Dòng sự kiện:

Điểm danh những nghề hái ra tiền trong dịp Tết

Theo PNVN
09:04 01/02/2018
Nhu cầu mua sắm và sử dụng các loại hình dịch vụ tăng lên từng ngày vào khoảng thời gian giáp Tết. Từ đó đã phát sinh ra nhiều công việc “hái ra tiền” chỉ có trong dịp này.

Làm thức ăn bán Tết

Mặt hàng được lựa chọn để bán có thể kể tới như mứt Tết, chả lụa, giò thủ, cá kho…Chị Minh Nguyên (Điện Biên Phủ, Q.3) đã bán món chả giò được 2 năm.Với mức giá khoảng 100.000đ/hộp 12 cái, các món chả giò như chả giò cá hồi, tôm, hải sản… của chị rất được lòng khách hàng, nhất là những người bận rộn lại không có nhiều năng khiếu trong khoản nấu nướng.”Trung bình mỗi khách lấy từ 3-5 hộp, có người mua tới 20 hộp vừa để ăn, vừa để đi biếu. Năm nào tôi cũng phải ngừng nhận đơn hàng trước tết khoảng 10 ngày dù vẫn còn rất nhiều khách đặt mua.” Chị Nguyên chia sẻ.

Lần đầu kinh doanh online thực phẩm Tết, chị Huyền Thương (Khách Hội, Q.4) khởi đầu với món mứt dừa bởi dễ mua nguyên liệu và cũng dễ làm, không đòi hỏi phải quá khéo léo. “Mới rao bán được vài ngày những tôi đã nhận được hơn 20 đơn đặt hàng, chủ yếu từ bạn bè và đồng nghiệp. Món này trên thị trường bán nhiều với mức giá rẻ hơn nhưng mọi người có xu hướng chọn mua của người quen bởi lo ngại về vấn đề vệ sinh thực phẩm trên thị trường”, chị Thương nói.

Bán đồ quê “lên ngôi”

Không khéo tay để nấu nướng nhưng chị Hương (một nhân viên văn phòng tại Tân Phú) lại có một hướng kinh doanh khác. Với lợi thế quê ở Nghệ An, gần thời điểm Tết, chị Hương rất đắt hàng các đơn đặt mua đặc sản tại quê như: giò me, cam Vinh, bưởi Phúc Trạch…"Nhờ buôn bán thêm nên vợ chồng tôi cũng dành dụm được một khoản đáng kể dành cho việc sắm sang cho Tết này”, chị Hương tâm sự.

Giống như chị Hương, các món đặc sản quê như thịt trâu gác bếp, thịt lợn rừng, nấm hương, mộc nhĩ… của anh Quang Anh (quê ở Lào Cai) cũng rất thu hút khách. Anh Quang cho biết: “Trong năm, đều đặn mỗi tuần nhà tôi lại gửi hàng từ trên quê qua xe khách xuống để bán. Dịp gần Tết, tần suất gửi tăng lên 2, 3 chuyến mỗi tuần. Tôi cũng dự định sẽ ở lại Sài Gòn tới 29 Tết để kịp giao hết hàng cho mọi người".

Bán hoa, cây cảnh chơi Tết

Hoa tươi, cây cảnh là vật trang trí không thể thiếu trong dịp Tết. Do đó kinh doanh hoa, cây cảnh trong dịp Tết là mặt hàng dễ bán mà lại thu lãi khá cao vì nhu cầu chọn mua hoa rất lớn. Các mặt hàng hoa nên kinh doanh lúc giáp Tết đó là hoa đào, hoa mai, quất cảnh, cúc, vạn thọ,.. Nếu có thể cộng tác trực tiếp với các nhà vườn thì việc bán hoa dịp Tết sẽ khá dễ dàng và thu lãi cao hơn so với việc nhập hoa lẻ.

Muốn kinh doanh hoa tươi, bạn phải đi lấy hoa từ các chợ hoa như Hồ Thị Kỷ, Thủ Đức… như vậy vốn bỏ ra sẽ ít hơn mà lãi lại cao hơn. Kinh nghiệm bán hoa dịp Tết đó là bạn phải có nguồn hàng chắc chắn, biết cách bảo quản và chăm sóc hoa tránh sự thay đổi của thời tiết.

Vệ sinh nhà /văn phòng

Các dịch vụ làm sạch nhà cửa rất đa dạng, như sơn mới lại nhà và kiêm luôn cả những việc giặt thảm, rèm cửa, lau dọn đồ đạc, chà bóng sàn nhà, lau chùi bàn ghế, cửa kính... nhiều công ty còn thầu luôn cả dịch vụ sửa chữa đồ nội thất trong gia đình như đánh lại véc-ni đồ gỗ, sửa chữa những chỗ bị thấm mốc trong gia đình, thau lọc lại hệ thống nước, bình nước nóng...

