Dòng sự kiện:

Em bé có tới 3 bố mẹ đầu tiên trên thế giới đã chào đời

14:55 28/09/2016
Một em bé ở Anh quốc được sinh ra từ ADN của 1 người bố và 2 người mẹ để tránh mang bệnh di truyền – kỹ thuật gọi là “ba cha mẹ sinh học” đã chào đời.

Em bé may mắn này là Abrahim Hassan, ra đời cách đây 5 tháng, tuy nhiên đến giờ thông tin về bé mới được công bố rộng rãi. Theo các nhà nghiên cứu, sau 5 tháng, bé phát triển tốt và không có dấu hiệu bệnh tật.

Mẹ của Abrahim, bà Ibtisam Shaban, mang gen hội chứng Leigh – rối loạn nghiêm trọng có ảnh hưởng đến sự phát triển hệ thần kinh và sẽ đi vào ADN ti thể của cô.

Mẹ của Abrahim cũng từng 2 lần xảy thai, 2 anh em khác của Abrahim đã qua đời khi còn rất nhỏ do bị chứng bệnh này di truyền.

Bác sĩ Zhang ôm trên tay em bé có 3 bố mẹ đầu tiên trên thế giới. Ảnh: Daily Mail

Chuyên gia đã tư vấn gia đình bà Shaban kỹ thuật “ba cha mẹ”, cho phép các cặp vợ chồng có đột biến di truyền mang bệnh có thể sinh ra những đứa con hoàn toàn khỏe mạnh.

Kỹ thuật “ba cha mẹ” được tiến hành bởi bác sĩ John Zhang của Bệnh viện phụ sản ở New York. Các bác sĩ sẽ lấy hạt nhân từ một trong những trứng có chứa ADN của bà Shaban và cấy nó vào trứng hiến tặng đã loại bỏ hạt nhân. Trứng hiến tặng này vẫn giữ lại DNA ti thể khỏe mạnh của người hiến.

Kết quả là trứng với ADN của bà Shaban và người hiến sẽ thụ tinh với tinh trùng của chồng bà Shaban. Phôi thai được cấy vào bà Shaban và Abrahim ra đời 9 tháng sau đó.

Nhờ đó, em bé sinh ra sẽ không mang gen di truyền bệnh từ mẹ mình mà sẽ phát triển khỏe mạnh. Các bác sĩ đã theo dõi em bé trong suốt 6 tháng để đảm bảo bé sẽ không tử vong sớm như các anh em của mình.

Hiện kỹ thuật này mới chỉ được cho phép ở Anh nhưng có lẽ với những lợi ích mà nó mang lại, “ba cha mẹ sinh học” sẽ sớm được phổ biến trên toàn cầu – tin vui cho các cặp đôi chẳng may mang gen lặn bệnh tật.

Vì liên quan đến việc thay đổi gen con người nên phương pháp này vẫn đang gây tranh cãi ở nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh mặt tích cực, tiến sĩ Zhang cũng cảnh báo về mặt tiêu cực của phương pháp này. Bởi những cặp cha mẹ có thể sẽ muốn thay đổi DNA của một đứa trẻ chưa sinh ra chỉ để đứa trẻ ấy trở nên đẹp và giỏi giang hơn.

Mai Nguyên (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam