Dòng sự kiện:

Đức Gyalwang Drukpa chia sẻ 'thành công' với 300 doanh nhân và phật tử

An An
09:05 23/03/2017
Ngày 22/3, hơn 300 doanh nhân, trí thức và phật tử đã tham dự buổi tọa đàm "Thành công trong cuộc sống" do Đức Gyalwang Drukpa chủ trì tại Hà Nội.

- Chuyến viếng thăm lần này đánh dấu kỷ niệm 10 năm viếng thăm Việt Nam của Ngài. Xin Ngài chia sẻ cảm xúc của Ngài trong lần đầu tiên đến và trong chuyến đi đặc biệt này!

- Đức Gyalwang Drukpa: Tôi xin chân thành cám ơn quý vị đã đến dự buổi toạ đàm ngày hôm nay. Để trả lời câu hỏi, năm 2007 khi lần đầu đến Việt Nam, tôi đã vô cùng hào hứng, xúc động về tâm chí thành , lòng tin, trái tim rộng mở của quý Phật tử, người dân Việt Nam hoan hỷ về sự đón chào nồng ấm ngay từ ở sân bay Quốc tế.

Tôi cảm thấy rất hoan hỉ, vui mừng khi được trở lại Việt Nam nhân dịp kỷ niệm phúc duyên 10 năm giữa tôi với các Phật tử Việt Nam. Đối với mỗi cá nhân, 10 năm có thể là dài, có thể là ngắn. Nhưng với tôi, giá trị của 10 năm ấy là chúng ta đã cùng nhau chia sẻ, cùng nhau trao, cùng nhau xây dựng những gì điều lợi ích ý nghĩa, cùng chung tay thực hành thiện hạnh.

Đức Gyalwang Drukpa chủ trì buổi tọa đàm "Thành công trong cuộc sống".

Tôi đã đến Việt Nam và chia sẻ với mỗi người Phật tử Việt Nam thông điệp của tình yêu thương, thông điệp của bình đẳng giới, thông điệp của cách sống hoà hợp với môi trường. Năm 2007 là năm đầu tiên tôi đặt nền móng mối liên nhân duyên với người dân và Phật tử Việt Nam. Tuy nhiên tôi đã cảm nhận rằng chúng ta đã có phúc duyên này không phải từ đời này mà từ nhiều nhiều đời, nhiều kiếp trước.

Trong cuộc sống mối liên hệ thiện nghiệp từ đời trước chưa hẳn đã là đủ, mà chúng ta cần phải làm thể nào để chuyển hoá mối liên hệ này trở thành thực sự, mang lại lợi ích cho đời sống hiện tại. Mỗi chúng ta cần phải ứng dụng giáo pháp của Đức Phật vào đời sống của mình. Tôi đã thực sự chia sẻ những trải nghiệm, kinh nghiệm của cá nhân tôi (chứ không phải chỉ là lý thuyết) trong suốt quãng đời tu tập với người dân và Phật tử Việt Nam, làm sao để chúng ta có thể sống với tình yêu thương, làm thế nào để ban trải tình yêu thương đến cộng đồng, xã hội. Làm thế nào để đem lại sự hoà thuận với môi trường, với mọi người xung quanh.

Chúng ta vẫn biết rằng, trong cuộc sống có rất nhiều rắc rối, nhưng rắc rối có đó, phương pháp giải quyết rắc rối có đây, bởi vậy hạnh phúc là ở chỗ chúng ta biết sử dụng các phương pháp để chuyển hoá những rắc rối trở thành niềm vui và hạnh phúc.

Trong lần này, tôi vẫn tiếp tục công việc cũ mà trong suốt 10 năm vừa qua tôi đã chia sẻ đó là khuyến khích các Phật tử cũng như các quý vị có mặt tại đây hôm nay, chúng ta sẽ nỗ lực làm việc, xây dựng cuộc sống của mình trên nền tảng của tình yêu thương và hiểu biết trí tuệ. Sống thế nào thực sự có trí tuệ để nhận biết được của việc thân người quý giá, giá trị kiếp người và sống thế nào để thực sự trọn vẹn và có ý nghĩa. Bằng sự hiểu biết này chúng ta sẽ ứng dụng vào đời sống, thực sự tìm được cội nguồn chân thật của hạnh phúc cho tha nhân.

Cuộc sống của chúng ta có rất nhiều chương ngại, có rất nhiều khó khăn. Chúng ta không thể nói: “Tôi không muốn cuộc đời tôi có nhiều chướng ngại, khó khăn,” bởi bản chất của cuộc sống là sự thăng trầm, lên xuống, chướng ngại khó khăn sẽ vẫn luôn có đó. Vấn đề căn bản là chúng ta tìm ra được phương pháp giải quyết, xử lý và vượt qua nó. Đôi khi chúng ta có đầy đủ trí tuệ để tìm ra phương pháp một cách đúng đắn, nhưng cũng có đôi khi chúng ta cũng không thể tìm ra.

