Dòng sự kiện:

Đông A Gallery: Điểm đến mới của công chúng yêu nghệ thuật Thủ đô

Tiểu Phong
15:41 09/06/2017
Sáng ngày 9/6, Đông A Gallery - phòng tranh nghệ thuật được phát triển từ Đông A Books, chính thức khai trương tại tầng 3 - số 115 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Đông A Gallery sẽ trưng bày và giới thiệu 33 tác phẩm nghệ thuật của 8 nghệ sĩ đương đại đến từ Huế, Sài Gòn và Hà Nội đến với công chúng. Không chỉ cung cấp tranh mà còn sách, tượng và các tác phẩm nghệ thuật khác, Đông A cho biết họ sẽ nỗ lực trở thành địa chỉ hàng đầu cung cấp các tác phẩm nghệ thuật cho người yêu nghệ thuật của Thủ đô.

Phòng tranh nghệ thuật Đông A Gallery chính thức khai trương tại tầng 3 - số 115 Nguyễn Thái Học.

Đặc biệt ông Trần Đại Thắng - Giám đốc Đông A Gallery chia sẻ: “Để bảo chứng giá trị các tác phẩm hội họa do Đông A Gallery bán ra, chúng tôi cam kết mua lại vào mọi thời điểm với mức giá tối thiểu bằng 40% so với mức giá ban đầu. Đây là điều chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam và qua cam kết này, các tác phẩm trưng bày tại Đông A Gallery không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là một tài sản vật chất giá trị, có thể đầu tư, sinh lợi hay lưu giữ… như bản chất vốn có của nó tại các nước phát triển trên thế giới”.

Ông Trần Đại Thắng - Giám đốc Đông A Gallery giới thiệu tranh cho khách tham quan.

Đặc biệt, ngay tại buổi khai trương, đã có 6 tác phẩm được đặt mua, trong đó, ông Nguyễn Anh Vũ - Giám đốc Nhà xuất bản Văn học đã mua 4 tác phẩm bao gồm: Trẻ con (sân khấu của cảm xúc) (họa sĩ Lã Huy), Nhà sư (họa sĩ Tạ Huy Long), Vân vê sợi chỉ đỏ (họa sĩ Bùi Tiến Tuấn), Nước mắt của Mẹ (họa sĩ Phạm Tuấn Tú), Đỏng đảnh (họa sĩ Bùi Tiến Tuấn).

Cũng trong dịp này, Đông A cho ra mắt cuốn sách Tầng ba, kể về câu chuyện sáng tác của 8 nghệ sĩ tham gia đợt trưng bày.

Trước đây, từng có Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Nguyễn Phan Chánh hay hai bộ tứ huyền thoại “Trí, Vân, Lân, Cẩn” và “Nghiêm, Liên, Sáng, Phái”, những “người khổng lồ” đặt nền móng cho nền mĩ thuật hiện đại Việt Nam. Họ chính là Tầng một, tạo dựng nền tảng và truyền cảm hứng cho hàng loạt thế hệ nối tiếp. Để đến những năm 1990, đất nước mở cửa, một lớp họa sĩ mới đàng hoàng bước ra ngoài thế giới, bằng những cái tên như Thành Chương, Lê Thiết Cương hay nhóm Gang of Five nổi tiếng. Với làn sóng hay tầng thứ hai này, nền hội họa Việt Nam chưa bao giờ sôi động đến thế.

Cuốn sách Tầng ba kể về câu chuyện sáng tác của 8 nghệ sĩ trẻ.

Còn hôm nay, sau quãng thời gian chìm lắng, có một thế hệ tác giả mới, lớn lên trong thế giới phẳng của Internet, được va chạm nhiều hơn với bên ngoài, họ có cơ hội nhìn lại bản thân rõ ràng. Họ trở nên điềm tĩnh song cũng quyết liệt hơn trong việc theo đuổi đam mê nghệ thuật. Cứ thế, âm thầm, họ đang hình thành nên một thế hệ họa sĩ mới, tầng thứ ba, của nền hội họa nước nhà. Những nghệ sĩ trẻ này cũng chính là những nhân vật chính được giới thiệu trong cuốn Tầng ba: Nguyễn Văn Hè, Đỗ Hiệp, Lương Đức Hùng, Lã Huy, Tạ Huy Long, Lê Thúy, Phạm Tuấn Tú, Bùi Tiến Tuấn.

8 nghệ sĩ góp mặt ở... "Tầng ba".

Tất cả 8 nghệ sĩ góp mặt ở Tầng ba đều có phong cách, trường phái và sự thể hiện rất khác nhau. Đó là những khắc khoải về quá khứ trong tranh Nguyễn Văn Hè, cuộc giằng xé nội tâm trong hình khối của Lương Đức Hùng, phút chiêm nghiệm lạ thường từ nét vẽ Lã Huy, sự mỏng manh day dứt của Lê Thúy, cái siêu linh tách rời thế tục nơi Phạm Tuấn Tú, cuộc ngược dòng huyền thoại qua họa phẩm Tạ Huy Long, những mâu thuẫn ánh lên gam màu gây ấn tượng mạnh trong tranh Đỗ Hiệp và những rung cảm tinh tế được khắc họa bởi bàn tay Bùi Tiến Tuấn.

Chân dung mỗi nghệ sĩ đều được dựng lên đầy đủ cùng với các tác phẩm tiêu biểu, mà nhìn vào đó, người xem có thể nhận ra ngay chất riêng của những người tạo ra nó.

Nguồn: Gia đình Việt Nam