Dòng sự kiện:

Điểm danh các thương hiệu Việt bị đại gia ngoại thâu tóm (P1)

23:54 09/09/2013
Có những thương hiệu thuần Việt từ lâu đã đi vào tiềm thức của người dân nhưng nay tìm đỏ mắt cũng không thấy chúng trên thị trường. Một số thương hiệu vì không đủ sức cạnh tranh trên thị trường ngày một khốc liệt còn một số khác đã bị doanh nghiệp ngoại thâu tóm.

Kem đánh răng P/S về tay Unilever.

Nhãn hiệu kem đánh răng P/S được Công ty hóa phẩm P/S trực thuộc Sở Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh phát triển từ năm 1975. Trong một giai đoạn rất dài, không dưới 20 năm (1975 – 1995) P/S đã xác lập được vị thế dẫn đầu về sản phẩm chăm sóc răng miệng trên thị trường Việt Nam và chiếm được lòng tin yêu của đông đảo người tiêu dùng Việt.

Chính vì vậy, trong tâm trí các thế hệ người Việt Nam thời đó, P/S là một niềm tự hào của hàng tiêu dùng Việt, là một dấu ấn khó có thể phai mờ.
Năm 1995, tập đoàn đa quốc gia Unilever đàm phán để được nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu kem đánh răng P/S với giá nhượng quyền cực kì hấp dẫn vào thời điểm đó là 5 triệu USD.

Sau khi nhượng quyền, P/S dần đánh mất vị thế trên thị trường cả về chất lượng, giá cả cũng như mẫu mã. Và cuối cùng từ nhượng quyền P/S đã bị thâu tóm và trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Bột giặt Viso – Xót xa thương hiệu Việt lâu đời

Viso cũng là nhãn hiệu bột giặt lâu đời và là một trong những niềm tự hào của Việt Nam. Thuở ban đầu, Viso là tài sản của ông Trương Văn Khôi, người được mệnh danh vua bột giặt Viso.

Viso là sản phẩm hướng tới người tiêu dùng bình dân với mức giá cả phù hợp với túi tiền củađại bộ phận công chúng. Chất lượng Viso cũng là một trong các yếu tố được người tiêu dùng Việt Nam đánh giá cao. Viso chiếm thị phần đáng kể trong phân khúc bột giặt.

Mặc dù được đánh giá cao cả về giá cả lẫn chất lượng nhưng Viso cũng không thể giữ được một thương hiệu bột giặt thuần Việt.

Khi mới đặt chân vào thị trường Việt Nam, Unilever cũng như nhiều tập đoàn đa quốc gia khác chọn hình thức liên doanh để tiếp cận thị trường. Unilever khi đó hợp tác với nhiều công ty bột giặt đang có thị phần lớn ở trong nước để lập liên doanh. Và kết quả là các liên doanh như Lever-Viso, Lever-Haso lần lượt ra đời.

Không chỉ dừng lại ở đó, các tập đoàn đa quốc gia tìm đủ mọi cách để biến những liên doanh như vậy thành công ty 100% vốn nước ngoài. Trường hợp của Lever-Viso cũng vậy. Từ doanh nghiệp thuần Việt trở thành liên doanh và cuối cùng thương hiệu Viso không còn là của người Việt.

Bibica bị thâu tóm bởi Lotte

Việc thâu tóm Bibica của tập đoàn Lotte đã được thực hiện trong thời gian khá dài, cụ thể mua 4,6 triệu cổ phiếu (tương đương 30,15%) trên sàn từ năm 2007, sau đó đến đầu năm 2008 mua thêm 5,5% cổ phần, chiếm tỷ lệ sở hữu lên đến 35,65%.

Ngay tại thời điểm đó có ý kiến cho rằng với các quy định nhà đầu tư nước ngoài không được sở hữu quá 49% cổ phiếu của công ty cổ phần, Lotte không thể hoàn toàn chiếm lĩnh được Bibica. Nhưng 51% cổ phần thuộc về Bibica lại nằm rải rác ở rất nhiều cổ đông, trong khi toàn bộ công nghệ, kỹ thuật, chiến lược và chức vụ quan trọng nhất là chủ tịch HĐQT đều do Lotte nắm giữ, thì Lotte vận hành Bibica theo guồng máy của họ là hiển nhiên.