Giữ nhà theo ngày

Là công việc không vất vả, nhưng trông nhà ngày Tết vẫn thuộc nhóm những nghề thời vụ được trả lương cao nhất, với mức giá từ 400.000 – 700.000đ/ngày hoặc 3 triệu đồng/tuần. Nam sinh viên, cử nhân là những ứng viên được ưu tiên hơn cả, đặc biệt nhân viên bảo vệ có kinh nghiệm được trả tới 1,2 triệu đồng/ngày.

Tuy lương cao nhưng nghề này hiện đang rất thiếu nhân sự, vì ít người sẵn sàng đánh đổi thời gian Tết quý giá để đi làm thêm. Ngoài ra, yêu cầu về lý lịch rõ ràng, có khả năng tự bảo vệ mình cũng như gia tài của chủ thuê trong trường hợp xảy ra trộm cắp cũng khiến nguồn ứng viên bị co hẹp đáng kể.

Trông thú cưng

Những năm trở lại đây, dịch vụ trông giữ và chăm sóc thú cưng không còn quá xa lạ. Đặc biệt, trong những ngày Tết, nhiều gia đình muốn đi nghỉ dưỡng, sinh viên trở về quê ăn Tết… nên nhu cầu kí gửi vật nuôi đang tăng mạnh. Do nhu cầu lớn, lại chưa có nhiều cơ sở trông giữ và chăm sóc thú cưng nên giá cho dịch vụ này vào ngày Tết (từ 26 âm lịch tới mùng 6) tăng 30 – 50% so với ngày thường.

Hiện nay, các phòng “bình dân” có giá từ 200 – 250 ngàn/ngày, phòng mức trung từ 300 – 400 ngàn/ngày. Đặc biệt, các phòng Vip có giá lên tới 1 triệu đồng/ngày, dành cho những người có thu nhập cao và những chú vật nuôi quý hiếm.

Thu vé vào vườn chụp ảnh hoa Tết

Cũng không phải ngẫu nhiên người ta thiết kế những vườn hoa rộng bát ngát, trải dài với sắc đào hồng thắm hay sắc vàng cúc mới, với những khung trang trí đẹp đẽ tinh xảo nếu chỉ với mục đích bán hoa. Nhiều nhà vườn chia sẻ, mỗi dịp Tết đến doanh thu chủ yếu là từ tiền vé vào cửa chứ không phải là tiền bán cây.

Với mức giá 20.000đ – 30.000đ cho mỗi người mỗi lượt vào vườn hoa, tính trung bình một ngày có thể có đến hàng ngàn lượt du khách. Khách đến vườn chủ yếu để ngắm cảnh và chụp ảnh, nhà vườn chỉ cần lo an ninh, đảm bảo khách không bẻ cành, bứt lá là đủ. Thế mới biết mỗi một vụ Tết như thế một vườn hoa có thể kiếm lãi được bao nhiêu.

Dịch vụ trông xe

Các vườn hoa xuân thường ở ngoại thành hoặc những vùng quê, nơi có khoảng đất rộng rãi, vì vậy du khách muốn đến chụp ảnh phải sử dụng các phương tiện như xe máy, ô tô. Cũng từ đây dịch vụ trông xe được ra đời và ngày càng phát triển.

Xung quanh một vườn hoa thường có từ 3 đến 4 khu gửi xe, những khu này đều dựng lên tạm bợ với dây thừng quây thành vòng và một bảng đề giá. Thông thường giá trông xe máy khoảng 10.000đ – 15.000đ, ô tô khoảng 30.000đ. Tương ứng với lượt khách đến chụp ảnh hoa Tết thì lượng xe cũng nhiều như thế, trung bình một ngày có thể kiếm được gần nửa triệu tiền lãi, trong khi phí bỏ ra chẳng đáng bao nhiêu.

Mặc dù kiếm được nhiều lợi nhuận như thế nhưng trông xe cho vườn hoa chỉ là việc làm thời vụ, tính cạnh tranh lại cao, thêm vào đó lượng khách quá nhiều nên đôi khi chủ coi xe không kiểm soát hết, dẫn đến tình trạng mất cắp.

Xông đất đầu năm

Những năm gần đây, dịch vụ cho thuê người xông đất đầu năm tăng giá chóng mặt, vì nhiều người tin rằng, người hợp tuổi đến nhà đầu năm thì cả năm sẽ gặp nhiều may mắn, tài lộc, làm ăn khấm khá. Nhất là vào những năm kinh doanh khó khăn, nghề này lại càng được dịp hái ra tiền.

Nếu như năm 2016, giá dịch vụ mới chỉ ở mức 300.000 - 400.000đ/lần, thì năm nay nhiều đơn vị đã báo giá với mức gấp tới 5-7 lần.

Để có người xông đất mặc quần áo thần tài, có thêm cả phong bao đỏ cho nhà chủ, khách hàng có thể phải chi tới 1 - 1,5 triệu đồng. Với các công ty, đơn vị thuê cả nhóm mua lân rồng, 3 ông Phúc - Lộc -Thọ, mức giá có thể lên tới 10 triệu đồng.

Nguồn: Gia đình Việt Nam