Dòng sự kiện:

Để con bạn không nhầm Quang Trung - Nguyễn Huệ là hai bố con

23:21 17/07/2015
Việc nhầm lẫn các kiến thức lịch sử khiến các thầy cô và những người làm cha mẹ đau đầu và phải thừa nhận đó cũng là lỗi của người lớn. Chính vì vậy, làm cha mẹ bạn cần phải làm sao để con thích học lịch sử ngay từ khi còn nhỏ?

[mecloud]bm3XYSox3K[/mecloud]

Những nhầm lẫn thường gặp

Mới đây, chương trình Chuyển động 24h thực hiện phóng sự ngắn dành cho các em học sinh trên hai tuyến phố Tây Sơn và Đặng Tiến Đông (Hà Nội) với câu hỏi lịch sử đơn giản về vị vua Quang Trung Nguyễn Huệ.

Trong đoạn clip hơn một phút, chỉ có hai em học sinh trả lời chính xác câu hỏi: "Bạn có biết hai ông Quang Trung và Nguyễn Huệ có quan hệ gì với nhau?". Còn lại, những câu trả lời khác đều khiến người xem bất ngờ: "Họ là anh em ạ", "Bố con", "Anh em cũng một nhà", "Bạn thân chiến đấu cùng nhau"... Thậm chí, có em học sinh còn trả lời: "Trường con chính là trường của ông Quang Trung - trường Nguyễn Du".

37/40 em học sinh được hỏi đã có câu trả lời sai về Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Đoạn clip này đã nhanh chóng được cư dân mạng chia sẻ và thu hút đến hàng ngàn lượt bình luận. Không ít người tỏ ra thất vọng trước kiến thức lịch sử của các em nhưng có không ít ý kiến bênh vực, cho rằng "ngay cả người lớn còn không nắm được lịch sử nước nhà nên khó trách trẻ con, nhất là việc tiếp thu kiến thức lịch sử còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như phương pháp học, cách giảng bài của thầy cô".

Tình trạng 37/40 em học sinh trả lời sai về Quang Trung - Nguyễn Huệ là điều không làm TSKH Đoàn Hương choáng váng. Bà cho rằng, "đây là sai lầm cười ra nước mắt vì các em học sinh không hiểu gì về lịch sử dân tộc mình.

Người Nhật có nói, nếu con người ta không có quá khứ thì sẽ không có tương lai. Huống chi dân tộc mình có tới 4000 năm lịch sử lẫy lừng trên thế giới mà thế hệ trẻ không biết lịch sử thì đó là điều xót xa".

Nữ tiến sĩ kể, nhiều lần bà được mời làm giám khảo cuộc thi trong đó có cuộc thi học sinh giỏi ở Hà Nội nói về tình yêu quê hương đất nước. Trong đó, một em ở huyện Phong Châu - quê hương của Hai Bà Trưng nổi tiếng, hai vị nữ anh hùng đã khai phá đất nước, 2 nữ hoàng đế đầu tiên của dân tộc mình... Vậy mà trong phần trình bày của mình tuyệt nhiên không có hình tượng Hai Bà Trưng.

Không chỉ nhầm lẫn về vị vua Quang Trung, nhiều em học sinh chia sẻ, các em không thể phân biệt được các vị vua có họ tên gần giống nhau như: Lý Thái Tổ - Lý Thái Tông, Trần Nhân Tông - Trần Anh Tông... Việc ghi nhớ các vị vua nhà Nguyễn hay các võ tướng cùng họ cũng là vấn đề với các học trò. Nhiều học sinh còn ngộ nhận nhân vật của Trung Quốc với Việt Nam. Có em lớp 12 vẫn đinh ninh rằng, bà Trưng và bà Triệu là chị em ruột.

Những sự kiện lịch sử, chiến dịch mà tên gọi có chút liên quan như: Chiến dịch biên giới, Chiến dịch Điện Biên Phủ... địa danh của hai miền Bắc - Nam nhiều khi cũng làm học sinh lúng túng.

Một vài gợi ý để con bạn thích học lịch sử từ khi còn nhỏ

Việc nhầm lẫn các kiến thức lịch sử khiến các thầy cô và những người làm cha mẹ đau đầu và phải thừa nhận đó cũng là lỗi của người lớn. Chính vì vậy, làm cha mẹ bạn cần phải làm sao để con thích học lịch sử ngay từ khi còn nhỏ và dưới đây là một vài gợi ý:

Đơn giản hóa kiến thức và đừng phó mặt trường lớp: Bắt đầu từ lớp 4, trẻ mới được tiếp xúc với môn học này. Những năm học đầu tiên, gần như người lớn bỏ quên việc phải dạy lịch sử cho trẻ. Điều đó khiến trẻ tiếp nhận quá nhiều thứ và không thể dành chỗ cho một lĩnh vực hoàn toàn mới và có thể sẽ vô cùng khô khan nếu không biết cách truyền cảm hứng. Hãy dạy trẻ về lịch sử ngay từ khi còn nhỏ.

