Dòng sự kiện:

Giúp mẹ nhận biết dấu hiệu lồng ruột ở trẻ

23:16 22/12/2016
Lồng ruột có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp ở bé trai hơn bé gái, đặc biệt là ở trẻ còn bú dưới 1 tuổi (chiếm 80 – 90%).

Cách nhận biết dấu hiệu lồng ruột ở trẻ

Lồng ruột ở trẻ nhỏ là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp. Mặc dù con số thống kê chưa được đầy đủ, tỷ lệ mắc bệnh vào khoảng 3 - 5 trường hợp trên 1.000 trẻ.

Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp nhất là tuổi 5 - 9 tháng, đặc biệt là những trẻ bụ bẫm. Trẻ trên 2 tuổi, tỷ lệ mắc chỉ vào khoảng 15% và tỷ lệ này càng giảm khi trẻ lớn lên. Thống kê cũng cho thấy trẻ em trai bị lồng ruột chiếm tới 70% và bệnh cũng thường xảy ra vào mùa đông xuân.

Lồng ruột xảy ra khi một đoạn ruột không ở vị trí bình thường mà “chui” vào trong lòng một đoạn ruột kế cận kèm theo là cả các mạch máu nuôi dưỡng đoạn ruột đó.
Khi trẻ đang chơi, đột nhiên đau bụng, quấy khóc từng cơn, bỏ bú có thể kèm theo ói nhiều lần, đó là các dấu hiệu sớm của lồng ruột. Nếu muộn hơn bé có triệu chứng tiêu phân lẫn máu đỏ tươi hay máu bầm. Trong trường hợp này, cha mẹ nên đưa cháu đến BV ngay, bé sẽ được chẩn đoán nhanh chóng qua khám bệnh và siêu âm, điều trị đơn giản nhờ tháo lồng bằng hơi.

Điều cần lưu ý là đối với các cháu đang bị sốt, ho hay nhiễm siêu vi trước đó, đột ngột quấy khóc từng cơn là một dấu hiệu nghi ngờ lồng ruột. Ngoài ra, ở trẻ đã bị lồng ruột một lần, luôn có nguy cơ bị tái phát thêm lần nữa, nên khi có các triệu chứng nghi ngờ như trên thì phải đưa cháu đến BV ngay. Nói chung, lồng ruột rất hay gặp ở trẻ nhỏ, phát hiện không khó, điều trị cũng khá đơn giản nếu được chẩn đoán sớm.

Nguyên nhân gây nên lồng ruột ở trẻ

Lồng ruột xảy ra khi một đoạn ruột không ở vị trí bình thường mà “chui” vào trong lòng một đoạn ruột kế cận kèm theo là cả các mạch máu nuôi dưỡng đoạn ruột đó.

Cho đến nay, có tới 90% các ca lồng ruột không rõ nguyên nhân. Một số trường hợp được cho là do các khối u, polýp của ruột. Các yếu tố này có thể làm thay đổi nhu động của ruột dẫn tới việc các đoạn ruột “chui” vào nhau. Viêm nhiễm của ruột cũng là một tác nhân thuận lợi cho lồng ruột xảy ra. Trong một số nghiên cứu, người ta đã nhận thấy tỷ lệ lồng ruột khá cao ở trẻ em bị nhiễm Rotavirus, loại virut thường gây nôn, tiêu chảy cấp ở trẻ. Các yếu tố như tiêu chảy kéo dài, các sẹo tổn thương ở ruột, dính ruột… cũng có thể là tác nhân gây lồng ruột mặc dù chưa được chứng minh rõ ràng. Bất thường về giải phẫu ở ruột, tiền sử đã bị lồng ruột và trẻ em nam là những yếu tố dẫn tới nguy cơ cao bị lồng ruột.

Cách phòng tránh lồng ruột ở trẻ

Khi phát hiện trẻ có những biểu hiện bất thường như trên, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Khi đã chắc chắn trẻ bị lồng ruột, các biện pháp tháo khối lồng bằng bơm hơi hoặc barium và thậm chí bằng phẫu thuật sẽ được thực hiện. Đồng thời với các biện pháp này, trẻ có thể được bù thêm dịch, cho kháng sinh, nuôi dưỡng, đặt ống thông dạ dày cho bụng đỡ trướng...

Do nguyên nhân thực sự gây lồng ruột ở trẻ chưa được rõ ràng nên không có biện pháp dự phòng đặc hiệu nào. Vì vậy, cách tốt nhất vẫn là nhanh chóng nhận biết các dấu hiệu bất thường ở trẻ để phát hiện sớm lồng ruột, tránh các biến chứng nguy hiểm do căn bệnh này gây ra.

Theo Gia đình Việt Nam


TAG