Dòng sự kiện:

Bài học dạy con ý thức cộng đồng: Cha mẹ ý thức kém có dạy được con không?

15:50 22/08/2016
Để dạy con về ý thức cộng đồng hiệu quả, cha mẹ cần là tấm gương tốt trong cách cư xử hàng ngày để con noi theo.

Dạy con ý thức cộng đồng sao cho trong hành trình sống của con có những cư xử đẹp và ý nghĩa là điều cha mẹ mong muốn. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ chưa ý thức được rằng, mình là tấm gương tốt để con noi theo. 

Trong quá trình dạy con, cha mẹ cần là người gương mẫu, ý thức của cha mẹ với cộng đồng chính là cách giáo dục tốt nhất cho con.

Chị Lan (32 tuổi - Hoàng Mai - Hà Nội) kể lại, hàng ngày chị vẫn thường dạy con ý thức cộng đồng để con hòa nhập với cuộc sống bên ngoài gia đình tốt hơn như việc phải biết chào hỏi người lớn, biết cách ra vào cầu tháng máy đúng luật để không chen lấn, xô đẩy với mọi người, biết bỏ rác vào thùng sau khi ăn đồ ăn sáng... hoặc biết giữ gìn vệ sinh chung ở mọi lúc mọi nơi.

Cũng vì vậy, vợ chồng chị luôn luôn phải để ý đến hành động của bản thân, nhất là khi đi cùng với con để con lấy cha mẹ làm tấm gương, như thế bài dạy con về ý thức cộng đồng mới thực sự hiệu quả.

Dạy con ý thức cộng đồng sao cho trong hành trình sống của con có những cư xử đẹp và ý nghĩa là điều cha mẹ mong muốn. Ảnh minh họa

Bởi vậy, mỗi khi đưa con đi học, thấy bạn nhỏ nào vứt rác bừa bãi ngay cổng trường, chị thường thấy con lặng lẽ nhặt và bỏ vào thùng rác kế bên trước khi chạy vào lớp, nhìn con giữ gìn vệ sinh chung như thế chị biết rằng, "bài học dạy con ý thức cộng đồng" của chị với con đã thành công.

Chị Lan kể, có lần 2 mẹ con đang đứng chờ đèn đỏ, thấy một cậu thanh niên đứng kên cạnh khạc nhổ lung tung khiến nhiều người không hài lòng. Thấy thế, con gái 7 tuổi của chị liền hỏi chị khi qua đoạn đèn đỏ: "Sao chú vừa nãy ý thức kém vậy mẹ?", chị hỏi lại "Ý thức kém là sao hả con", "con thấy chú ấy khạc nhổ lung tung sẽ khiến người khác thấy bẩn! - bé trả lời"...

Chào hỏi người lớn là việc rất cần thiết ở mỗi em nhỏ, nhưng nhiều em bé bướng bỉnh không làm được dù nhiều lần cha mẹ nhắc nhở. Anh Tuấn (37 tuổi - Q7 - TP.HCM) chia sẻ, bé trai nhà anh 5 tuổi nhưng rất bướng bỉnh. Hàng ngày đưa con đi học anh rất xấu hổ khi con gặp hàng xóm không chào hỏi dù được anh nhắc nhở nhiều lần. Để cổng trường được giáo viên mầm non đón vào lớp bé cũng không chào cô, cũng chẳng quay lại chào Bố mà cứ phi thẳng vào lớp chơi với bạn.

Lúc đầu anh trách mắng vợ không biết dạy con, nhưng dù anh đã "ra tay" chỉ bảo con cách cư xử khi gặp người lớn nhưng không hiệu quả. Con chỉ tuân theo vài lần rồi lại đâu vào đấy.

Qua tìm hiểu kinh nghiệm trên mạng, anh Tuấn đã mua con những cuốn truyện tranh liên quan đến vấn đề ý thức cộng đồng về cùng con đọc và bàn luận, kèm theo đó anh luôn là tấm gương để con nhìn vào, sau một thời gian kiên trì, "Bài học dạy con về ý thức cộng đồng" đã thành công.

Dạy trẻ ý thức cộng đồng là điều cần thiết, cha mẹ luôn là tấm gương tốt cho con. Ảnh minh họa

Hay như việc đơn giản là nhường ghế cho người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai khi đi xe công cộng nhưng nhiều người không làm được. Để dạy con về cách cư xử tốt nơi cộng cộng, anh Ngọc (Đông Ngạc - Bắc Từ Liêm - Hà Nội) có con học cấp 2 cách nhà 5km, anh cho con học gần cơ quan bố mẹ để tiện đường đưa đón.

Quãng đường không xa, nhưng nhiều lần anh Ngọc cùng con đến trường bằng xe buýt, trên những chuyến xe anh thường dạy con những bài học về ý thức cộng đồng để con có cách cư xử đúng đắn. Cũng nhiều lần khi 2 cha con vừa ngồi lên xe, thấy một bà cụ bước lên xe từ điểm đón tiếp theo, anh liền đi đến đỡ bà cụ tới chỗ ngồi cho khỏi bị ngã. Hoặc như không ít lần anh nhường chỗ cho những phụ nữ có thai, người già khi xe hết ghế.... Cũng từ cách cư xử của anh Ngọc, con trai cũng theo gương bố biết nhường ghế cho em bé nhỏ tuổi hơn trong chuyến xe chiều tan tầm vừa rồi.

Từng chia sẻ trên báo Tuổi trẻ về vấn đề này, thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh từng gợi ý: “Người ta chỉ có thể thay đổi hành vi nếu họ được tham gia và coi đó là chuyện của chính mình”, "muốn dạy trẻ cái gì thì điều quan trọng nhất là những người lớn quanh trẻ như ông bà, cha mẹ phải nỗ lực làm “người mẫu” tốt", thạc sĩ Oanh nói thêm. 

Mai Nguyên 

Nguồn: Gia đình Việt Nam