Nhưng, bố mẹ đừng quá tham vọng, đòi hỏi trẻ phải nhớ vị vua này sinh năm bao nhiêu, anh hùng này đánh thắng bao nhiêu quân địch. Nhồi nhét con số và dữ liệu chính là nguyên do khiến trẻ “bội thực” kiến thức và “phát ngán” với lịch sử. Hãy để các con học lịch sử từ những cách đơn giản, tự nhiên nhất.

Học lịch sử từ các câu chuyện kể: Lịch sử có quá nhiều những câu chuyện, những phận người. Lịch sử còn biết bao bài học cha ông chắt thành từ bao đắng cay, mất mát. Lịch sử cũng để lại vô vàn di sản ký ức để khi nhớ về người hậu thế dưng dưng tự hào hay ngậm ngùi, chua xót.

Thế nên, việc học lịch sử phải xuất phát từ những câu chuyện, những mảnh đời. Lịch sử chỉ đi vào lòng người khi những biến động xưa cũ được trao truyền nhẹ nhàng, tự nhiên như lời mẹ kể lúc ru con, như lời cha dặn.

Qua những câu chuyện kể, các con sẽ tìm được niềm hứng thú để không quên lịch sử, không nhầm lịch sử mà hơn thế, các em sẽ có cảm xúc với lịch sử.

Truyện tranh màu sắc sinh động sẽ hấp dẫn trẻ.

 

Học lịch sử qua phim hoạt hình, truyện tranh: Hãy nhẹ nhàng khuyên con nên xem những bộ phim hoạt hình, đọc truyện tranh về lịch sử Việt Nam vì đây là cách để các con tiếp cận sinh động với các nội dung lịch sử.

Phải thừa nhận, truyện tranh, phim hoạt hình về đề tài lịch sử có vẻ vẫn đang là những thứ “thiếu thốn” ở nước ta. Tuy vậy, nếu chịu khó tìm kiếm, bố mẹ vẫn có thể tìm được khá nhiều trong các hiệu sách thiếu nhi. Những truyện tranh màu sắc sinh động cũng sẽ hấp dẫn với trẻ.

Những năm gần đây, nước ta cũng đã có một bài bộ phim, thước phim tư liệu dưới dạng phim hoạt hình để phù hợp với trẻ em. Không quá khó để bố mẹ có thể tìm trên mạng.

Tháng 8 tới, một chương trình phim hoạt hình lịch sử sẽ chính thức lên sóng truyền hình. Chương trình này như là một cuộn phim theo tiến trình lịch sử dân tộc, từ thời vua Hùng dựng nước đến hết thời Lê - Trịnh thông qua thể loại phim hoạt hình 2D. Mỗi tập phim có thời lượng gần 5 phút gắn với một nhân vật, một sự kiện hay một tích truyện trong lịch sử.

Đưa con đi thăm bảo tàng, di tích lịch sử:Trẻ con luôn hào hứng với những chuyến đi. Đó là cơ hội để trẻ khám phá nhiều điều thú vị. Bố mẹ nên biết, bất cứ địa danh nào cũng đều có những câu chuyện, giá trị lịch sử. Vì thế, thường xuyên cho trẻ đi tham quan cũng là một cách hay để trẻ có thể hiểu biết về con người và mảnh đất vùng miền.

Trước mỗi chuyến đi, bố mẹ nên bớt chút thời gian tìm hiểu trước về địa danh đó, kể cho trẻ những điều thú vị, đặc trưng, về danh nhân lịch sử. Trẻ sẽ tiếp nhận kiến thức một cách tự nhiên và lâu quên. Nếu trên lớp có bài học nào liên quan, chắc chắn trẻ sẽ hứng thú để trình bày những gì đã được biết.

Bảo tàng vừa là một địa điểm tham quan, vừa là nơi luôn đầy ắp những kiến thức lịch sử thú vị. Ở đó không có những quyển sách đầy chữ, những con số khó nhớ mà có rất nhiều hình ảnh, thước phim, hiện vật sẽ giúp trẻ dễ hình dung và hào hứng.

Tiểu Phong

Nguồn: Người đưa tin

Video đang được xem nhiều:

[mecloud]j1gEADdhqQ[/mecloud]