Và sự thật là vào thời điểm tháng 3.2012 , chưa cần sở hữu đến 49%, nhưng Lotte đã nắm vị trí chủ chốt và quyền điều hành quan trọng trong công ty Bibica thông qua hai chức danh quan trọng là chủ tịch HĐQT và giám đốc tài chính.

Dấu chấm hết cho Tribeco  

Tribeco trước ngày bị Uni-President Việt Nam (công ty mẹ ở Đài Loan) thâu tóm, đã có lịch sử 20 năm hoạt động và được người tiêu dùng bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao trong 11 năm liền. Lên sàn vào cuối năm 2001, chính thức liên doanh vào năm 2008 và tuyên bố giải thể vào tháng 8.2012.

Năm 2001, Tribeco là doanh nghiệp thứ 9 lên sàn chứng khoán TP.HCM với mã cổ phiếu TRI và liên tục nhiều năm sau đó được đánh giá cổ phiếu tốt, bởi có hoạt động kinh doanh hiệu quả. Đặc biệt, TP.HCM còn chọn 2 sản phẩm của công ty là sữa đậu nành và nước ngọt có ga làm sản phẩm công nghiệp chủ lực. Về mặt thương hiệu, Tribeco tạo được hiệu ứng hình ảnh rất tốt khi tham gia tài trợ cho cuộc đua xe đạp Cúp truyền hình TP.HCM liên tục trong nhiều năm. Đây là chương trình marketing hiệu quả được đánh giá cao vào thời điểm đó. Liên tục nhiều năm liền cổ phiếu TRI luôn được các quỹ đầu tư chăm sóc tận tình bởi cổ tức được trả đều mỗi năm trên dưới 18%... TRI yên lành cho đến ngày họ quyết định bắt tay với "ông lớn".

Năm 2005, Công ty cổ phần bánh kẹo Kinh Đô, đang là thương hiệu bánh kẹo mạnh của thị trường nội địa, tham vọng mở rộng sang nước giải khát đã chọn TRI để đầu tư. 35% cổ phần của TRI được Kinh Đô mua lại và vị Tổng giám đốc Kinh Đô lúc đó không giấu giếm khi cho biết: “Việc thâu tóm Tribeco nằm trong định hướng của công ty”.

Sau khi có cổ đông lớn là Kinh Đô, trong hai năm 2006 và 2007, Tribeco tiếp tục xây 2 nhà máy lớn là Tribeco Bình Dương và Tribeco Miền Bắc (Hưng Yên) với tỷ lệ góp vốn Tribeco 80%, Kinh Đô 20%. Tiếp đó, đầu năm 2007, Tribeco lại tiếp tục bán 15% cổ phần cho đối tác đến từ Đài Loan Uni-President. Tuy nhiên, đó là những quyết định đầu tư vội vã và đánh giá sai thị trường. 

 
Thương hiệu nước giải khát Tribico đã biến mất trên thị trường từ năm 2012 

Cũng chính thua lỗ triền miên, năm 2010, TRI đã bán hết cổ phần Tribeco Miền Bắc, cuối năm 2011 bán hết Tribeco Bình Dương. Chấm dứt giấc mơ mở rộng sản xuất và thị phần ngắn ngủi. 

Ngày 24/8/2012, Tribeco đã tổ chức đại hội bất thường để xin ý kiến cổ đông thông qua việc giải thể công ty. Tới đầu tháng 9, mọi hoạt động của Tribeco Sài Gòn do Tribeco Bình Dương tiếp nhận. Như vậy, Tập đoàn Đài Loan nay đang kiểm soát toàn bộ thương hiệu nước giải khát Việt Nam. Uni-President Việt Nam nắm quyền chi phối và sở hữu 100% Tribeco Bình Dương.

PV (TH) - Theo Yeutretho/Nguoiduatin


TAG