Dòng sự kiện:

Gây gổ trước mặt con trẻ: Tưởng vô hại mà hậu quả khôn lường

Theo Người đưa tin
09:04 27/11/2018
Trẻ con dù ngây thơ và mong manh nhưng chúng cũng nhận biết được và trân quý cảm giác hạnh phúc của một mái ấm gia đình tràn ngập yêu thương. Chúng hiểu cãi nhau, lớn tiếng, gây lộn là điều tệ hại nhất trong cuộc sống của chúng.

hời gian gần đây xảy ra rất nhiều câu chuyện đau lòng, bố mẹ để con chứng kiến những giây phút cãi vã, đánh ghen thậm chí là đánh nhau. Nhìn lại những hành động ấy, sao các bậc làm cha làm mẹ không tự hỏi: Nếu như một đứa trẻ sống trong một gia đình không hạnh phúc, những đứa trẻ ấy có tự ti với cuộc đời?

Theo quan sát của tôi, chúng thường có các biểu hiện: Mặt luôn cúi gằm, chẳng chơi với ai, tay lúc nào cũng đút vào túi quần hoặc khoanh tay ngang ngực, mắt luôn nhìn xuống, đó là ở những trẻ có bản tính hiền lành nhút nhát. 

Đối với những trẻ có tâm lý phức tạp hơn, chúng sẽ trở nên ngỗ ngược, thích bắt nạt bạn bè, như một cách mà chúng nghĩ có thể giải tỏa được cho chúng. Cho dù là như thế nào đi nữa, tâm lý của chúng cũng không ổn định. Nhỏ tuổi thì chưa rõ rệt điều này, nhưng khi chúng lớn lên, rồi đi làm, bạn nghĩ, chúng sẽ hòa nhập cộng đồng như thế nào đây?

Đứa trẻ sẽ tự ti, tâm lý không ổn định nếu thường xuyên chứng kiến bố mẹ cãi, đánh nhau (Ảnh minh họa).

Có những đứa trẻ hiểu được hoàn cảnh của mình và ý thức được mình nên làm gì cho phải. Nhưng chúng cũng đã trải qua những năm tháng tồi tệ và nỗi day dứt quá khứ không nguôi, những điều đó như vết thương lòng hằn sâu không tài nào có thể chữa lành được. Chúng có đối xử với vợ, với chồng tốt được không, hay là lại đi theo vết xe đổ mà ba mẹ chúng đã gặp phải? Chúng có đủ tự tin và bản lĩnh quên đi những hình ảnh quá khứ, để tự tìm cho mình một cuộc sống tốt đẹp hơn?

Tôi chơi với cô bạn, tôi nghe cô ấy tâm sự nhiều về những lần mâu thuẫn của hai vợ chồng cô ấy. Một lần tôi sang chơi, cô con gái của cô ấy nói rằng, khi ba mẹ cãi nhau, cháu buồn lắm, chỉ muốn chết thôi.

Tôi tá hỏa, ngoài mặt thì tươi cười bảo cháu, không sao đâu, cãi nhau là ba mẹ đang tìm hiểu nhau đấy, có điều, tìm hiểu hơi bị mãnh liệt thôi. Nhưng ngay sau đó, tôi quay sang bảo với bạn rằng, sau này có gây gổ gì, cho con nó đi chơi nhà bạn hay sang nhà bà, rồi muốn tranh luận kiểu gì cũng được.

Tôi tự đặt câu hỏi, nhiều bậc phụ huynh có nghĩ đến cảm xúc của con mình không? Vì đang trong cơn nóng giận, bạn có thể tạm thời quên đi nỗi đau. Nhưng đối với những đứa trẻ đang cầu bình yên, chúng chỉ có một nỗi đau ngự trị, nỗi đau không phải do chúng gây nên, nhưng chúng lại gánh chịu. Những người thân yêu nhất của chúng đang làm tổn thương nhau, thì người tổn thương nhất không ai khác là những tâm hồn ngây thơ vô tội.

Hãy tôn trọng con trẻ, như tôn trọng một người lớn, có tiếng nói, có vị thế trong gia đình. Nhiều ông bố bà mẹ nghĩ rằng, cho con cái tiếp xúc với những cuộc mâu thuẫn để chúng không bỡ ngỡ với cuộc đời, và đỡ bị sốc nếu ba mẹ chúng đi đến quyết định chia tay nhau. Nhưng tôi nghĩ, trẻ con không có khả năng tự vệ, không có khả năng tự nuôi chính mình. Mái ấm gia đình bị lung lay, mà tệ nhất khi chúng nghĩ nguyên nhân là do chúng, chúng sẽ dễ đi đến những quyết định sai lầm.

Nguồn: Gia đình Việt Nam