Dòng sự kiện:

Đối phó với trẻ bướng bỉnh

17:45 06/07/2015
Với những trẻ ngang ngược và cứng đầu, các biện pháp xử lý mạnh từ phía cha mẹ như quát nạt, đánh đòn đều có vẻ vô tác dụng. Mong muốn tìm được phương cách uốn nắn và “khuất phục” những bé ương bướng luôn là một trong những niềm trăn trở khôn nguôi của bất kỳ bậc cha mẹ nào.

 

 

 

Hai vợ chồng Giang mới có 1 đứa, nhưng lại là đích tôn của ông bà vì thế thằng bé được chiều lắm. Vì lẽ đó mà thằng bé ngày càng bướng bỉnh, sinh hư. Làm gì sai mà bị mẹ quát mắng cho chạy lại ông bà ăn vạ. Bắt bố mẹ làm theo ý mình, không được cố ý khóc cho ói hết cơm cháo ra. Ông bà xót cháu bảo thôi, rồi còn làm động tác giả đánh bố đánh mẹ cho cháu nín, rồi cháu đòi gì cũng cho. Thế là thành quen, nói gì cũng chẳng được.

Không phải chỉ Giang mà rất nhiều phụ huynh khi có con ở lứa tuổi này cũng đều lắc đầu ngán ngẩm vì tính lì lợm và bướng bỉnh của con. Nhiều người thì chép miệng bảo: “khủng hoảng tuổi lên ba” mà, thôi sau này lớn sẽ dạy sau.

Trẻ bướng bỉnh đồng nghĩa với việc không ngoan nên cần phải có biện pháp uốn nắn kịp thời. 

Chuyên gia tâm lý cho rằng: Cha mẹ khi thấy con mình bướng bỉnh thì thường cảm thấy không ổn và ngay lập tức muốn con thay đổi. Nhưng đôi khi cha mẹ lại mâu thuẫn trong cách dạy con. Vì có nhiều cha mẹ muốn con mình sau này lớn lên có chính kiến riêng của mình, biết bảo vệ ý kiến riêng của mình, không dễ bị bắt nạt. Vì thế, không phải lúc nào sự bướng bỉnh ấy cũng là xấu. Đôi khi cũng có một phần rất tốt mà cha mẹ nên giữ lại, giúp con từ một đứa bé bướng bỉnh thành đứa bé biết quản lý cảm xúc, biết ra quyết định và biết tự giác làm việc”.

Nghiêm khắc và kiên nhẫn

Hãy cứng rắn và nghiêm khắc với trẻ. Nếu bạn luôn dễ dãi với trẻ, trẻ sẽ được đà và không coi lời nó của bố mẹ là có trọng lượng. Tất nhiên vì thế trẻ sẽ càng thêm bướng bỉnh và không nghe lời. Đôi khi bạn cũng cần đến những hình phạt để trẻ hiểu rằng mọi thứ đều có giới hạn.

Khi tranh cãi với những đứa trẻ cứng đầu chỉ làm cho tình hình tồi tệ hơn bởi chúng chưa hề biết đến những giới hạn của điều nên làm và không nên làm. Do đó, trẻ sẽ không thể nào hiểu được “Cấm con không được cãi ông bà” hay “Con nít phải đi ngủ sớm”. Thay vào đó, kiên nhẫn và nhẹ nhàng chỉ bảo chính là chiếc chìa khoá vạn năng của cha mẹ có thể từ từ mở bung rồi hoá giải sự bướng bỉnh của bé.

Hãy lắng nghe con nói

Thay vì dùng mọi lý lẽ để thuyết phục và lấn át ý con, hãy tập lắng nghe con trẻ nhiều hơn. Hầu hết mọi đứa trẻ đều có tính bướng bỉnh. Điểm khác biệt là một số bé thể hiện điều đó thường xuyên hơn, còn các bé khác thì lại che giấu đi. Bằng cách chịu khó lắng nghe con, bạn đã góp phần triệt tiêu tính ngang ngạnh của bé, do bởi rất nhiều bé ương bướng, không vâng lời cũng chỉ do muốn thu hút sự chú ý từ cha mẹ mình.

Tính trẻ con mau dỗi, mau quên. Khi nguồn cơn hờn dỗi đã được giải toả, trẻ sẽ mau chóng bận tâm với những niềm vui khác. Tuy nhiên, trong quá trình lắng nghe, cha mẹ cũng cần kịp thời giải thích và chỉ ra cho bé những điểm chưa tốt để dần đặt vào tâm trí con những qui tắc đạo đức và lý lẽ xã hội cần biết tuỳ theo độ tuổi của bé.

Hãy ân cần và đối mặt khi nói với con

Nếu bạn muốn bé làm cho bạn điều gì đó, đừng đứng ở khoảng cách xa, cũng đừng đứng thật cao so với bé, bởi điều đó giống như một mệnh lệnh từ trên cao “phán” xuống. Cách hay nhất là bạn tiến lại gần bé, ngồi xuống sao cho đôi mắt bạn ngang bằng với mắt của bé và bắt đầu nói.

Khi đó, bé sẽ dừng mọi việc lại và tập trung vào những gì bạn nói, bởi vì bé hiểu bố/mẹ đang có một vấn đề quan trọng cần nói với mình, bố mẹ xem mình là một người lớn, bình đẳng và nghiêm túc. Chính vì vậy, việc thực hiện những đề nghị của bố mẹ đối với bé cũng là một chuyện nghiêm túc.

Luôn tạo không khí vui vẻ trong nhà

Gia đình là nơi trẻ được nuôi dưỡng cả về mặt thể chất lẫn tâm hồn. Hãy đảm bảo môi trường sống này của bé luôn là một thế giới yên bình về cảm xúc và hoà nhã về giao tiếp. Chuyện bất đồng giữa các thành viên trong gia đình là khó tránh khỏi. Thế nhưng, hãy cố gắng tối đa tránh cho trẻ phải chứng kiến sự cãi vã của cha và mẹ hoặc với các thành viên khác.

Việc tạo ra một môi trường gia đình tôn trọng lẫn nhau là rất cần thiết và cũng rất có ích trong việc dạy dỗ trẻ. Bạn sẽ thấy ngay lợi ích của điều này khi “Mẹ tôn trọng giờ xem TV của con thì con cũng cần đi ngủ đúng giờ để tôn trọng giờ ngủ của cả gia đình mình nhé.” Ngược lại, những áp đặt một chiều “Con phải đi ngủ đúng giờ”, “Con phải đánh răng sau khi ăn” hay “Con không được la hét giữa đêm khuya” tưởng chừng như hoàn toàn hợp lý cũng sẽ trở nên hết sức vô lý với trẻ nếu cha mẹ tạo ra cảm giác không được lắng nghe, không được tôn trọng nơi trẻ.

Hãy tưởng tượng và cố nhớ lại hồi xưa khi bạn cũng là một đứa trẻ. Ắt hẳn lúc ấy bạn cũng rất muốn được tôn trọng và sống trong tình yêu thương của cha mẹ. Vậy thì, con bạn cũng thế. Giờ đây, bạn đã hiểu thêm về con và biết mình cần phải làm gì để loại bỏ bản tính ngang ngạnh của con rồi đó.

Đức An (Tổng hợp)/ĐSPL