Dòng sự kiện:

Giúp mẹ nhận biết con bị bạo hành ở trường lớp

Theo Phununews
19:06 22/05/2018
Nhiều vụ bạo hành trẻ diễn ra liên tiếp khiến phụ huynh lo lắng không biết liệu con mình có gặp tình huống tương tự hay không?

Những ngày gần đây, dư luận cả nước hết sức bất bình trước một số vụ việc giáo viên mầm non bạo hành trẻ. Sự việc một lần nữa khiến không ít cha mẹ lo lắng liệu con em mình có gặp tình huống tương tự ở trường không?

Một số gợi ý sau sẽ giúp giải đáp phần nào nỗi lo của các bậc phụ huynh:

Biểu hiện về thể chất

Các vị trí thường hiếm khi bị tổn thương một cách vô tình

Đây là các vị trí có thể vô tình bị tổn thương khi trẻ vận động, chơi cùng bạn bè...

Quan sát kỹ bàn tay, chân, cổ, mông, má của trẻ trước và sau khi đón trẻ từ lớp học về cha mẹ phần nào biết được chuyện diễn ra ở trường.

Ngoài ra, hãy kiểm tra xem con có vết bầm tím, cào xước, vết bỏng, vết lằn... nào không, nếu có cần chú ý ngay. Hãy nói chuyện nhẹ nhàng với con tránh quát mắng khiến trẻ sợ hãi.

Dấu hiệu bạo hành trẻ dưới 1 tuổi

Ảnh minh họa

Hội chứng Shaken Baby Syndrome (SBS) thường xảy ra khi trẻ bị người chăm sóc hung bạo lắc mạnh cơ thể khiến bộ não trẻ bị va đập với xương sọ, có thể gây nên những vết bầm tím, sưng tấy, tạo áp lực hoặc thậm chí là gây chảy máu trong não bộ. Khi bị hội chứng này, trẻ dễ bị tổn thương, chảy máu võng mạc.

Những người lớn bạo hành thường trút giận lên trẻ nhỏ bằng cách vừa lắc mạnh vừa quát mắng, quăng quật mạnh hay thậm chí tung lên xuống nhiều lần như trong vụ người giúp việc bạo hành bé gái hơn 1 tháng tuổi.

Thay đổi về hành vi

Ảnh minh họa

Trẻ khóc và chống đối khi đến giờ đi nhà trẻ, hoặc tỏ ra sợ hãi khi có sự xuất hiện của bảo mẫu. Đây là biểu hiện dễ thấy ở trẻ khi không muốn rời xa mẹ, nhưng nếu phản ứng quá gay gắt thì mẹ nên chú ý.

Rối loạn giấc ngủ

Trẻ đi học về ngủ chập chờn, thỉnh thoảng khóc thét lên hoặc tay chân dẫm đạp... sau khi đi học, cha mẹ cũng cần lưu ý ngay. Hoặc trẻ cắn móng tay, thở nhanh, toát mồ hôi... sau khi đi học về, cha mẹ cũng nên trò chuyện với con để biết lý do.

Rối loạn ngôn ngữ

Trẻ có thể gặp vấn đề trong giao tiếp hay phản ứng khi trò chuyện, phản ứng chậm, thường xuyên tỏ ra sợ sệt. Trẻ bị bạo hành cũng có thể nảy sinh rối loạn ngôn ngữ như nói lắp.

Cha mẹ nên thường xuyên trò chuyện cùng con

Những ngày đầu đi học trẻ có những thay đổi về tâm lý, cha mẹ nên dành thời gian trò chuyện với con để tạo sự thoải mái.

Thủ thỉ những câu hỏi như "Ở lớp cô có đánh con không?" "Có bạn nào bắt nạt con không", "Ở lớp có bạn nào ngoan, bạn nào không ngoan?" "Bạn nào không ngoan cô phạt như thế nào?" như vậy trẻ dễ dàng nói ra sự việc hơn.

Biểu hiện của trẻ không bị bạo hành

Theo Th.S Tâm lý Thu Huyền, Phòng Tư vấn tâm lý (phố Tôn Thất Tùng, Hà Nội), trẻ con rất trung thực và tình cảm, yêu ghét rõ ràng. Đi học một thời gian đã quen cô, quen lớp nên con rất vui vẻ đi học, còn nhanh nhẹn, bạo dạn hơn vì được giao tiếp với bạn bè. Đón con đi học về là bé liến láu kể về trường lớp, cô giáo. Khi đưa trẻ tới bên cô giáo, nếu trẻ yêu cô giáo thì gương mặt bé sẽ rạng ngời.

Ngoài ra, trẻ không bị bạo hành sẽ có biểu hiện thích vận động, vui vẻ, hoạt bát. Sau một ngày đi học vui vẻ, thoải mái thì trong giấc mơ trẻ sẽ ngủ ngon, còn nở nụ cười.

Sáng ngày 21/5,  một clip lan truyền trên mạng cho thấy bảo mẫu ép trẻ ăn, rồi đánh đập dã man khiến nhiều người bức xúc. Vụ việc được cho là xảy ra tại trường mẫu giáo Mẹ Mười trên đường Thái Thị Bôi (quận Thanh Khê, Đà Nẵng).

Hình ảnh trong clip cho thấy một người phụ nữ mặc áo đỏ và một người mặc váy trắng sọc đen cho nhóm trẻ ăn cháo. 2 bé trai trong số đó không mặc áo, nằm dưới sàn nhà và liên tục được bảo mẫu nhét cháo vào miệng cho dù đang khóc lớn.

Một người phụ nữ mặc đầm trắng sọc đen (cũng là người phụ nữ bắt trẻ nằm để đút ăn trong clip) nắm đầu và mặt một trẻ nhỏ còn mặc tã và nhấc bổng em bé này lên.

Ngay sau khi đoạn clip và những hình ảnh bạo hành trên được đăng tải, nhiều người đã bày tỏ sự căm phẫn trước hành động của các bảo mẫu.

Nguồn: Gia đình Việt Nam