Dòng sự kiện:

Giải thích cho con về những lời nói dối “tích cực”

15:04 18/07/2016
Bạn đã phải dành rất nhiều thời gian để khuyến khích con mình trung thực. Nhưng sẽ có những lúc, chúng cảm thấy bối rối khi chứng kiến bố/mẹ mình nói dối, dù đó là “lời nói dối trắng” hay lời nói dối “tích cực”.

Hãy tưởng tượng một ngày đẹp trời, một người bạn hỏi bạn rằng, bạn có thích chiếc áo xấu xí mà cô ấy đã mua tặng bạn nhân dịp sinh nhật hay không. Để không làm phật ý cô ấy, bạn đã nói dối là bạn rất thích chiếc áo đó. Vô tình con bạn đã chứng kiến điều này, chúng cảm thấy hoàn toàn bối rối về việc mẹ đã nói dối. Bạn phải giải thích sao cho con hiểu đây?

Giải thích cho con hiểu về "lời nói dối trắng"

Bạn lý giải rằng đôi khi một lời nói dối nhỏ có thể giúp ai đó không bị tổn thương. Nhưng con bạn có thể sử dụng điều này để biện minh cho những lời nói dối của chúng sau này, đổ lỗi rằng đó chỉ là một “lời nói dối trắng”.

Đó chính là lý do vì sao bạn cần đưa ra thật nhiều ví dụ minh họa về việc khi nào thì một lời nói dối sẽ được chấp nhận và khi nào là không thể. Thông thường, lời nói dối trắng được sử dụng để khen ngợi hay cảm ơn một điều gì đó một cách không thành thật, thường là để che giấu một điều gì đó có thể làm tổn thương người khác.

Hãy nhấn mạnh điều đó với con bạn, thêm vào đó, lời nói trắng không nên được sử dụng thường xuyên (chỉ trong trường hợp bắt buộc), và tốt nhất là con nên luôn luôn nói thật mà không bóp méo, thêm thắt điều gì cả.

Ai cũng có cảm xúc của riêng mình

Hãy giải thích cho con bạn về “lời nói dối trắng”, bao gồm cả việc dạy trẻ sự khác nhau giữ trung thực và sự riêng tư, giữ sự thật và sự nhạy cảm. Tuy nhiên, chính người lớn cũng gặp nhiều khó khăn trong việc phân biệt, bởi vậy đừng ngạc nhiên nếu con bạn “vật lộn” giữa các khái niệm này.

Dưới đây là một vài gợi ý để hướng dẫn con bạn vượt qua những khó khăn này:

Tăng sự nhạy cảm cho con. Hãy yêu cầu con nghĩ về bất cứ điều gì về bản thân trẻ khiến trẻ cảm thấy không hài lòng. Trẻ có thể nói về mái tóc được cắt không vừa ý khiến trẻ bực mình, hay bé cảm thấy buồn khi không thể vẽ đẹp như các bạn khác. Sau đó, hãy nói trẻ tưởng tượng đang đứng cùng với rất nhiều các bạn khác, rồi bất chợt có ai đó chê bai trẻ. Sự bối rối mà trẻ cảm thấy sẽ chính là những gì người khác thấy khi có những lời nhận xét thẳng thắn như vậy. Sử dụng lời nói dối trắng trong trường hợp này có thể tránh được những cảm xúc tiêu cực hay tổn thương.

Dừng lại và suy nghĩ. Hãy đề nghị rằng, trước khi trẻ định nhận xét về vẻ ngoài hay trang phục của ai đó, trẻ nên nghĩ về việc những lời nói của mình sẽ ảnh hưởng tới người đó như thế nào. Khuyến khích trẻ đoán xem người khác sẽ cảm thấy như thế nào. Nếu trẻ nghĩ rằng lời nói của mình sẽ khiến người khác buồn, trẻ nên giữ im lặng hay nói điều gì đó điều gì đó tích cực theo hình thức lời nói dối trắng.

Hãy kiên nhẫn. Bạn cũng đã phải mất nhiều năm để học cách cư xử xã hội, biết khi nào cần nói gì và khi nào nên giữ suy nghĩ cho riêng mình. Bởi vậy, đừng hy vọng rằng con mình có thể có được những kỹ năng đó chỉ sau một đêm. Hãy chuẩn bị để có thể trao đổi thẳng thắn, cụ thể với con, mỗi khi giải thích vì sao lời nói của trẻ lại vô tình gây tổn thương, và vì sao một lời nói dối trắng lại có thể hữu dụng hơn. Sự nhận thức của trẻ em sẽ tăng dần theo thời gian và qua những gì trẻ được trải nghiệm.

Đinh Hương (Youngparents)

Nguồn: Gia đình Việt Nam