Dòng sự kiện:

Dịch sởi bùng phát trên thế giới, người dân phòng tránh thế nào

Mai Nguyên
09:26 29/01/2018
Dịch sởi đang bùng phát tại nhiều nơi trên thế giới, nhất là các vùng có tỷ lệ tiêm phòng thấp. Để đề phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân triển khai một số biện pháp phòng dịch sởi.

Mối lo ngại dịch sởi bùng phát trên thế giới

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), dịch sởi đang bùng phát tại nhiều nơi có tỷ lệ tiêm phòng sởi thấp trên thế giới. Cụ thể, tại Papua (Indonesia) đã ghi nhận ổ dịch sởi kéo dài từ tháng 9/2017 tới nay với ít nhất 59 trường hợp đã tử vong.

Tại châu Âu, dịch sởi đang bùng phát tại Ucraina. Trong 2 tuần đầu năm 2018 đã có 1.285 trường hợp mắc sởi (67% là trẻ em) trong đó 5 trường hợp tử vong. Tại Anh, từ đầu năm 2018 đến nay ghi nhân 100 trường hợp mắc sởi.

Dịch sởi đang bùng phát tại nhiều nơi trên thế giới. Ảnh minh họa

Tại Mỹ, mặc dù sởi đã được công bố loại trừ vào năm 2000 nhưng vẫn ghi nhận 120 trường hợp trong năm 2017 và trong tháng đầu năm 2018 đã ghi nhận ít nhất 6 trường hợp mắc

Hầu hết trường hợp mắc đều chưa được tiêm vaccine phòng sởi. Hiện các quốc gia ghi nhận các ổ dịch sởi trên đang triển khai các hoạt động tích cực để khống chế sớm ổ dịch.

Cục Y tế Dự phòng cũng cho biết, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Sởi là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em.

Tại Việt Nam, việc tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ em đã được triển khai rộng rãi tại tất cả địa phương trên cả nước từ năm 1985 nhưng hằng năm vẫn ghi nhận các trường hợp mắc sởi. Đặc biệt, nguy cơ dịch sởi có thể xảy ra rất lớn tại các khu vực vùng sâu, vùng xa-nơi có tỷ lệ tiêm phòng thấp hoặc tại các thành phố lớn-nơi có sự biến động dân cư lớn. Đỉnh điểm là dịch sở năm 2014 đã khiến hành ngàn trẻ mắc, trong đó hơn 100 trường hợp tử vong.

Cách phòng tránh dịch sởi

Để chủ động phòng bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:

Chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vaccine sởi. Trường hợp trẻ từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi thì đến trạm y tế xã, phường để tiêm phòng.

Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị, phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.

Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

Nguồn: Gia đình Việt Nam