Bởi vậy, trong Đạo Phật, theo cách giảng của Đức Phật là cách giải quyết chướng ngại đó chính là bằng trí tuệ. Trí tuệ là nền tảng căn bản, giúp chúng ta tìm ra cách thức, phương pháp và con đường giải quyết chướng ngại để chúng ta vẫn có thể tự tại ngay trong những thăng trầm. Tôi là một đệ tử của Đức Phật nên tôi nói những điều mà Đức Phật dạy. Ngài dạy rằng chúng ta luôn luôn phải có trí tuệ đúng đắn để nhận thức được bản chất của cuộc sống, để tìm ra cách giải quyết những chướng ngại một cách đúng đắn để mang lại sự bình an trong cuộc sống của chính chúng ta và cho tất cả mọi người.

- Với lịch trình bận rộn, các dự án quốc tế, quản lý Tăng chúng… nhưng Ngài vẫn cho ra đời những cuốn sách, giúp ích cho những độc giả. Xin Ngài hãy chia sẻ lý do vì sao Ngài vẫn sắp xếp được thời gian để viết sách, để cho ra đời những cuốn sách có ý nghĩa như vậy?

- Đức Gyalwang Drukpa: Đối với tôi việc viết sách như một sở thích, bởi trong lúc viết sách có thể hồi quang phản chiếu nhắc nhở giúp tôi những trải nghiệm đã qua. Trong khi viết cũng chính là cơ hội để tự tôi sách tấn, tự truyền cảm hứng cho chính mình về sự phát triển Bồ đề tâm. Trong Kinh sách thường nhắc đến Bồ đề tâm, về cách sống, ban trải tình yêu thương, đem sự an vui đến với tất cả mọi người, giảm bớt cách sống ích kỷ. Vì vậy sách như là một cuốn giáo pháp, như là bài học cho chính bản thân mình. Khi tôi nhìn lại mình trong suốt 40 năm vừa qua, những gì tôi đã trải qua để tôi biết mình đã đi đến đâu, định hướng của mình để tiếp tục mang lại những lợi ích cho chúng sinh.

- Xin Ngài chia sẻ về chủ đề chính của buổi toạ đàm về thành công?

- Đức Gyalwang Drukpa: Có rất nhiều cách nói về thành công, trong kinh doanh, trong cuộc sống hay tâm linh, nhưng tôi nghĩ hôm nay chúng ta cần hiểu thành công để làm gì thay vì thành công là gì. Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần có trí tuệ hiểu biết, phải biết gắn kết thành công với trí tuệ hay hạnh phúc. Nếu không có nền tảng hạnh phúc, hay đúng hơn là hiểu biết về nguyên nhân của hạnh phúc, chúng ta sẽ không thể có thành công vững bền. Cũng như người có đôi chân khoẻ để đi, nhưng lại không có đôi mắt sáng. Người đó sẽ chẳng đi đến đâu cả, có thể bị tai nạn. Như vậy trí tuệ sẽ dẫn dắt chúng ta đi đúng lối, đó là sự hiểu biết về tình yêu thương, về các giá trị sống ý nghĩa, không chỉ là các giá trị vật chất bên ngoài, mà còn là hiểu về tâm mình và các chân lý của cuộc sống, của mọi sự vật hiện tượng. Thành công trên nền tảng hiểu biết như thế mới đúng đắn và vững bền.

Các bạn thử xem có bao nhiêu người tuy bên ngoài thành công nhưng vẫn luôn phải sống lo lắng, căng thẳng và trầm cảm. Họ không thể hưởng thụ vật chất và thành công của họ đúng mức vì họ thiếu nền tảng trí tuệ về sự hiểu biết, về hạnh phúc. Thành công mà nếu đem đến đau khổ sẽ không có ý nghĩa gì. Vậy các bạn phải có trí tuệ để hiểu về hạnh phúc, rồi từ đó xây dựng hạnh phúc cho mình. Thành công từ đó sẽ tự đến. Hoặc ngay cả nếu có những chướng ngại khó khăn chúng ta sẽ cũng dễ dàng vượt qua. Hạnh phúc là gì các bạn sẽ đều hiểu hoặc có thể tìm hiểu, vì điều đó sẽ đúng với hoàn cảnh của mỗi người. Những gì tôi chia sẻ ở đây chỉ để trợ duyên giúp các bạn mở cánh cửa hạnh phúc.

Ngoài ra khi nói thêm về nền tảng hạnh phúc, chúng ta cần biết thực hành trân trọng tri ân. Khi chúng ta có đôi mắt sáng, đôi chân lành lặn để đi thì hãy biết trân trọng. Đừng quan trọng đích đến mà hãy coi trọng và trân trọng từng bước đi tỉnh giác trên chặng đường đời!

Trong hành trình lần này, Đức Gyalwang Drukpa cũng sẽ tiếp nối chương trình Pháp hội cầu nguyện quốc thái dân an tại Miền Nam, bắt đầu từ chùa Vĩnh Nghiêm (T/P Hồ Chí Minh) vào các ngày 28-29/3, với các hoạt động giảng pháp, truyền quán đỉnh và thiện hạnh “Ngừng thờ ơ hay ngừng thở” để khuyến khích mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường.

Nguồn: Gia đình Việt Nam