Dòng sự kiện:

Giúp con yêu thích lịch sử

Lịch sử có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc giáo dục thế hệ trẻ. Thế nhưng, có một thực tế là rất nhiều phụ huynh đầu tư cho con học ngoại ngữ từ khi còn học mẫu giáo, nhưng kiến thức lịch sử của nước nhà thì hầu hết các bậc phụ huynh đều không biết con học thế nào, phó mặc hoàn toàn cho trường lớp.

Cha mẹ bỏ quên dạy Sử cho trẻ

Ngay từ khi trẻ cắp sách đến trường, gần như người lớn bỏ quên việc phải dạy Lịch sử cho trẻ. Nhiều phụ huynh chỉ coi môn Sử để “học cho biết”, đọc tham khảo chứ không nên học nhiều.

Anh Nguyễn Văn Nam (bán đảo Linh Đàm, Hà Nội) có con học lớp 5 cho biết: “Thời đại công nghệ thông tin, mở cửa hội nhập, tôi chỉ cho con luyện tiếng Anh thật nhiều. Ngoài ra học thêm Toán, tiếng Việt thôi. Các cháu học quá nhiều môn, giờ lại cứ áp ngày tháng, sự kiện, nhân vật… khiến các cháu căng thẳng, đâm ra chán học. Theo tôi, môn Sử nên trở thành môn tham khảo, chỉ có cháu nào học để sau này làm nghề thì mới đầu tư thời gian để học”.

Chị Thanh Hoa (kế toán Bệnh viện Việt Pháp) cho biết, tôi không có điều kiện cho con học các trường quốc tế như mong ước, nên lớp tăng cường ngoại ngữ là mục tiêu hướng tới của gia đình. Tranh thủ 3 tháng hè cho con đi học tiếng Anh để vào trong năm con tập trung các môn khác. Còn học Lịch sử chỉ để đối phó với các giờ kiểm tra trên lớp thôi.

Nhiều bố mẹ phàn nàn rằng, con mình không thích học môn lịch sử, vì thế cũng không biết gì nhiều về Lịch sử Việt Nam. Bên cạnh đó, khi được hỏi về các ngày lễ lớn của đất nước như Ngày Quốc khánh, Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, Ngày giải phóng Thủ đô… nhiều con đều lắc đầu trả lời không biết.

Trẻ càng nhỏ, tiếp nhận càng dễ

Chia sẻ về vấn đề này, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, trẻ con không thích môn Lịch sử một phần cũng là do người lớn chưa biết cách làm cho lịch sử trở nên “hấp dẫn và tò mò” đối với trẻ. Học Lịch sử không bao giờ là khó nếu cảm nhận được sự thú vị ngay từ khi còn nhỏ. Trẻ càng nhỏ thì việc tiếp nhận càng dễ dàng hơn. Hãy dạy trẻ tình yêu, hiểu biết về quê hương, đất nước trước khi những văn hóa, văn minh giao lưu tràn ngập trong tâm trí trẻ. Điều đó, các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể làm được.

Ngay từ khi con còn nhỏ, bố mẹ hãy chăm chỉ đưa con đi tham quan các bảo tàng như Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Quân đội... để con có những hiểu biết đầu tiên về lịch sử. Lúc đầu, có thể con chưa thực sự hứng thú tham gia nhưng sau đó, con sẽ bị tò mò bởi những câu chuyện lịch sử, hiện vật được trưng bày trong bảo tàng. Sau mỗi chuyến tham quan như vậy, mỗi con sẽ có hứng thú với từng giai đoạn hay nhân vật lịch sử khác nhau và sẽ chia sẻ với bố mẹ, anh chị về cảm nghĩ đó của mình.

Vào những ngày lễ lớn như Ngày Quốc khánh, Ngày giải phóng Thủ đô... bố mẹ khuyến khích con xem các chương trình chào mừng trên truyền hình để con có ấn tượng về con số thời gian, sự kiện lịch sử này.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Thu Hòa, nghỉ hè là thời gian bố mẹ có thể cho trẻ đi du lịch, tham quan những vùng đất mới cũng là một cách hay để trẻ có thể hiểu biết về con người và mảnh đất vùng miền. Đó là cơ hội để trẻ khám phá nhiều điều thú vị. Trước mỗi chuyến đi, bố mẹ nên bớt chút thời gian tìm hiểu trước về địa danh đó, kể cho trẻ những điều thú vị, đặc trưng, về danh nhân lịch sử. Trẻ sẽ tiếp nhận kiến thức một cách tự nhiên và lâu quên hơn là học từ những quyển sách đầy chữ, những con số khó nhớ.

Nguồn: Gia đình Việt Nam