Dòng sự kiện:

Dạy con về chánh niệm qua bức tâm thư gửi con trai của Wong Li-lin

Bức thư gửi con trai Jonas của nữ diễn viên truyền hình nổi tiếng Li-lin Wong được chia sẻ thời gian gần đây chứa đựng nhiều bài học cuộc sống vô cùng quý báu nhưng thường bị lờ đi.

Cô thổ lộ trên Instagram: "Con yêu, khi nào con đi học về mẹ sẽ trao con bức thư này". Được biết, buổi sáng hôm đó cậu nhóc Jonas dỗi và không muốn nói chuyện hay hôn tạm biệt mẹ trước khi đến trường.

Và đây là những gì bà mẹ thông thái gửi gắm:

Bậc cha mẹ chúng ta nên tham khảo đôi điều kinh nghiệm để giúp con trẻ hiểu được vấn đề dễ dàng nhất, "Trong mỗi chúng ta đều có 6 "tên lưu manh" – mắt, tai, mũi, lưỡi, cơ thể và cảm xúc (tượng trưng cho những tác nhân khiến con hành động không lý trí). Những cá thể này không bao giờ tự dung hòa mà luôn đòi hỏi được "chiều chuộng" hơn".

Cô giải thích rằng, nếu bản ngã của con không vững vàng, con sẽ khó kiểm soát cảm xúc, dễ dẫn đến xao nhãng và có xu hướng bị chi phối bởi các tác nhân (tên lưu manh) này.

Li-lin đưa ra lời khuyên cho cậu quý tử, "Khi con đủ mạnh mẽ, rõ ràng rằng con sẽ chẳng cần quan tâm đến những "gã lưu manh". Khi chúng chạy sang phải, con vẫn là chính con. Khi chúng chạy sang trái, hiển nhiên con không khể là ai khác. Khi chúng chạy lòng vòng, vẫn chỉ là con mà thôi. Thậm chí con còn có thể bảo chúng, này mấy tên "lưu manh" đường này đi dễ hơn. Bản thân con hoàn toàn có thể chế ngự chúng".

Có thể bạn đã từng nghe rất nhiều lời khuyên về phương pháp cũng như nghệ thuật dạy con qua chánh niệm. Trên thực tế, tờ The Strait Time từng công bố rằng, có ít nhất 10 trường học tại Singapore có giới thiệu về phương pháp hít thở chánh niệm này.

Dạy con chánh niệm (mindfulness)

Chánh niệm là khả năng nắm giữ suy nghĩ, cảm xúc, cảm giác và biết những cảnh vật xung quanh ta trong mọi giây phút, mà không đánh giá xấu tốt, đúng sai. Đây thực chất là khả năng kiểm soát tâm trí khi ta dễ bị lung lạc cảm xúc. Nhiều nghiên cứu cũng chứng minh rằng giáo dục con trẻ về chánh niệm có thể cải thiện sức khỏe và thanh lọc tâm hồn chúng.

Nó có thể giúp trẻ tập trung tốt hơn, giảm stress. Những đứa trẻ này thường sẽ có khả năng phân tích và tổng hợp vấn đề trước khi hành động tốt, cũng như kích thích lòng trắc ẩn và cảm thông của bọn trẻ với mọi người.

Liệu có thể giáo dục về chánh niệm cho trẻ từ khi còn nhỏ? Chắc chắn là có thể. Như Wong Li-Lin đã đề cập, “bạn có thể kiểm soát những "tên lưu manh" thay vì chiều theo chúng” bằng một số cách đơn giản sau:

• Kĩ thuật nghe tiếng chuông: Cách đơn giản để thực hành chánh niệm cho trẻ chính là nâng cao thính lực của chúng. Rung chuông và yêu cầu bọn trẻ tập trung vào các thanh điệu. Khi ấy chúng sẽ im lặng lắng nghe và ra tín hiệu nếu không thể nghe thêm gì nữa.

• Xác định cảm xúc: Khuyến khích con chia sẻ về cảm xúc – liệu chúng có thấy vui, buồn hay giận dữ? Sau đó trò chuyện để tìm ra cách giúp chúng cảm thấy tốt hơn. Trẻ sẽ nhận ra rằng những cảm xúc ấy chỉ là những xúc cảm thông thường, mà mình hoàn toàn có thể kiểm soát.

• Thư giãn não bộ: Đây là một hình thức giảm bớt căng thẳng, đặc biệt khi tâm trí con trẻ đã quá tải với bài tập về nhà hay áp lực trước mỗi kì thi. Bạn nên khuyến khích chúng tập hít thở sâu và tĩnh tâm trong khoảng 3-5 phút, căng thẳng sẽ nhanh chóng tan biến. Đồng thời, bài tập này cũng hoàn toàn có ích đối với cha mẹ.

• Hít thở đều đặn: Hít thở đều đặn là cách luyện tập chánh niệm rất hiệu quả. Hãy yêu cầu bọn trẻ đếm nhịp thở trong một phút, nó sẽ giúp chúng cảm thấy thư giãn hơn trước khi đi ngủ.

• Đi dạo trong chánh niệm: Tĩnh tâm đi bộ cùng trẻ thật lâu. Dành chút thời gian tập trung cảm nhận các loại âm thanh như tiếng chim, côn trùng hay máy bay… Cảm nhận những hồi ức âm thanh đó mang lại cho chúng ta, đó có phải là những kỉ niệm hạnh phúc?

• Ăn trong chánh niệm: Lúc này, bạn sẽ có ý thức chọn những thực phẩm có lợi hơn, chú ý đến từng chi tiết, mùi vị mà không bị phân tâm bởi TV hay bất kì tác động bên ngoài khác.

• Tập trung vào cảm giác: Hướng dẫn con trẻ nhắm mắt, hít thở sâu và cảm nhận mùi thơm. Hoặc có thể yêu cầu nhắm mắt cảm nhận bức tranh bằng tay rồi mô tả lại. Lắc ngược lọ kim tuyến rồi quan sát chúng rơi lại xuống đáy. Những bài tập này sẽ giúp trẻ tập trung vào giác quan, trải nghiệm những cảm giác mới lạ.

• Biết ơn, yêu thương và tôn trọng: cuối cùng, một khía cạnh cơ bản khác của chánh niệm chính là giáo dục trẻ về lòng biết ơn đối với tất cả những gì mình có, về lòng trắc ẩn, yêu thương và tôn trọng.

Wong Li-Lin kết thư: “Chúng ta có thể học được nhiều điều từ câu chào (hello) và tạm biệt (goodbye). Chào là cách nhìn nhận tâm tư mỗi người. Đây là phản ứng cần thiết của con người để thấu hiểu người khác.

Tạm biệt là cách tạm ngưng các mối quan hệ tình bạn hay tình yêu cho đến khi gặp lại ở thời điểm nào đó. Nó cho phép bạn chuyển sang trạng thái yêu thương khác để cuộc sống được hoàn thiện hơn…

Vì thế, chào Jonas. Mẹ yêu con. Gửi ngàn nụ hôn đến con, chúc con ngày tốt lành”.

Nguồn: Gia đình Việt Nam