Dòng sự kiện:

Giấc ngủ quan trọng như thế nào trong sự phát triển trí não của trẻ?

19:21 26/06/2017
Giấc ngủ là một phần quan trọng cho sự phát triển thể chất và não bộ. Nhiều cha mẹ cảm thấy lúng túng với những biểu hiện bất thường của giấc ngủ, sự quấy khóc, sự khó ngủ, cựa quậy của trẻ. Liệu khi nào cần lo lắng thật sự về giấc ngủ của bé?

Giấc ngủ ngắn và giấc ngủ sâu

Trẻ sinh ra đến 5 tháng tuổi thường biểu hiện đồng thời 2 trạng thái ngủ là ngủ ngắn và ngủ sâu. Sau 5 tháng tuổi, ngủ ngắn sẽ dần ít lại và trẻ chuyển dần sang giấc ngủ sâu.

Ngủ ngắn và lợi ích

Thường gặp các bé mới sinh đến 8 tuần tuổi, bé ngủ nhưng vẫn chuyển động mắt, vẫn có thể chuyển động tay chân, cựa quậy, hoặc làm tiếng ồn, khóc ưum ưum. Thường giấc ngủ ngắn kéo dài 20-30 phút, sau đó vào giấc ngủ sâu, hoặc có bé chỉ có giấc ngủ ngắn.

Lợi ích: Giấc ngủ ngắn có vai trò quan trọng trong phát triển não do cung cấp máu và oxy gia tăng lên não.

Nhiều cha mẹ lầm tưởng việc ngủ bất thường này là do thiếu canxi, nhưng đa phần là bình thường. Bé có thể bổ sung vitamin D liều dự phòng 300IU/ngày, nhưng canxi thì không khuyên dùng, phải tư vấn chuyên gia dinh dưỡng để đánh giá.

Giấc ngủ là một phần quan trọng cho sự phát triển thể chất và não bộ. 

Hướng dẫn giúp bé ngủ ngắn

Cho bé bú mẹ hoặc bú sữa công thức khi thấy bé có dấu hiệu buồn ngủ. Lưu ý, hãy đặt bé xuống giường hoặc nôi/cũi khi bé còn thức hoặc ở trạng thái ngủ ngắn. Không nên cho bé bú và ngủ sâu trên ti mẹ/bình sữa rồi mới đặt xuống nơi bé nằm vì nếu bạn làm vậy thì sẽ làm bé chưa kịp phát triển não bộ, giấc ngủ sâu cũng sẽ ngắn làm bé nhanh thức, và dễ gây sâu răng và viêm đường hô hấp trên nếu bé đã mọc răng.

Ngủ sâu và lợi ích

Khi ngủ sâu nhịp thở của bé sẽ đều hơn, bé ít làm tiếng ồn hơn.

Tuy nhiên, bé mới sinh đến 2 tuần, giấc ngủ sâu thường có thể kéo dài 1 giờ

Bé 2-8 tuần: 2-4 giờ/lần. Từ 6-8 tuần bé có khuynh hướng ngủ sâu về đêm
Bé 3 tháng tuổi: ngủ sâu có thể 4 giờ/lần
Bé trên 6 tháng tuổi: 6 giờ/lần

Lợi ích: Ngủ sâu giúp cơ thể bé thư giãn và nghỉ ngơi hoàn toàn. Các bé ngủ sâu tốt sẽ phát triển thể chất nhanh về chiều cao và cân nặng. Các bé ngủ sâu ít thường tăng trưởng không tốt hay cáu gắt và biếng ăn khi thức.

Để bé có giấc ngủ sâu tốt:

*Nên thiết lập giờ ngủ cho các bé lớn từ 6 tháng tuổi.
*Ngưng hoặc giảm dần các hoạt động vui chơi cách thời gian đi ngủ 2h
*Các thiết bị điện tử, TV, điện thoại nên tắt trước khi vào thời gian ngủ của bé.
*Các bé trên 7 tháng cân nặng bình thường hoặc thừa cân thì nên cắt dần cữ bú đêm của bé để bé có giấc ngủ sâu, và cho bé uống sữa sớm về sáng tầm 5-6 giờ sáng. Lời khuyên này không áp dụng cho các bé sinh non hoặc có cân nặng không tốt.

*Không nên cho bé uống nước ép hoặc ăn trái cây trước 1.5 tiếng giờ đi ngủ vì 1 số đường trong trái cây khi hấp thụ sẽ tạo khí ga làm bé mất giấc ngủ sâu. Lời khuyên này cũng bao gồm luôn các bánh ngọt có đường, nước ngọt hoặc bánh có muối như bánh snack.

*Hãy tạo thói quen đọc sách hoặc trò chuyện với bé trước giờ ngủ. Thói quen đọc sách cho bé làm bé phát triển tốt về não bộ vì trước khi bé vào giấc ngủ sâu, bé có 1 thời gian là rơi vào giấc ngủ ngắn.

Khi nào cần lo lắng về giấc ngủ của trẻ:

Khi đặt xuống chỗ nằm bé thường hay khóc, có lúc khóc thét, mặc dù đã bú đủ, cha mẹ sẽ cần thiết là tư vấn chuyên gia.

Thời gian ngủ 1 ngày của bé nhỏ hơn 1/3 thời gian 1 ngày thì nên tư vấn thêm chuyên gia.

Khi ngủ bé có biểu hiện bất thường như co giật, đổ mồ hôi nhiều (biểu hiện giảm thân nhiệt) hoặc hơi thở không đều thì cha mẹ nên nghĩ tới đưa bé vào viện ngay hoặc gọi cấp cứu.

Bé ngủ ngáy to và dài. Ngáy thường không thông thường ở trẻ nhỏ, mặc dù không phải là không có. Nhưng đáng để cha mẹ nên cho bé đi kiểm tra về hệ tiêu hóa và hô hấp của bé.

Bé hay mơ, giấc mơ ngắn nhưng tác động mạnh lên não nên làm bé thức giấc đột ngột, la hét và bất an khi ngủ, đặc biệt là khi bé được cho đi học. Cha mẹ nên tìm hiểu lí do tại sao bé biểu hiện vậy. Nguyên nhân đa phần là bé không thoải mái trên trường do áp lực việc học, hoặc do không quen bạn bè, thầy cô. Tùy vào mức độ nặng nhẹ mà cha mẹ nên tư vấn thêm chuyên gia sức khỏe.

Theo Gia đình Việt Nam