà trống đi lấy may của người Cao Bằng; chuyện nàng Xuân Hương được mẹ nàng khen “làm đẹp lòng cha mẹ hơn cả con trai” của người xứ Bắc – một tư tưởng đột phá đối lập với “trọng nam khinh nữ” ngày xưa…

 Ngay kể cả những truyện cổ đã quen thuộc từ lâu như Quan Âm Thị Kính, Tấm Cám, Sự tích thằng Cuội cung trăng, Thánh Gióng, Lê Lợi, Chàng Lía, Yết Kiêu, Quận He, Sự tích động Từ Thức, một loạt sự tích về các địa danh nổi tiếng, cây trái, chim muông… thì việc lần giở lại chúng, đọc chúng trong một phương án kể lại đáng tin cậy của một học giả cả đời nghiên cứu văn học dân gian, cũng khiến chúng ta một lần nữa nghĩ đến những giá trị tinh thần quan trọng mà truyện cổ tích có thể đem lại cho thế hệ độc giả mới, đặt ra những câu hỏi:

Liệu truyện cổ tích Việt Nam có vị trí thế nào trong việc hình thành nhân cách, bộ giá trị tinh thần, lối sống của trẻ hiện đại?

Liệu độc giả nhỏ tuổi ngày nay có còn quan tâm đến những câu chuyện thế này không?

Có phương pháp nào đưa trẻ “thế hệ quả táo” tiếp cận với truyện cổ tích Việt Nam, làm phong phú thêm cách đọc và cách khai thác một câu chuyện khiến cho trẻ có hứng thú với việc đọc và có những thu hoạch riêng cho mình về ngôn ngữ và tư duy, tiếp thu những lấp lánh tinh hoa của di sản tinh thần dân tộc?

Những câu thơ câu hát dân gian, ca dao, tục ngữ, thành ngữ được lẩy thận trọng nhưng nhẹ nhõm giữa lời kể bình tĩnh, nhẩn nha của Nguyễn Đổng Chi là những kết luận thú vị cho người đọc.

Truyện cổ tích Việt Nam, thông qua “bộ lọc” của nhà sưu tầm, người kể chuyện, người nghệ sĩ Nguyễn Đổng Chi chắc chắn có thể là “học liệu” quan trọng, dễ hiểu đối với người đọc nhỏ tuổi và trẻ tuổi Việt Nam, để đến với hồn vía ngôn ngữ, văn hóa nước mình, trước khi trở thành một “công dân thế giới”.

TSGD Nguyễn Thụy Anh/Đọc sách cùng con