Dòng sự kiện:

'Đổi tình lấy biên chế giáo viên'

Theo Vietnamnet
15:00 24/08/2017
Đầu tuần, tại hội nghị tổng kết năm học cũ và triển khai nhiệm vụ năm học mới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói rằng "xin việc ở ngành sư phạm rất khó", hiện tượng nhiều người theo đuổi hợp đồng, "mai phục" để vào biên chế là khá phổ biến.

Đến giữa tuần, từ việc tố cáo ông hiệu phó quấy rối, một cô giáo tiểu học đã "tự thú trước bình minh" câu chuyện đau lòng khi "mai phục" biên chế ở nhà nghỉ của mình.

Với hy vọng “sếp” sẽ giúp đỡ vào biên chế, cô giáo đã đồng ý đi nhà nghỉ. Sau đó giữa hai người xảy ra bất hoà, tới mức xúc phạm nhau ở trường học và đỉnh điểm là trưng cả những hình ảnh riêng tư trên Facebook.

Câu chuyện "tung ảnh nóng lên mạng" còn phải chờ thêm kết luận của cơ quan điều tra mới ngã ngũ, còn những kết quả từ hành vi "vi phạm đạo đức nhà giáo” thì đã rõ ràng: Cô giáo bị chấm dứt hợp đồng, ông hiệu phó không được tái bổ nhiệm chức cũ và đang bị xem xét kỷ luật.

Biên chế có lẽ là một trong những "từ khoá" nhạy cảm và có sức hấp dẫn đối với giáo viên nhất. Hồi tháng 5, khi ý tưởng "sẽ thí điểm không còn công chức, viên chức đối với giáo viên ở một số trường phổ thông" của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ được diễn dịch thành chuyện "bỏ biên chế trên diện rộng" lập tức đã gây ra sóng gió trên dư luận.

3 tháng sau đó, sau khi thu thập thông tin tỉ mẩn về chuyện biên chế ở xứ người (ở Mỹ, Nhật, Đức, Canada...), một nhà nghiên cứu giáo dục cho biết câu chuyện biên chế dường như ở đâu cũng vậy, đều là những cuộc tranh cãi "không cùng ngôn ngữ", "không có hồi kết".

Phân tích cho thấy, theo quy định pháp luật, khái niệm biên chế giáo viên ở Việt Nam không còn tồn tại. Theo các văn bản quy phạm pháp luật gồm Nghị định 71/2003/NĐ-CP về phân cấp quản lý biên chế hành chính, sự nghiệp Nhà nước, Luật Cán bộ, công chức 2008, Luật Viên chức 2010, Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế, giáo viên là viên chức được quản lý bằng hợp đồng làm việc (khác với hợp đồng lao động). Chỉ có cán bộ lãnh đạo, quản lý giáo dục mới là công chức và được quản lý bằng biên chế.

Nguồn: Gia đình Việt Nam